flag header

Tin tứcChống DBHB

Lập luận sai trái của Trung Quốc trong việc xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông

Ngày đăng: 13-05-2020 Lượt xem: 1953

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường cơi nới, xây dựng các đảo trong quần đảo Trường Sa mà họ dùng vũ lực cưỡng chiếm của Việt Nam, bất chấp sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Họ đưa ra 3 lý do chính để bào chữa cho hành động của mình, đó là:

Thứ nhất, Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền “không thể tranh cãi” trên các đảo san hô và vùng nước liền kề nên nước này có quyền thực hiện bất cứ hoạt động nào nếu xét thấy cần thiết tại các đảo mà không cần quan tâm đến sự can thiệp hoặc phản đối của các bên khác.

Thứ hai, Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc chỉ làm những gì mà các bên tranh chấp khác đang làm trên các rạn san hô trong quần đảo Trường Sa. Do đó, một số quan chức Trung Quốc nói rằng những người chỉ trích nước này xây dựng đảo nhân tạo là đạo đức giả và áp dụng tiêu chuẩn kép đối với Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc khẳng định, các hoạt động “duy trì và xây dựng công trình” chủ yếu để cải thiện điều kiện sống của lực lượng quân sự đóng trên các đảo san hô và cho phép nước này cung cấp các dịch vụ công trong tìm kiếm, cứu nạn, cứu trợ thiên tai, nghiên cứu khoa học biển, dự báo thời tiết và làm nơi tránh bão cho ngư dân.

Trong 3 lý do trên đây, trừ lập luận thứ nhất hoàn toàn không thuyết phục được bất kỳ nước nào trên thế giới thì 2 lý do còn lại có vẻ như các hoạt động của Trung Quốc đơn thuần mang tính dân sự, tỏ rõ thiện chí hòa bình, nhân đạo… Kỳ thực, cả 3 lý do đều thể hiện tính sai trái, ngụy biện, lời nói không đi đôi với hành động.

Thứ nhất, cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa (kể cả Hoàng Sa) thực chất chỉ là tuyên bố suông của họ mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng lịch sử, khoa học, pháp lý nào thuyết phục. Về mặt địa lý, đảo Tri Tôn trong quần đảo Hoàng Sa nằm cách mũi Ba Làng An thuộc đất liền Việt Nam 134,6 hải lý (249,3 km) và cách đảo Lý Sơn 121,1 hải lý (224,3 km). So với Trung Quốc, đảo Tri Tôn cách nơi gần nhất của đảo Hải Nam 168,4 hải lý (311,9 km); hay đảo Hoàng Sa (một đảo trong quần đảo Hoàng Sa, gần với Trung Quốc nhất) đến Lăng Thủy giác (điểm cực nam của đảo Hải Nam), cũng đến 142,5 hải lý (263,9 km), cách đất liền lục địa Trung Quốc tối thiểu là 235 hải lý (435 km); còn Trường Sa cách Cam Ranh 250 hải lý (462 km) và nơi gần nhất cũng cách Hải Nam 550 hải lý (1.018 km).

Về mặt lịch sử, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền và thực tế đã thực thi quyền chủ quyền đối với hai quần đảo này từ thế kỷ XVII và liên tục cho đến thế kỷ XIX – XX, trước khi bị người Pháp xâm chiếm và tiếp tục quản lý, sau đó trao trả lại cho các chính quyền của Việt Nam theo Hiệp định Genève. Về mặt pháp lý, trong các thỏa thuận quốc tế, Hoàng Sa và Trường Sa đều được Liên hiệp quốc và các nước lớn thống nhất trao về cho các chính thể của Việt Nam, và hoàn toàn không trao cho chính thể nào phía Trung Quốc; kể cả một vài tuyên bố chủ quyền của phía Trung Quốc thì cũng không được quốc gia nào công nhận; việc xác lập quyền chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo này liên tục và hòa bình, hoàn toàn khác với việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm lấy Hoàng Sa vào các năm 1946, 1956 và 1974, chiếm một số đảo ở Trường Sa năm 1988, 1995.

