flag header

Tin tứcTin tức

Ký ức hào hùng qua từng trang sách

Ngày đăng: 30-01-2018 Lượt xem: 2087

Sài Gòn cách đây 50 năm, vào Xuân Mậu Thân 1968 - nơi đọ sức nảy lửa và bi hùng nhất giữa các lực lượng vũ trang. Những trận đánh bất ngờ và quyết liệt ở Đài Phát thanh Sài Gòn, ở Tòa Đại sứ Mỹ, ở sân bay Tân Sơn Nhất, ở Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, ở Bộ Tư lệnh Hải quân và rất nhiều khu vực khác… đã làm choáng váng Lầu Năm Góc, cả nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt. Sài Gòn trở thành biển lửa thiêu đốt quân thù, đường phố, ngõ hẻm thành chiến lũy; người dân hóa thân thành chiến sĩ, cứu thương, tiếp lương, tải đạn, che dấu, nuôi dưỡng cán bộ, chiến sĩ giải phóng quân. Nửa thế kỷ đi qua, khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam cùng với ngọn lửa xuân Mậu Thân 1968 lại một lần nữa sáng bừng lên, thăng hoa qua cảm xúc sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ giới thiệu bộ sách chủ đề Mậu Thân 1968 với mong muốn dùng văn học nghệ thuật để xây dựng nên hình ảnh người chiến sĩ Biệt động Sài Gòn về tầm vóc, tính cách và chiến công, dùng văn học nghệ thuật vẽ lại cuộc chiến bi tráng oai hùng, nhằm góp phần giáo dục ý nghĩa lịch sử của Xuân Mậu Thân 1968 cho các thế hệ.

    

Từ câu chuyện hùng tráng trong kịch bản sân khấu

Tập kịch bản sân khấu Ký ức Mậu Thân 1968 chính là thành quả đơm hoa kết trái của các tác giả sân khấu từ sự cảm phục, lòng tri ơn vô hạn đối với các thế hệ cha anh đã ngã xuống kết hợp với những chuyến đi thực tế trong năm 2017 của Trại sáng tác Vang mãi bản hùng ca xuân Mậu Thân 1968 do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện. Ký ức Mậu Thân 1968 gồm 04 kịch bản thuộc loại hình sân khấu kịch nói: Những khoảnh khắc một mùa xuân của tác giả Trần Văn Hưng; Ngọn lửa mùa xuân của tác giả Ngọc Trúc; Huyền thoại của tác giả Đăng Nhân; Bản giao hưởng dang dở của tác giả Bích Ngân.

Trong kịch bản Những khoảnh khắc một mùa xuân (còn có tên khác Châu về hợp phố), tác giả Trần Văn Hưng như “tắm mình” vào ký ức của 50 năm trước ngay tại Sài Gòn. Một “mặt trận lòng dân” đã thực sự mở ra, vây bủa kẻ địch khắp các ngả đường, xóm nhỏ. Ở đó có tấm lòng thủy chung như nhất của một người vợ luôn phải đấu trí với mọi hiểm nguy để bảo vệ cơ sở mật và ngóng trông chồng về cùng với đoàn quân giải phóng. Có sự biến hóa đầy linh hoạt trước mọi tình huống của các chiến sĩ biệt động nội đô và cả những người nông dân, những em sinh viên trong giờ phút chuẩn bị cho tổng tấn công.    

Với sự kiện “Đêm trắng đồng Vĩnh Lộc”, tác giả Ngọc Trúc tái hiện lại sự kiện đau thương bi tráng ở cánh đồng Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh năm xưa đã trải lòng qua kịch bản Ngọn lửa mùa xuân. Sự hy sinh của 32 dân công hỏa tuyến mà hầu hết là nữ vào đêm 15/6/1968 đến nay vẫn là nỗi đau thương tận cùng đối với người dân xã Vĩnh Lộc mỗi khi đến ngày giỗ chung. Kịch bản khắc họa sâu sắc sự khốc liệt của chiến tranh, tấm lòng, tinh thần quả cảm của người dân nơi đây trong cuộc tổng tấn công. Hình tượng các chị dân công tuổi đời mới trên dưới đôi mươi đã dâng hiến trọn vẹn thanh xuân, thắp lên ngọn lửa mùa xuân bất diệt càng trở nên lung linh, sống động.

