flag header

Tin tứcChống DBHB

Lựa chọn cán bộ liêm chính và gương mẫu cho cấp ủy khóa mới

Ngày đăng: 22-06-2020 Lượt xem: 1338

 

Công tác cán bộ nói chung, lựa chọn nhân sự cấp ủy khóa mới nói riêng là một trong những nội dung trọng yếu của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đảm bảo cho Đảng cầm quyền luôn xứng đáng với vai trò tiền phong. Hơn bao giờ hết, mối cấp ủy đều phải chú trọng và làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, bởi rằng “dưới có vững thì trên mới bền chắc được” và đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự phát triển bền vững của Đảng, của đất nước.

1. Cán bộ phải liêm chính và nêu gương

Bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, Đảng cầm quyền nhưng nhân dân là chủ, chức vụ/quyền hạn của người cán bộ là do nhân dân ủy nhiệm. Để hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, mỗi cán bộ  nhất định phải vừa hồng vừa chuyên; trong đó chú trọng yêu cầu thấm nhuần đạo đức cách mạng, thường xuyên rèn luyện, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo Người, cán bộ liêm chính là người biết phải trái, đúng sai và hổ thẹn khi làm điều xấu, biết tự răn mình để tránh điều xấu, để tâm trí luôn trong và sáng; đồng thời, phải chính trực, dũng cảm đấu tranh với cái xấu để bảo vệ lẽ phải trong mọi công việc và trong xã hội. Sự thanh liêm và chính trực của người cán bộ sẽ tự tỏa sáng và hấp dẫn những người xung quanh - nghĩa là phải thực hành chữ liêm và chữ chính/liêm chính để làm kiểu mẫu cho dân.

Cũng theo lời Người, đức liêm chính của người cán bộ sẽ tạo nên lòng tin của nhân dân, vì thế, nếu không có hoặc thiếu liêm chính “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc dây leo trời”. Do đó, người cán bộ không chỉ cần phải liêm chính, gương mẫu về sự liêm chính của mình trong thực thi công vụ và cuộc sống đời thường mà còn phải có trách nhiệm giáo dục đức liêm chính cho người khác, để “dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, không chính cũng phải hóa ra liêm chính; đồng thời, yêu cầu pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất chính, bất kỳ kẻ ấy là ai, ở địa vị nào, làm nghề gì. Thực tế cho thấy, sự hòa quyện chặt chẽ giữa đức trị và pháp trị trong tư tưởng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của Người hiển hiện rõ một Hồ Chí Minh không chỉ đề cao đức liêm chính của người cán bộ; kiên trì giáo dục cán bộ thực hành đức liêm chính mà đi liền cùng đó là ban hành nhiều sắc lệnh và đạo luật để răn đe, ngăn chặn, trừng trị những kẻ bất liêm, như Quốc lệnh (ký ngày 26/1/1946) quy định hai vấn đề trọng yếu là thưởng và phạt, trong đó quy định tội trộm cắp của công phải bị tử hình…

Cán bộ muốn làm mực thước cho dân thì liêm chính thôi chưa đủ mà còn cần phải luôn gương mẫu, đi đầu về mọi mặt, phải thống nhất giữ nói và làm. Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu phải thể hiện toàn diện trên các mặt nỗ lực học tập để nâng cao trình độ, nghiệp vụ; rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, tự phê bình và phê bình, trong quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ… Nội dung nêu gương thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, tận tụy, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình, không lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong công tác; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cũng như trong quá trình thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát…

Cụ thể, để liêm chính và nêu gương cho quần chúng nói theo, mỗi người cán bộ phải “chớ tự kiêu, tự đại; luôn luôn cầu tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình. Đối với mọi người “phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới" và“phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà”, “đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm”; “việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm”.

Thực tế, uy tín của Đảng cầm quyền nói chung, của người cán bộ nói riêng gắn liền với sự tu dưỡng và gương mẫu về đạo đức cách mạng, thực hành đức liêm chính. Nếu người cán bộ không tu dưỡng đạo đức cách mạng, không gương mẫu thực hành liêm chính và nêu gương thì không thể hấp dẫn, quy tụ, lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Sớm tiên lượng nguy cơ suy thoái, sa vào bất liêm, bất chính của đội ngũ cán bộ khi được trao/ủy quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân”. Do đó, để ngăn ngừa tình trạng “tư túi”, không “dốc lòng phục vụ, tận tụy phục vụ” Tổ quốc và nhân dân, Người đã cảnh báo: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Vì thế, mỗi người cán bộ phải liêm chính và gương mẫu, thường xuyên rèn luyện những phẩm chất đạo đức cao quý đó và mẫu mực thực hiện. Đó không chỉ là yêu cầu cần thiết trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cán bộ cách mạng mà còn là biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức; không chỉ giúp người cán bộ tự soi, tự sửa, tự rèn mình mà còn tạo ra sức mạnh mềm và sức hấp dẫn của chính bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức và của cả một dân tộc.