Như vậy, cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” thực ra không có gì để tranh cãi, vì toàn bộ quá trình chiếm lấy các đảo của Trung Quốc đều dùng vũ lực từ các chính thể của Việt Nam, tức là tước đoạt chủ quyền của một quốc gia khác bằng một hành động xâm lược. Hiện nay, Trung Quốc bằng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình luôn ngụy biện việc chiếm hữu bằng những chứng cứ pháp lý, lịch sử ngụy tạo, bị các học giả tiến bộ trên thế giới (kể cả học giả người Trung Quốc) phủ nhận.

Thứ hai, Trung Quốc đánh đồng việc cơi nới các đảo mà họ chiếm giữ với việc hoàn thiện cơ sở vật chất trên một số đảo của các nước khác, kể cả Việt Nam Việt Nam. Trung Quốc hiện nay chiếm 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, gồm các đảo đá Gạc Ma, Su Bi, Ga Ven, Tư Nghĩa, Chữ Thập, Châu Viên và Vành Khăn.

Từ cuối năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành hoạt động cải tạo mở rộng đảo nhân tạo tại đá Châu Viên; hiện nay được mở rộng đến 0,31 km2 (31 ha) với những công trình như kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng ten liên lạc vệ tinh, radar… Ở Chữ Thập, đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp thì diện tích của đảo nhân tạo này lên tới khoảng 2,77 km2, đứng thứ 3 về diện tích trong các đảo nhân tạo trên biển Đông và cũng lớn thứ 4 trong tất cả các đảo nhân tạo lẫn đảo, đá tự nhiên thuộc cả 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với đường băng, cảng biển, nhiều nhà máy xi măng, cơ sở hỗ trợ, cầu cảng, súng phòng không, hệ thống chống người nhái, trang thiết bị liên lạc, nhà kính, bãi đáp trực thăng. Ở Ga Ven, phần mở rộng có diện tích hơn 14 ha, có các công trình như kênh tiếp cận, súng phòng không, súng hải quân, thiết bị liên lạc, kiến trúc hỗ trợ xây dựng, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng. Ở Tư Nghĩa, Trung Quốc bắt đầu xây dựng quy mô lớn từ hè 2014; bằng hoạt động hút bùn và cải tạo; đến năm 2018, Trung Quốc mở rộng phần nền bê tông lên 8,1 ha, có các công trình như kênh tiếp cận, công sự ven biển, 4 tháp phòng thủ, cầu cảng, cơ sở quân sự đa cấp, trạm radar, bãi đáp trực thăng, hải đăng. Ở Gạc Ma, phần nền bê tông hiện trải rộng trên diện tích trên 11 ha, nơi rộng nhất là 400 m; các công trình ở đây gồm đường băng, kênh tiếp cận, nhà máy bê tông, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, radar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê chắn sóng gia cố. Ở Vành Khăn, nơi bị Trung Quốc chiếm năm 1995, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo thì diện tích đảo hoàn toàn nhân tạo này lên tới khoảng 5,66 km2, là đảo lớn nhất ở biển Đông, với các công trình như kênh tiếp cận, đê chắn sóng gia cố, cơ sở quân sự và nơi trú ấn cho ngư dân. Ở Su Bi, việc cải tạo được thực hiện quy mô lớn từ tháng 7-2014, đến tháng 5-2018, đảo này có diện tích lên tới khoảng 4,14 km2, thành đảo nhân tạo lớn thứ hai ở biển Đông, có gần 400 tòa nhà, toàn bộ đều có khả năng là các công trình quân sự, có năng lực phục vụ từ 1.500 đến 2.400 binh lính đồn trú cùng với hệ thống cơ sở vật chất như kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quận sự và một đường băng dài 3.000 m. 

Như vậy, việc cải tạo của Trung Quốc ở các đảo có quy mô rất lớn, thay đổi cơ bản về nguyên trạng của các đảo với những mục tiêu rất sâu xa. Chẳng hạn, theo Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đảo là những vùng đất hình thành tự nhiên có khả năng duy trì sự cư trú hoặc đời sống kinh tế của con người, có quyền vùng lãnh hải với bán kính 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lên tới 200 hải lý. Ý đồ của Trung Quốc là biến các bãi cạn, đảo đá thành các đảo, từng bước biến đảo nhân tạo thành đảo tự nhiên để có EEZ 200 hải lý hoặc ít nhất cũng mở rộng phạm vi lãnh hải thêm 12 hải lý. Khi đó, toàn bộ vùng biển quanh các đảo mà họ chiếm đóng sẽ rất rộng lớn.