Huyền thoại của tác giả Đăng Nhân lại khắc họa số phận nhân vật trong khoảng thời gian trải dài từ mùa xuân 1968 đến sau ngày giải phóng. Nội dung tuy lấy “Phở Bình” - một địa điểm lịch sử của chiến dịch tổng tấn công với nhiều nhân vật là người thật việc thật, làm tâm điểm để rồi mở ra biết bao sự kiện, sự việc, vừa đấu trí, vừa đấu lực giữa ta và địch.

Bản giao hưởng dang dở của tác giả Bích Ngân đề cập đến tình yêu, khát vọng và sự dấn thân vào sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của các văn nghệ sĩ giải phóng mà hình tượng trung tâm là anh hùng, liệt sĩ, nhà thơ Lê Anh Xuân. Bằng kịch bản giàu chất văn học, tác giả khai thác về một “binh chủng” hết sức đặc biệt, đó là các Chiến sĩ - Văn nghệ sĩ. Các anh đã từng sống, chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật trong những năm tháng ấy như thế nào? Các anh đã nghĩ gì về Tổ quốc, về nhân dân, và cả về hạnh phúc lứa đôi? Các anh đã ngã xuống, Bản giao hưởng dang dở ấy người còn sống sẽ viết tiếp chính là thông điệp mà tác giả kịch bản gởi gắm đến tất cả chúng ta.

    Đến tinh thần chiến đấu quật khởi trong mỗi trang sách

Hơn 20 năm được tiếp cận với hàng trăm nhân chứng, tư liệu, hiện vật, hồ sơ lưu trữ, về những người hy sinh và những người còn được sống, cả những dằn vặt đeo đẳng; nhân kỷ niệm 50 năm cột mốc lịch sử Mậu Thân 1968, nhà văn Trầm Hương nỗ lực thực hiện tập truyện ký “Chuyện Mậu Thân 1968”, với mong muốn thế hệ sau hiểu về khúc bi tráng sự kiện Mậu Thân mà Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn là trọng tâm làm nên cột mốc lịch sử này. Đồng thời gửi đến thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau thông điệp về cột mốc lịch sử được viết nên bằng những tấm gương anh hùng, bằng máu và nước mắt, bằng những hy sinh thầm lặng cao cả, bằng nỗi đau mất đi những người thân yêu của cuộc đời mình để những người hôm nay thêm yêu thương, trách nhiệm với cuộc sống hiện tại. Tập sách dày gần 500 trang, hơn 200 hình ảnh.

Trường ca “Củ Chi và Xuân Mậu Thân 1968”, trường ca “Pháo dậy phố Xuân” (nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà văn Hoàng Xuân Huy, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu): mỗi tác giả bằng phong cách riêng của mình viết về Xuân 1968 với tất cả niềm tự hào cảm phục và lòng tri ân sâu sắc những người đã tham gia chiến đấu, cống hiến và hy sinh trong niềm tin tất thắng một ngày không xa. Tập phê bình văn học “Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân” của Lê Thiếu Nhơn viết về 12 tác giả - những nghệ sĩ chiến sĩ - như nhà văn Anh Đức, nhà thơ Giang Nam, nhà thơ Diệp Minh Tuyền, nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ, nhà văn Nguyễn Thi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Lê Anh Xuân...

Trong tập truyện ký “Chiến sĩ Mậu Thân”, là nhà văn quân đội trực tiếp tham gia chiến đấu và sang tác, Thanh Giang đã tái hiện khá trung thực diễn biến của trận tập kích chiến lược Xuân Mậu Thân 1968. Qua tập sách, hình ảnh những con người bình dị từ vị tướng, người anh hùng, cho đến những anh chiến sĩ, cô gái biệt động, nhà văn… làm ta rung rung xúc động. Tập truyện ký “Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968” của nhà văn Ngô Bá Chính (Đồng Đen) viết theo lời kể, hồi ký của chiến sĩ biệt động với những chi tiết sống động, gay cấn khiến bạn đọc hồi hộp xúc động qua những tấm gương hy sinh dũng cảm, khí tiết can trường của những chiến sĩ cách mạng.

 

HM