flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Luật An ninh mạng sẽ tác động tích cực đến nhận thức người dùng mạng xã hội

Ngày đăng: 02-01-2019 Lượt xem: 6542

Luật An ninh mạng 2018 có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 với nhiều quy định điều chỉnh “hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” (Điều 1).

Khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, một số người lo ngại rằng quyền tự do ngôn luận và một số quyền khác sẽ bị ảnh hưởng, hạn chế. Nhất là khi những tổ chức và cá nhân có thành kiến với chế độ ta, một số kẻ cơ hội, những kẻ có mưu đồ chính trị sai trái, lại ra sức thông tin sai sự thật, xuyên tạc mục tiêu tốt đẹp của Luật này, thì không ít người đã hoang mang. Trên thực tế, các quyền cơ bản của con người (nhân quyền) đã được khẳng định và bảo vệ bằng Hiến pháp cùng nhiều luật và bộ luật, theo xu hướng ngày càng mở rộng, chứ không thể có việc thu hẹp hạn hay chế các quyền này. Bởi xu hướng này một mặt là xu hướng tất yếu của loài người, của tất cả các nước, mặt khác cũng là mục tiêu của Đảng và Nhà nước ta đang hướng đến, đang từng bước thực hiện, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các quyền và nhu cầu của công dân. Nhưng có một quy luật tất yếu, đó là khi quyền tự do ngày càng được mở rộng thì vấn đề bảo vệ quyền tự do lại càng cần được quan tâm. Trên thực tế, quyền tự do (ở bất kỳ lĩnh vực nào) không phải là một quyền vô hạn mà luôn có những hạn chế, ràng buộc, sao cho quyền tự do của người này dù được mở rộng đến đâu cũng không xâm phạm, làm tổn hại đến quyền tự do của tổ chức và cá nhân khác. Xét ở góc độ đó, Luật An ninh mạng là một trong những luật điều chỉnh vấn đề này.

Điều 8 Luật An ninh mạng quy định một số hành vi bị nghiêm cấm, chẳng hạn, tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng… Khoản 1 Điều 18 quy định một số hành vi sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, như: đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng trái quy định; chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng; giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán; tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật; hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật … Đây đều là những hành vi bị pháp luật tất cả các quốc gia đều nghiêm cấm, có khác chăng là cách thức xử lý và mức độ chế tài đối với từng hành vi mà thôi. Rõ ràng, Luật An ninh mạng đã nêu rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm và cách thức xử lý các vấn đề ở môi trường không gian mạng, mà các hành vi bị nghiêm cấm đó là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân.

Đối với người sử dụng mạng xã hội, lâu nay, tình trạng một số người mạo danh, không chính danh để đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật, thông tin xúc phạm đến danh dự, uy tín của tổ chức và cá nhân khác, có sự kích động hành vi sai trái đối với người tiếp nhận… là khá phổ biến. Đơn giản thì vì có hiềm khích, mâu thuẫn với ai đó, hoặc chỉ vì hiểu lầm, mà đưa thông tin có tính làm nhục người khác; phức tạp thì góp nhặt các thông tin chưa được kiểm chứng hoặc cắt xén các thông tin chính thức để dựng thành những thông tin mới gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc gây mất uy tín của cơ quan chính quyền… Cá biệt, có một số phần tử xấu còn kích động người dân thực hiện những hành vi sai trái, như kêu gọi đi biểu tình chống một số quyết sách của Nhà nước, xuyên tạc một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây thù hằn các dân tộc, chia rẽ tôn giáo… rồi cho rằng Đảng và Nhà nước ta phân biệt đối xử… Dễ thấy nhất là trong tháng 6-2018, đã có một số người vì tin theo các lời kêu gọi này mà tham gia biểu tình và đã có trường hợp sử dụng bạo lực tấn công cả lực lượng công quyền thực hiện chức trách bảo đảm an ninh trật tự. Từ đó đến nay, rải rác cũng có những lời kêu gọi tương tự, nhưng sau khi được các cơ quan chức năng giải thích, một số cá nhân có hành vi sai trái bị xử lý, thì lời kêu gọi đó không có tác dụng, nhưng ít nhiều làm xáo trộn đời sống xã hội. Do đó, việc áp dụng Luật An ninh mạng từ đầu năm 2019 sẽ góp phần tạo sự lành mạnh trong môi trường không gian mạng, góp phần tác động, thúc đẩy người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm hơn, ứng xử văn minh hơn, tiến bộ hơn!

                                                                                                     Ngũ Yên