flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Một cách yêu nước!

Ngày đăng: 21-03-2020 Lượt xem: 3185

Thông tin về số người bị nhiễm Covid-19 tăng nhanh chóng ở nước Ý xa xôi, hôm nay đã trên 41 ngàn ca bị nhiễm và số người tử vong đã vượt qua Trung Quốc, lên hàng đầu thế giới, với hơn 3.400 ca!

Giữa thời đại dịch, bức thư của “Thanh Hường, viết từ nước Ý” trên diễn đàn mạng xã hội đã nhanh chóng được chia sẻ, bởi nhiều suy nghĩ đáng trân trọng. Cô ấy là người Việt Nam.

Trong thư cô viết, có thể nhìn thấy sự tương phản đến thắt lòng giữa hình ảnh “làn sóng” người Việt Nam đang làm việc, học tập hay đã định cư ở nhiều nước trên thế giới tiếp tục hối hả, gấp rút bằng mọi cách di cư về cố quốc để tránh đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, với hình ảnh những người Việt Nam trầm tĩnh, vọng về quê hương với tình cảm nồng ấm, dù họ quyết định ở lại nơi họ đang sống và làm việc.

Chúng ta không lên án những người Việt Nam từ khắp các nước trên thế giới đang muốn trở về bên gia đình, người thân, trở về quê hương khi đại dịch đang hoành hành khắp nơi, đe dọa mạng sống con người. Bởi, không thể nói trước được, biết đâu, trong trận đại dịch này, nhiều người trong số họ có thể không may mắn, có thể mãi mãi không được về lại quê hương?! Thế nhưng, cái cách trở về ào ạt ngay trong thời điểm này lại là một quyết định đầy mạo hiểm, chưa nói tới việc tạo thêm nhiều nguy cơ, tiềm ẩn hiểm họa lây nhiễm tràn lan cho người thân, hàng xóm. Hơn như thế, trong tình cảnh hiện nay, theo dòng người đổ về, đất nước Việt Nam phải chịu thêm nhiều áp lực cả về kinh tế lẫn y tế, khó khăn chồng thêm khó khăn. Trên mạng xã hội, có khá nhiều ý kiến bày tỏ sự hoang mang, mệt mỏi, thậm chí kỳ thị làn sóng người Việt Nam đang đổ dồn về nước. Dẫu không phản đối chính sách của Chính phủ Việt Nam mở rộng vòng tay với công dân Việt Nam ở các nước trở về lúc này, nhưng khó mà cho rằng ai ai cũng vui vẻ, bình tâm trước nhiều mối nguy mà đất nước sẽ gánh chịu sắp tới.

Bức thư của Thanh Hường đưa ra những lý do rất cụ thể, xác đáng vì sao không trở về Việt Nam lúc này. Thư được viết như dòng tâm sự, mộc mạc mà nhân văn, chân tình mà sâu sắc, nhưng có thể thấy bản lĩnh của một người tự tin, sáng suốt, thấu cảm khi nhận định khách quan, chính xác về môi trường mình hiện sống, về những nguy cơ có thể diễn ra, về khả năng phòng trách dịch bệnh của mình và về cảm xúc trước hiện tượng người người chạy về Việt Nam... Có lẽ, ít nhiều bức thư đã thức tỉnh không ít người đang - bằng mọi cách, muốn trở về Việt Nam trong thời điểm này.

Một ý kiến của Thanh Hương khiến cho tôi giật mình: “... cách truyền thông của báo chí Việt Nam đang gây ra một làn sóng di cư từ Châu Âu, Mỹ và các nước trở về VN của người VN ở nước ngoài”. Thực tế đúng không?

