Ngày đăng: 16-03-2018 Lượt xem: 2117
Với việc sử dụng mạng xã hội, blog cá nhân, ai cũng dễ dàng đăng những bài viết và lan truyền nó trên mạng tới mọi người với tốc độ chóng mặt. Lợi dụng điều đó, những đối tượng xấu thường xuyên viết bài xuyên tạc, đánh lừa người đọc.
Vừa rồi về quê, tôi đến thăm ông bác họ là cựu chiến binh. Từng là lính chiến trường, nên dù đã trở về với ruộng vườn, Ông vẫn rất quan tâm đến tình hình Quân đội. Lần nào gặp, Ông cũng xoay quanh chuyện nhà binh. Khi thì Ông kể về những trận đánh vào sinh ra tử với kẻ thù; lúc Ông lại hỏi tôi về vũ khí, trang bị, chế độ, chính sách hiện nay của Quân đội, v.v.
Lần này, Ông bắt đầu với vẻ mặt đăm chiêu:
- Nghe nói Quân đội không được làm kinh tế nữa hả cháu?
- Bác “nghe nói” ở đâu ạ?
- Thì “mạng nói” mà! Từ ngày thằng cả nó mua cho cái “sờ mát phôn”, ngày nào bác chả vào mạng. Bác còn chơi cả “phây búc” đây này! Đừng có tưởng bác già mà không biết mạng mẽo gì nhé!
Khuôn mặt bác tươi tỉnh hẳn. Như để chứng minh cho khả năng “tiếp cận” và “làm chủ” công nghệ của mình, vừa nói bác vừa vuốt màn hình điện thoại cho tôi xem bài viết được chia sẻ trên facebook của bác.
- Bác ơi, đây là bài viết từ một trang blog cá nhân, không phải thông tin chính xác đâu bác ạ!
- Cháu nói thế nghĩa là sao? Bác tưởng đây là bài báo?
- Bây giờ mỗi người đều có thể là một “tổng biên tập” bác ạ. Với việc sử dụng mạng xã hội, blog cá nhân, ai cũng dễ dàng đăng những bài viết và lan truyền nó trên mạng tới mọi người với tốc độ chóng mặt. Lợi dụng điều đó, những đối tượng xấu thường xuyên viết bài xuyên tạc, đánh lừa người đọc. Bài mà bác cho cháu xem là một trong nhiều bài của các thế lực thù địch, xuyên tạc hòng phủ nhận chức năng lao động sản xuất của Quân đội đấy bác ạ.
Nghe tôi nói, bác gật gù, nhưng có vẻ chưa hiểu lắm.
Để chứng minh mỗi người đều có thể là một “tổng biên tập”, tôi trực tiếp thao tác đăng một bài viết ngắn trên blog cá nhân và chia sẻ trên facebook để bác chứng kiến.
Theo dõi quy trình tôi “sản xuất” ra một “bài báo” trên mạng, bác không khỏi ngạc nhiên.
- Thế mà bác cứ tưởng!
- Vâng, điều mà bác “cứ tưởng” ấy thực chất là lầm tưởng, cũng là điều mà nhiều người mắc bác ạ. In-tơ-nét, mạng xã hội đem đến nhiều luồng thông tin: thật có, giả có, tốt có, xấu có, tích cực có và tiêu cực cũng có. Nếu chúng ta không biết gạn lọc thì khó có thể nhận biết được thông tin chính xác, thậm chí còn bị lừa bác ạ.
- Vậy phải làm thế nào cháu?
Trước vẻ lo lắng của bác, tôi đã tận tình hướng dẫn bác cách xác định từng loại trang mạng và đặc điểm của nó để bác có thể lựa chọn, phân biệt được đâu là thông tin chính thống, đâu là những thông tin chưa được kiểm chứng, v.v.
- Cảm ơn cháu! Từ nay bác phải cảnh giác với cái anh mạng này. Sinh hoạt chi bộ kỳ tới, bác sẽ chia sẻ điều này để mọi người cùng biết.
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân