flag header

Tin tứcTin tức

Lấy ý kiến Nhân Dân về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: là bước phát huy dân chủ và trí tuệ của Nhân Dân

Ngày đăng: 08-11-2020 Lượt xem: 1767

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện Hướng dẫn số 151-HD/BTGTW ngày 10-9-2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc công bố, lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội thứ XIII của Đảng, ngày 20-10-2020, các dự thảo văn kiện đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân. Đó là các dự thảo: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII), Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. Từng dự thảo đều có những gợi ý, định hướng những nội dung trọng tâm cần cho ý kiến, nhận xét để người dân có thể quan tâm cho ý kiến.

Chẳng hạn, đối với dự thảo Báo cáo chính trị, các vấn đề cần tập trung thảo luận là: kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; tầm nhìn và định hướng phát triển (quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030); định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế; định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; về sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng…

Hay đối với dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các vấn đề cần quan tâm là: đánh giá bối cảnh trước và sau Đại hội XI đã sát, đúng với tình hình chưa? Những nhận định, đánh giá về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 đã đầy đủ, đúng, sát với thực tiễn chưa? Dự báo bối cảnh quốc tế, khu vực, cơ hội, thách thức và tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới đã đầy đủ chưa? Nội dung nào cần nhấn mạnh, bổ sung? 5 quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội nước ta trong thời gian tới đã thể hiện rõ, phù hợp chưa? Mục tiêu phát triển đề cập hai phương án, phương án nào phù hợp? Mục tiêu tổng quát đã bảo đảm tính bao quát và khả thi chưa? Việc xác định xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của thời đại trong thời gian tới? Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế, xã hội, môi trường nêu trong dự thảo Báo cáo đã phù hợp chưa? Ba đột phá chiến lược nêu trong dự thảo Báo cáo đã phản ánh những trọng tâm, trọng điểm cần thực hiện trong 10 năm tới chưa, nhất là những nội hàm được bổ sung vào ba đột phá, như: phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng, lòng tự hào dân tộc và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Những vấn đề nổi cộm về thực trạng và phương hướng xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; những biện pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030…

Việc lấy công bố rộng rãi các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng đã được Đảng ta thực hiện từ nhiều năm qua và mỗi lần như vậy đều tiếp nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, của đồng bào các giới trong và ngoài nước. Tuyệt đại đa số các ý kiến đều thể hiện tinh thần xây dựng cao, phản ánh nguyện vọng chính đáng của nhân dân đối với các vấn đề của đất nước, về việc nâng cao đời sống của người dân, về công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh… Tất nhiên, trong đó có một số ít ý kiến mang tính công kích, phá hoại nhưng đó chỉ là những ý kiến lạc điệu, không đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Do đó, việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện là nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội. Điều đó khẳng định Đại hội của Đảng cũng như đại hội của các tổ chức đảng thực sự là hoạt động được người dân quan tâm, vì liên quan trực tiếp và mật thiết đến cuộc sống của người dân.

Tại Đại hội XII 5 năm trước, chỉ sau hơn một tháng (từ ngày 15-9-2015), đã có hơn 26 triệu lượt người dân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, trách nhiệm vào các dự thảo văn kiện mà bảng tổng hợp dày đến 1.547 trang. Việc tham gia góp ý được thực hiện rộng khắp trên các cấp cơ sở đảng, các cơ quan đoàn thể Nhà nước và các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội. Người dân trong nước được mời gọi tham gia đóng góp ý kiến qua các cấp ủy đảng cơ sở và các cơ quan báo đài, hay gửi trực tiếp về Ban Tuyên giáo Trung ương. Mạng lưới bưu điện các địa phương hoàn toàn miễn cước cho thư tín, bưu kiện gửi của nhân dân đóng góp ý kiến về các dự thảo văn kiện Đại hội XII. Người dân đã đóng góp nhiều vấn đề quan trọng, thiết thực, có ý nghĩa thực tiễn không chỉ đối với cuộc sống cụ thể của người dân mà còn đến sự phát triển của đất nước, sự trong sạch, vững mạnh của hệ thống chính trị. Chẳng hạn, trong vấn đề về phát huy dân chủ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, qua góp ý của nhân dân, Trung ương đã tiếp thu một số ý lớn: Bổ sung vào nguyên nhân vì sao trong 5 năm qua chúng ta chưa phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là “chậm đổi mới về phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”, bổ sung thêm những nội dung về “phương hướng, nhiệm vụ như tạo sự đồng thuận xã hội”, “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, mọi đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”, “giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ vươn lên”, “tạo điều kiện cho chị em phụ nữ phát triển tài năng”, “bảo đảm cho các dân tộc bình đẳng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”...

Hay trong vấn đề “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, Trung ương đã tiếp thu các nhóm vấn đề chính. Đó là, đưa vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền trong 5 năm tới với nội dung là phải có cơ chế để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; xác định chính xác hơn những nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới, Trung ương đã tiếp thu và sửa lại là “hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền”. Hay ở mảng tư pháp, Trung ương tiếp thu 3 ý lớn là: Xây dựng nền tư pháp hiện đại; tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc xét xử của tòa án là tranh tụng tại tòa; tăng cường các cơ quan bổ trợ tư pháp khi có đủ điều kiện.

Trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương đã tiếp thu ý kiến nhân dân, và đoạn văn kiện về nội dung này đã được viết lại là: “Nhìn chung các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách bài bản, quyết liệt, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong hệ thống chính trị và có tác động cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong Đảng”. Còn về đánh giá khuyết điểm, dự thảo viết: “Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có một số việc chưa đạt như mong muốn, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra”; nhân dân góp ý rằng, mong muốn thì vô cùng, cần viết thế nào cho rõ hơn; cuối cùng, Báo cáo chính trị đã viết: “Trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 có một số việc chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra”…

Thực tiễn đó ở Đại hội XII đã bác bỏ hoàn toàn ý kiến cho rằng Đại hội Đảng là công việc nội bộ của Đảng, không được người dân quan tâm vì không liên quan đến cuộc sống của người dân… Với những đổi mới trong việc xây dựng văn kiện, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, chúng ta có thể tin tưởng rằng dự thảo các văn kiện tại Đại hội XIII sẽ tiếp tục được người dân quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, quý báu để văn kiện thực sự là trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân!

NGŨ YÊN