Khi nạn dịch bùng phát ở Trung Quốc, giới truyền thông, báo chí chính thống của Việt Nam thực sự đã làm rất tốt chức năng thông tin nhanh chóng, cụ thể khi cảnh báo về bệnh dịch Covid-19, truyền dẫn những chủ trương nhân đạo của Chính phủ Việt Nam trong giáo dục y tế công đồng, triển khai các biện pháp y tế cộng đồng, từ cách tiếp đón, khử trùng, xử lý vệ sinh an toàn và chăm sóc bửa ăn cho người nghi nhiễm đến vận động người dân tham gia phòng chống dịch, tiếp tay với Nhà nước, v.v... và thái độ tiếp nhận nghiêm túc phòng chống dịch của đa số người dân đã mang lại những hiệu quả làm thế giới sửng sốt. Bởi, Việt Nam là đất nước nhỏ bé ngay sát cạnh Trung Quốc - ổ dịch; có tầng suất cao trong giao thương với Trung Quốc và các nước mắc nạn dịch cao, nhưng số ca mắc bệnh ở Việt Nam không cao đột biến; Việt Nam chưa hề có ca bệnh tử vong và xác suất khỏi bệnh cũng khả quan. Điều đó tạo niềm tin về một không gian, khu vực an toàn, chu đáo trong việc chăm sóc và đảm bảo mạng sống cho con người, nổi trội lên trong mớ thông tin hỗn loạn về số lượng người chết tăng dần theo từng giờ ở các nước trên thế giới. Nó lý giải vì sao cuối tháng 2/2020 và đầu tháng 3/2020 có  nhiều “làn sóng” người Hàn, Trung Quốc và các nước Châu Âu... ào ạt qua Việt Nam trốn dịch! Và trên mạng xã hội, rất nhiều người viết cảm nghĩ chân thành cảm ơn đất nước Việt Nam đã dang tay đón tiếp họ! Truyền thông Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ, vai trò của mình trong bối cảnh chung của toàn thế giới.

Trong suy nghĩ của tôi, hạt nhân cảm xúc của tác giả chính là nằm ở lý do thứ tư lý giải vì sao không về Việt Nam, đọc mà thấy rưng rưng “Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho quê hương tôi, 14 ngày cách ly, cơm ăn miễn phí có, người phục vụ có… tôi đã làm gì để đáng được hưởng đặc ân này! Tôi đi làm và đóng thuế cho chính phủ Ý (dù mới chỉ 2 năm nay), bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội của tôi tại Ý, mặc dù trước đó tôi đã có 8 năm làm việc đóng thuế ở VN, nhưng thời điểm này, nếu tôi trở về vẫn là thêm một phần gánh nặng cho ngân sách nhà nước”. Đó là suy nghĩ của một người có lòng tự trọng và dạt dào tình cảm với quê hương, xứ sở. Tôi cho rằng Thanh Hường là một người yêu nước, theo cách riêng của mình.

Và đây nữa, “Nước Ý đã thông qua ngân sách hơn 660 nghìn tỷ để đối phó với dịch Covid-19. Nước ta còn nghèo, đồng bằng sông Cửu Long đang hạn hán nặng, nhân dân miền Tây đứng trước nguy cơ đói và khát, chúng ta mỗi người nên bình tĩnh và suy nghĩ cho đại cuộc chung. Chính phủ và báo chí cũng nên có những đối sách hợp lý hơn cho “cuộc chiến chống Covid-19” còn kéo dài.” Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng với thông tin này, tác giả đã nhìn người mà ngẫm đến ta, xa xót trước nguy cơ nạn dịch kéo dài và hệ lụy của thiên tai sẽ khiến cho sự khốn khổ của người dân Việt Nam bị kéo dài, khó bề tránh khỏi...

Hiển nhiên cuộc chiến chống Covid-19 còn đầy gian nan, nhiều hiểm họa trước mắt, trong khi đất nước Việt Nam còn chịu tác động của thiên tai, ngân sách nhà nước đang phải gồng mình chịu đựng, nền kinh tế đất nước có nguy cơ điêu đứng vì dịch bệnh kéo dài, nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp,... Tuy nhiên, trong bối cảnh âm u đó, đã thấy, ngày càng nhiều hơn những bàn tay đưa ra, góp sức giúp Chính phủ Việt Nam, từ văn nghệ sĩ đến doanh nghiệp,... góp phần trang bị “vũ khí” cho cuộc chiến khả năng sẽ kéo dài. Và, nguồn động viên mạnh mẽ chính là đa số người dân biểu thị sự đồng lòng, bình tĩnh và tin tưởng ở năng lực lãnh đạo, những kế sách dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn và những hệ lụy phải đối mặt của nền kinh tế đất nước, sau cơn đại dịch và thiên tai qua đi...

Chúng ta - cần lắm sự đồng lòng, đoàn kết và niềm tin ở những chủ trương sáng suốt của Đảng và của Nhà nước trong lúc này. Mỗi người dân chúng ta đều có thể biểu thị lòng yêu nước theo cách riêng của mình, như tác giả Thanh Hường ở nước Ý xa xôi kia.

                                                                                   Hoàng Thi