Thứ ba, việc mở rộng đảo của Trung Quốc được che đậy bằng các mục đích dân sự kỳ thực đều nhằm vào mục đích quân sự. Việc xây dựng các đường băng sân bay, bến cảng… đều nhằm đưa binh lính và thiết bị phục vụ chiến đấu; trong khi đó, mục tiêu sâu xa hơn là biến các đảo thành khu vực tiền tiêu trên biển Đông, sẵn sàng tấn công quân sự vào các nước khác. Các chuyên gia cho rằng, các cầu tàu và bến cảng ở các đảo nhân tạo sẽ cho phép lực lượng quân sự Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường trực tại quần đảo Trường Sa và trên biển Đông, bởi họ có thể sử dụng các cơ sở này để tiếp nhiên liệu, bảo trì… mà không phải quay trở lại cảng tại đất liền. Các hệ thống radar và vệ tinh sẽ tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát hàng hải của Trung Quốc, thậm chí có đủ điều kiện để thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông như đã làm ở biển Hoa Đông. Không chỉ vậy, với các cơ sở kinh tế, kỹ thuật ở các đảo, ngư dân Trung Quốc sẽ được hỗ trợ tối đa để họ trở thành các “cột mốc chủ quyền di động” trên biển Đông, có thể tràn vào khai thác ngư trường của nước khác, hoàn toàn áp đảo ngư dân các nước đó.

Bên cạnh đó, khi tự “nâng cấp” chủ quyền của mình thông qua việc xây dựng các đảo, Trung Quốc có thể mở rộng ngư trường cũng như khu vực thăm dò, khai thác dầu khí, có thể cản trở, hạn chế việc khai thác dầu khí của các nước ở vùng họ có chủ quyền hoặc quyền chủ quyền.

Thực tiễn cho thấy, các hoạt động mang tính nhân đạo của Trung Quốc diễn ra rất hãn hữu đối với ngư dân và tàu thuyền nước ngoài. Rất nhiều lần lực lượng quân sự của Trung Quốc không những không giúp đỡ ngư dân các nước (trong đó có ngư dân Việt Nam) khi họ vào tránh bão hoặc cần cứu hộ ở các đảo do Trung Quốc kiểm soát mà còn tấn công họ, cướp bóc tài sản. Lần gần đây nhất là ngày 02-4-2020, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt ở khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 8 người trên tàu được đưa về đảo Phú Lâm; ba tàu cá khác của Việt Nam đến ứng cứu đều bị phía Trung Quốc truy đuổi, bắt và lai dắt vào đảo Phú Lâm rồi thả ra cùng ngày... Vụ việc này đã bị các nước lên án mạnh mẽ. Còn mục đích nghiên cứu khoa học, dự báo thời tiết (nếu có) cũng chỉ phục vụ lợi ích cục bộ cho Trung Quốc, hoàn toàn khác với nhiều nước khác đã và đang thực hiện.

Từ đó cho thấy, việc cơi nới, mở rộng các đảo là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động phục vụ việc độc chiếm biển Đông, trước hết là tăng cường phạm vi kiểm soát các đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa, sau đó là hiện thực hóa yêu sách “đường chín đoạn”. Hành động này đi ngược lại UNCLOS, DOC và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước, trong đó có Việt Nam. Đáng nói là Trung Quốc luôn công khai việc xây dựng này, họ thực hiện việc tuyên truyền, giới thiệu khá rầm rộ qua các phương tiện truyền thông trong nước, như là một sự thách thức đối với dư luận khu vực và thế giới, dù trong quá trình đó họ luôn ngụy biện về mục đích các hoạt động của mình. Mãi đến gần đây, khi việc xây dựng gần như đã hoàn tất thì Trung Quốc mới tuyên bố ngừng hoạt động này. Hành động đó của Trung Quốc gây căng thẳng trong khu vực và thế giới, đồng thời làm hình ảnh nước này ngày càng xấu đi trong mắt các nước!

Ngũ Yên