flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Kỉ niệm 74 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946 - 06/01/2020): Sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội Việt Nam

Ngày đăng: 06-01-2020 Lượt xem: 3994

Ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trên lãnh thổ đất nước ta được tiến hành, lần đầu tiên công dân của nước Việt Nam được thực hiện quyền bỏ phiếu, lần đầu tiên Việt Nam có Quốc hội, có Hiến pháp và cũng là lần đầu tiên nhân dân ta chính thức làm chủ vận mệnh của mình…

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu quốc hội khóa I, ngày 6-1-1946

Kiên trì đấu tranh quyết tâm thực hiện cuộc Tổng tuyển cử

Ngày 2/9/1945, sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử, tại vườn hoa Ba Đình, trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với nhân dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời.

Ngay sau khi thành lập, chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy. Dù đã long trọng tuyên bố với thế giới rằng: Việt Nam là một nước độc lập và tự do nhưng không một nước nào trên thế giới công nhận, trái lại, các thế lực đế quốc Nhật, Pháp, quân của bọn Tưởng Giới Thạch và bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách càng tăng cường, ráo riết chống lại Đảng Cộng sản Việt Minh bằng mọi cách, hòng lật đổ chính quyền cách mạng và thiết lập một chính quyền phản động tay sai cho đế quốc. Chưa kể, chính quyền cách mạng còn phải tiếp quản cả một “gia tài” đổ nát do thế hệ cũ để lại: Công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình trệ, tài chính kiệt quệ, nạn đói đe dọa trầm trọng, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề… Khiến vận mệnh Tổ quốc đứng trước nguy cơ mất còn….

Lúc này, cuộc cách mạng của dân tộc vẫn phải tiếp tục, khác với nội dung cơ bản trước đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc và tay sai thì lúc bấy giờ, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng là đấu tranh chống giặc ngoài, thù trong để giữ cho bằng được chính quyền cách mạng mà nhân dân ta phải mất biết bao xương máu mới có. Mà một trong những việc làm thiết thực, hàng đầu để củng cố và tăng cường sự vững chắc của chính quyền ngay lúc này là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”[1].

Trong suốt quá trình chuẩn bị hướng đến Tổng tuyển cử, các báo phản động như Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâm… ra sức vu cáo, nói xấu Việt Minh, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử vì trình độ dân trí của ta thấp kém nên không đủ năng lực thực hiện quyền công dân của mình, chúng tuyên truyền rằng việc cần làm là tập trung chống Pháp chứ không nên mất thì giờ vào bầu cử… tất cả đều nhằm phá hoại cuộc Tổng tuyển cử vì nếu thành công chính quyền cách mạng sẽ được hợp thức hóa, từ đó bóc trần bản chất tay sai và bộ mặt “quốc gia” “ái quốc” bịp bợm của chúng trước dư luận.

Để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc này, cơ quan tuyên truyền đấu tranh của Mặt trận Việt Minh ngày 24/11/1945 đã viết: “Vẫn biết đại đa số dân mình chưa biết đọc biết viết, nhưng vịn vào đấy để kết luận dân ta không đủ tư cách kén chọn đại biểu là không hiểu gì về dân, không hiểu gì về chính trị. Căn cứ vào phong trào chống Pháp, đuổi Nhật vừa qua đủ để thấy dân ta có ý thức chính trị dồi dào, và hễ có ý thức chính trị là đủ điều kiện để phân biệt được ai là thù, ai là bạn, ai xứng đáng là đại biểu chân chính của mình… Họ đi với ai bênh vực, chiến đấu cho quyền lợi của họ, họ chống lại ai xâm phạm quyền lợi của họ… Chỉ tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có quyền nói hết ý kiến của mình và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân”[2].

Đối với sự chống phá của lực lượng Việt Quốc, Việt Cách, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết đấu tranh chống lại mọi sự phá hoại, chống đối của họ, đồng thời thực hiện biện pháp mềm dẻo, nhân nhượng và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định hướng tới cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Qua quá trình dài đấu tranh thương lượng và nhân nhượng khéo léo của Chính phủ ta, Việt Quốc đã thỏa thuận hợp tác và ủng hộ cuộc tổng tuyển cử, trên cơ sở đó, ngày 24/12/1945, Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách đã kí bản Biện pháp đoàn kết, trong đó có 2 điều khoản chủ yếu là: Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết; Ủng hộ Tổng tuyển cử Quốc hội và kháng chiến. Ngoài ra, ta phải thừa nhận 70 ghế cho Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội không thông qua bầu cử.

Người dân thực hiện quyền làm chủ vận mệnh dân tộc

Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử, điều này chứng tỏ Chính phủ Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do, dân chủ của nhân dân và thể hiện thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc. Cùng với quá trình đấu tranh đoàn kết, tạo không khí chính trị ổn định cho Tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời đã nhanh chóng soạn thảo Hiến pháp và triển khai sâu rộng công tác tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, xem đây là cuộc vận động chính trị hết sức rộng lớn của toàn dân.

Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946

Ngày diễn ra Tổng tuyển cử, một vài địa phương ở miền Nam bị Pháp chiếm đã phải đổ máu như ở Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Tân An, Tây Nguyên... quân đội Pháp đã ném bom, bắn phá, làm một số người chết và bị thương. Chỉ riêng ở Sài Gòn-Chợ Lớn đã có 42 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử. Mặc cho bọn phản động tuyên truyền phá hoại, các tầng lớp nhân dân vẫn phấn khởi, nhiệt liệt hưởng ứng giúp cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tại Việt Nam sau bao ngày chuẩn bị và chờ đợi đã diễn ra thành công rực rỡ và thu được kết quả vô cùng tốt đẹp, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam chính thức ra đời, hòa nhịp với bước tiến của thời đại, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Như vậy, chỉ hơn 4 tháng sau ngày Độc lập, toàn thể nhân dân ta đón chào ngày hội lớn - ngày Tổng tuyển cử. Dưới ách thống trị tàn bạo của đế quốc và phong kiến, người dân Việt Nam bị tước đoạt mọi quyền dân chủ. Chính cuộc cách mạng tháng Tám đã thổi một luồng gió mới vào mọi mặt của đời sống xã hội, đem lại quyền làm chủ cho mỗi công dân. Lần đầu tiên, mọi người được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên là “Kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Và hôm nay, trải qua 74 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội từ những ngày đầu thành lập đến nay đã không ngừng lớn mạnh, luôn thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội đã thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân... Trong thời đại mới hiện nay, Quốc hội sẽ không ngừng phát huy hơn nữa những kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của hơn 7 thập kỷ qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp để có thể đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ngọc Huyền

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.8, tr.27.

[2] Báo Cứu quốc, số ngày 24-11-1945