flag header

Tin tứcChống DBHB

Mậu Thân 1968 qua báo chí nước ngoài

Ngày đăng: 01-02-2018 Lượt xem: 1768

Cách đây 50 năm, vào đêm 30, rạng sáng ngày 31 tháng 01 năm 1968, lời thơ Chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vang vọng trên Đài Tiếng nói Việt Nam “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà / Nam, Bắc thi đua đánh giặc Mỹ / Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” như lời hiệu triệu, thúc giục quân và dân ta đồng loạt nổ súng trên toàn miền Nam, mở màn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vang dội Xuân Mậu Thân 1968. Cờ Đỏ xin cung cấp thêm những đánh giá, bình luận của báo chí nước ngoài về sự kiện này, 50 năm trước.

Quân giải phóng, lực lượng biệt động, đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích Tổng tấn công Sài Gòn xuân Mậu Thân 1968

Đêm 30/1/1968, trong tiếng pháo giao thừa đón năm mới Mậu Thân, tiếng súng đã nổ đồng loạt tại hơn 100 trung tâm chính trị - kinh tế của chính quyền Sài Gòn. Hầu như tất cả các trụ sở cơ quan đầu não chính trị, căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy của Mỹ đều bị tấn công bất ngờ.

Dinh Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Hải quân đã bị các đơn vị đặc công vây hãm; sân bay Tân Sơn Nhất; “Lầu năm góc ở Đông Nam Á” - Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) tại Sài Gòn bị pháo kích.

Ngày 1/2/1968, hình ảnh tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bị tấn công được đăng trên trang nhất tờ New York Times đã làm bàng hoàng cả nước Mỹ. Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chưa bao giờ người Mỹ lại được nhìn hình ảnh chiến tranh gần và nóng bỏng đến như vậy.

Ngày 27/2/1968, khi tướng Eagle G.Wheeler, Tham mưu trưởng liên quân trở về sau chuyến thị sát ở miền Nam với bản đề nghị tăng thêm 206.756 quân thì dưới con mắt nhiều người, đây là bằng chứng rõ nhất về sự phá sản của chiến lược quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Phóng viên nổi tiếng lúc bấy giờ Walter Cronkite nói với khán giả, “Chúng ta đã bị thất vọng nhiều lần bởi sự lạc quan của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ… Bởi vì lúc này hơn lúc nào hết, người ta càng thấy rõ rằng kinh nghiệm ở Việt Nam chỉ đưa đến tình trạng bế tắc”.

Bộ trưởng Quốc phòng R.Mc. Namara từ chức ngày 29/2/1968. Người thay thế Clark Clifford cũng là người đầu tiên trong nhóm cố vấn cho Johnson tin rằng cuộc chiến ở Việt Nam “như một cái thùng không đáy” và dù Mỹ có gửi bao nhiêu quân sang đó đối phương vẫn có thể đáp trả.

Ngày 26/3/1968, nhóm cố vấn cấp cao, cũng đưa ra lời cảnh báo “Mỹ không còn có thể làm được cái công việc mà Mỹ đã khởi sự ba năm trước đây” và “Mỹ buộc phải bắt đầu có biện pháp rút lui”.

 

Quân giải phóng chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch tại Quận 5.
 

Sự thay đổi quan điểm của hầu hết những người am hiểu cuộc chiến tranh sau chiến dịch Tết Mậu Thân đã làm Johnson “dao động một cách sâu sắc”.

Đây là đòn cân não cuối cùng khiến ông ta đi đến quyết định quan trọng ngày 31/3/1968. Johnson tuyên bố trên truyền hình: Chấm dứt thời kỳ Mỹ cam kết tăng cường đưa quân vào cuộc chiến trên bộ ở Việt Nam; ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra; Sẵn sàng đàm phán với Hà Nội.

Cuối cùng, Johnson tuyên bố “sẽ không ra ứng cử và không chấp nhận đề cử của đảng tôi làm ứng cử viên thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa”.

Đối nhiều người Mỹ, như vậy là “phe diều hâu đã chết”.

Đây cũng là dấu chấm hết cho chiến lược “chiến tranh cục bộ” với chiến thuật “tìm và diệt” của quân Mỹ trên chiến trường Việt Nam.

Hậu quả mà Mỹ phải đón nhận sau đòn tiến công Tết Mậu Thân là không thể đong đếm được bằng các con số, hay lập luận thắng-bại trong chiến tranh theo cách nghĩ của các chuyên gia quân sự phương Tây.

Theo Bộ trưởng Clifford, chiến dịch Mậu thân đã làm “phương hại chính quyền Johnson ở những nơi nó cần đến sự ủng hộ, nhất là Quốc hội và công chúng Mỹ”.

Kết thúc chiến dịch, người Mỹ đã bị chia rẽ và bắt đầu một cuộc chiến khác ngay trong lòng nước Mỹ - cuộc chiến phản đối chiến tranh và đòi đưa con em họ trở về.

Nhà phân tích Don Oberdorfer cho rằng, “Những người Cộng sản Việt Nam, bằng cuộc tấn công bất ngờ Tết Mậu Thân 1968, đã đạt được mục đích lớn nhất của mình - Bẻ gãy ý chí duy trì chiến tranh của giới lãnh đạo Mỹ để đẩy hoàn toàn quân Mỹ ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam”.

Giới lãnh đạo Mỹ thừa nhận rằng: Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đã đặt họ “trước một bước rẽ trên đường đi” và “các giải pháp để lựa chọn đã phơi bày trong một thực tế tàn nhẫn”.

Các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ thì nhìn thấy rằng: Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 như một tảng băng mà ở đó các hoạt động quân sự của đối phương chỉ là phần nổi. Phần chìm của tảng băng đó chính là ý chí quyết tâm chống xâm lược của nhân dân Việt Nam đã được chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.