flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam: Nghĩ về công lao của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Ngày đăng: 28-07-2019 Lượt xem: 3167

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888, trong một gia đình nông dân ở cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sinh ra và lớn lên khi thực dân Pháp đã đặt ách thống trị trên toàn cõi Việt Nam, chứng kiến cảnh “nước mất nhà tan”, xã hội đầy dẫy bất công, nhân dân bị bóc lột cùng cực, chàng thanh niên Tôn Đức Thắng đã sớm có tinh thần yêu nước và khát vọng đấu tranh chống áp bức, bóc lột giành độc lập.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm hỏi, chúc tết cán bộ, chiến sĩ Sở Công an Hà Nội, năm 1976

Năm 1906, người trai trẻ từ giã mảnh đất Cù lao giữa dòng sông Hậu hiền hòa, lên Sài Gòn với ý định học việc và thực hiện hoài bão cuộc đời, đồng chí Tôn Đức Thắng đã không lựa chọn hướng “làm thầy” mà chọn con đường “làm thợ”. Năm 1909, đồng chí vào làm ở xưởng đóng tàu Ba Son, trở thành một trong những người thợ giỏi, thông minh, có tính độc lập cao, có năng khiếu lao động kỹ thuật, giàu lòng thương người… và cũng chính từ môi trường lao động cực nhọc ấy, dưới ách áp bức bóc lột của giới chủ ngoại bang, chàng công nhân trẻ tuổi dần được giác ngộ ý thức giai cấp Cần Lao để rồi nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, trở thành một trong những người lãnh đạo các phong trào bãi công, bãi khóa biểu tình trong học sinh sinh viên, và công nhân để chống lại chính sách hà khắc của chế độ thực dân Pháp và tay sai bán nước.

Từ bến cảng Nhà Rồng, năm 1912 người thanh niên Tôn Đức Thắng xuống một con tàu Hải quân để tìm đến với giới Cần lao Pháp, với tổng công hội Pháp, với các phong trào yêu nước của Việt Kiều tại Pháp. Ngày 20 tháng 4 năm 1919, chiến hạm của Pháp ngang nhiên tiến công Biển Đen và bắn phá cảng Xêvaxtôpôn của nước Nga Xôviết, lúc này Tôn Đức Thắng đã dũng cảm, cùng anh em binh lính trong hạm đội Pháp, đứng lên phản chiến. Chính chàng thanh niên Tôn Đức Thắng đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm để ủng hộ nước Nga, nhà nước Xôviết đầu tiên trong lịch sử loài người. Hành động của chàng thanh niên Tôn Đức Thắng với hình ảnh lá cờ đỏ tung bay trên nóc Chiến hạm France đã đi vào lịch sử như một mốc son, biểu thị ý chí và tình cảm của nhân dân Việt Nam từ lúc còn là thuộc địa của Pháp, chào mừng nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười, đặt dấu mốc xây đắp tình hữu nghị Việt-Xô phát triển suốt chiều dài lịch sử...

  Sau vụ binh biến Biển Đen, Tôn Đức Thắng rời khỏi hải quân Pháp và trở lại Sài Gòn hoạt động. Năm 1920, trở về Sài Gòn, bằng tình cảm yêu mến, sự giác ngộ về Cách mạng Tháng Mười Nga và Nhà nước Xô Viết cùng với những kinh nghiệm trong tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp, Tôn Đức Thắng nhận thấy cần phải tổ chức một Công hội ở nước ta nhằm tập hợp, tuyên truyền, giác ngộ, vận động công nhân để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi độc lập dân tộc, đồng chí đã cùng với những người bạn chiến đấu, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật đầu tiên ở Sài Gòn. Có thể nói, sự ra đời của Công hội bí mật vào những năm 1920-1925 tại Sài Gòn, trung tâm công nghiệp của cả nước lúc bấy giờ, có ý nghĩa chính trị vô cùng quan trọng. Nó đánh dấu một thời kỳ mới trong lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam, từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức. Từ chỗ đấu tranh tự phát nhằm mục đích kinh tế, dần đi vào tổ chức có mục đích chính trị rõ ràng.

   Trong điều kiện hoạt động bí mật, phải đối mặt với nhiều thử thách, khó khăn, Công hội Sài Gòn vẫn không ngừng trưởng thành, phát triển, thực sự là tổ chức tương thân, tương trợ của công nhân và vận động, hướng dẫn công nhân đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho mình. Đặc biệt, cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8 năm 1925 gắn với vai trò tổ chức, lãnh đạo của Công hội bí mật Sài Gòn đã trở thành cột mốc lịch sử và là dấu son rạng ngời trong truyền thống giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam. Trong những năm 1926 - 1927, Công hội đã bắc nhịp cầu đưa chủ nghĩa Mác - Lênin đến với giai cấp công nhân tại Sài Gòn, là cơ sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một trong những cơ sở quan trọng hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Chính sứ mệnh đó, đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ là chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân, một trong những người sáng lập tổ chức công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam, mà còn “là một trong các chiến sĩ lớp đầu của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta”.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã kinh qua nhiều cương vị, từ người công nhân bị áp bức bóc lột, người cán bộ công đoàn bí mật, người cán bộ Đảng ở địa phương đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của hệ thống chính trị cấp trung ương và trở thành nguyên thủ quốc gia, đồng chí vẫn luôn thủy chung về tư tưởng, tâm hồn, phong cách - là người công nhân đích thực đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng và ở bất kỳ cương vị công tác nào Người cũng rất xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và nhân dân. Có thể thấy rằng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại cho giai cấp công nhân Việt Nam những bài học kinh nghiệm quý báu và có ý nghĩa to lớn. Ý nghĩa lớn nhất đó là sự thể hiện trong thực tế tính tiên phong cách mạng của người công nhân - cộng sản Tôn Đức Thắng, người Việt Nam đầu tiên tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, cũng là người sáng lập tổ chức Công hội đầu tiên - tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay. Tính tiên phong, một trong những phẩm chất quý báu của giai cấp công nhân Việt Nam đang được hàng triệu đảng viên cộng sản phát huy trong công cuộc đổi mới hiện nay. Thêm vào đó là tính tổ chức, tính nguyên tắc. Dù làm việc gì cũng phải tuân thủ quyết định của tổ chức, của tập thể. Chủ tịch Tôn cho rằng sức mạnh là ở tổ chức; toàn Đảng chỉ có một ý chí, đó là sự đoàn kết, nhất trí trên cơ sở đường lối chính trị và nguyên tắc tổ chức của Đảng. Kỷ cương tổ chức phải tuân thủ chặt chẽ; điều đó không chỉ xuất phát từ tính nguyên tắc mà còn ở ý thức tự giác của con người.

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng luôn gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam, người đã từng sống, từng hoạt động với tư cách là người công nhân, người đoàn viên và cán bộ công đoàn, là một trong những lãnh tụ đầu tiên của phong trào công nhân, công đoàn Việt Nam, bởi thế, người luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), cùng nhau tri ân Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một hình mẫu của người công nhân Việt Nam về sự uyên thâm nghề nghiệp, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tiên phong cùng những cống hiến to lớn, một tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức và là bài học sâu sắc đối với Tổ chức Công đoàn Việt Nam.

 

Ngọc Huyền

(Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)