2. Công tác cán bộ liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ

Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, trên tinh thần xác địn rõ công tác cán bộ có vị trí cực kỳ quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ, công tác cán bộ đã được triển khai bài bản, theo hướng ngày càng chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; Chỉ thị Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định 101-QÐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy đinh 08 -QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…

Theo tinh thần của các Nghị quyết, Chỉ thị và các Quy định nêu trên, cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng có chức vụ càng cao càng phải liêm chính và gương mẫu; phải nêu gương về đức liêm chính, tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú. Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân; kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”…

Vì thế, tại mỗi cấp ủy, công tác cán bộ nói chung, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nói riêng cũng đã được chú trọng theo hướng lựa chọn cán bộ liêm chính và nêu gương trong công tác và cuộc sống đời thường, để cán bộ đó xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Cụ thể, người cán bộ đó phải luôn liêm chính trong suy nghĩ và hành động, luôn gương mẫu về mọi mặt. Trong cam kết và đăng ký thi đua hằng năm, mỗi cán bộ nói chung, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị nói riêng đã căn cứ theo 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để tự soi, tự sửa. Đồng thời, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu về đạo đức, lối sống để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong mỗi người cán bộ đó, sẽ không và không có những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân như: Địa phương cục bộ, chỉ chăm chút và vun vén cho địa phương hoặc bộ phận mình phụ trách mà không nghĩ tới toàn cục, đến lợi ích chung, gây tổn hại đến lợi ích chung của đất nước; óc hẹp hòi, cánh hẩu, lợi ích nhóm, chỉ luôn “dễ” mình và những người cùng phe nhóm mình và “khó” với những người không “cùng hội cùng thuyền với mình” dù đó là người tài, người tốt, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, Đảng mất cán bộ và hỏng công việc chung" và càng không có những việc làm như tham ô, tham nhũng, làm trái phép nước, coi thường pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn một bộ phận cán bộ,  kể cả cán bộ giữ trọng trách cao suy thoái về đạo đức, lối sống. Đó chính là những người không từ một thủ đoạn nào, kể cả vi phạm pháp luật và Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm để trao đổi, mua bán, ban phát, trục lợi, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc cho mình và phe nhóm mình, gây bức xúc trong nhân dân. Những biểu hiện suy thoái của họ về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không chỉ xâm hại lợi ích chung mà còn gây tác động xấu, làm phân liệt ý chí và tan rã sức mạnh đoàn kết, thống nhất của từng cơ quan, địa phương, đơn vị; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Để xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, thực hiện công tác cán bộ và lựa chọn nhân sự cho cấp ủy khóa mới, đảm bảo cho đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng thành công, cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chuẩn bị thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và bài viết của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về lựa chọn nhân sự cho cấp ủy khóa mới. Trong đó, chú trọng việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, sơ hở trong công tác cán bộ; đẩy mạnh phân công, phân cấp, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và các cá nhân liên quan đến công tác cán bộ, chuẩn bị nhân sự.

Hai là, tăng cường và đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan truyền thông, báo chí gắn với sự giám sát của nhân dân về tinh thần phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, đức liêm chính và sự gương mẫu về mọi mặt của đội ngũ cán bộ nói chung, về những cán bộ trẻ trong dạng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và những cán bộ là nguồn nhân sự cho cấp ủy khóa mới nói riêng. Thông qua đó, một mặt, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “đầu cơ chính trị”, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển...; mặt khác, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đức liêm chính và sự nêu gương trong công tác cũng như cuộc sống đời thường cảu mỗi người. Coi những thông tin, những ý kiến phản ánh từ các nguồn nêu trên là một trong những kênh thông tin quan trọng để đánh giá và lựa chọn được người cán bộ có “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; để phòng và tránh được các hiện tượng "diễn gương" chứ không phải "nêu gương", "nhìn đỏ tưởng chín"… như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 12 về công tác cán bộ.

Ba là, để được cấp ủy lựa chọn, được nhân dân tin yêu và tín nhiệm, mỗi người cán bộ cần phải nỗ lực hết mình, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu theo chương trình hằng năm và đột xuất tại mỗi tổ chức cơ sở Đảng. Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo và chỉ đạo (từ quán triệt đến đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống trên tinh thần "việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, phải hết sức tránh"; gần dân, hiểu dân, trọng dân, tin dân, học dân, dựa vào dân và thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân để củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong kiểm tra và giám sát cán bộ; nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa những phê bình, góp ý đúng đắn của nhân dân và khuyến khích nhân dân thực hiện vai trò giám sát của mình một cách tự nguyện, tự giác./.

TS. Văn Thị Thanh Mai