flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Một nhà báo hết lòng với thương binh

Ngày đăng: 20-12-2017 Lượt xem: 1960

Những ngày tháng 12 chúng ta lại nghĩ về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và ghi nhớ công lao của các anh Bộ đội cụ Hồ về những mất mát, hi sinh để giành lại độc lập dân tộc. Cờ Đỏ TP.HCM xin giới thiệu một nhà báo với 25 năm gắn bó với anh em thương binh nặng tại trung tâm điều trị thương bệnh binh nặng Long Đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm nào không đến thăm anh em thấy như mình có lỗi

Từ bài viết bắt đầu bằng chuyến công tác tại Vũng Tàu, 25 năm nay nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trở thành người thân của các anh em thương binh nơi đây. Cứ mỗi dịp 27/7; 22/12; 2/9 hay lễ tết, mỗi lúc có cơ hội xuống Vũng Tàu ông đều ghé thăm anh em thương binh nơi đây.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tặng quà cho một bác thương binh nhân 70 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tặng quà cho một bác thương binh nhân 70 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể lại: năm 1993 trong một lần đi công tác tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tôi rất bất ngờ và ngạc nhiên khi biết vùng biển du lịch xinh đẹp này lại có một trung tâm điều dưỡng thương binh nặng ở Long Hải. Thế là tôi mượn xe máy phóng sang Long Hải. Ở đây, tôi đã có một ngày làm việc với ban giám đốc và chuyện trò cùng anh em thương binh. Ban giám đốc cho biết: Có nhiều ý kiến yêu cầu chuyển khu thương binh đi nơi khác, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã không đồng ý và nói “nơi nào tốt nhất hãy dành cho thương binh”.

Chia sẻ về những lần đến với anh em thương binh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hào hứng: “Tôi cũng không nhớ nổi mình đã đến với anh em thương binh ở đây bao nhiêu lần, chỉ nhớ lần đầu tiên, tôi được dự một bữa ăn mà người ta chỉ kê cái bàn tròn, không có ghế. Lát sau các thương binh mới tự lăn xe lăn đến tụ tập thế là thành bàn tiệc. Hình ảnh “bàn ăn không ghế” làm tôi nhớ mãi. Từ đó, tôi chơi thân với nhiều thương binh, hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh riêng của từng người. Lúc đó, trung tâm thương binh có 62 người, sau này có thêm 24 thương binh tâm thần nữa, nhưng mỗi năm “quân số lại giảm” do vết thương quá nặng, bệnh cũ tái phát hoặc già yếu. Sau chuyến đi đó tôi về viết phóng sự “Vết xe lăn trên cát Long Hải” đăng trên báo Lao Động.

Thật bất ngờ, sau bài viết này nhiều địa phương và đơn vị đã biết và đến thăm, tặng quà cho khu thương binh Long Đất đều đặn. Hầu hết các nhạc sĩ, ca sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng của TP.HCM như nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Trịnh Công Sơn… đều đã đến thăm và biểu diễn phục vụ anh chị em thương binh. Tôi nhớ có những lần các nghệ sĩ vừa diễn vừa khóc, nhất là khi nhìn thấy những giọt nước mắt chảy ra từ hốc mắt của các thương binh mù, hay các thương binh vỗ tay bằng cánh tay cụt đến khuỷu và gảy đàn tưởng tượng trên cây nạng gỗ. 

Tại trung tâm thương binh nặng, mọi người đều nhắc đến nhà báo Huỳnh Dũng Nhân với tất cả sự trìu mến, trân trọng. Bác sĩ Thống - Phó Giám đốc Trung tâm nói: “Nếu không có bài báo của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thì khu thương binh không có nhiều người biết tới như hôm nay. Mỗi ngày lễ tết hàng chục đoàn đến thăm khu thương binh là từ những thông tin hay những sự vận động của các cơ quan báo đài thành phố mà nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là nòng cốt”.

Những món quà của các đoàn thể không chỉ mang lại sự thay đổi về đời sống cho anh chị em thương binh mà quan trọng nhất là đã đem lại niềm tin yêu cuộc sống, sự lạc quan và những đóng góp tinh thần cho phong trào văn thể, thương binh tàn mà không phế. Từ một đơn vị có nhiều tiêu cực trước đây, nay đã trở thành một đơn bị tiên tiến, được tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua, được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến thăm động viên khen thưởng.

Các thương binh, cựu binh thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng

Nơi đây, anh em thương bệnh binh đều coi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân như người nhà, có việc gì đều chia sẻ, mời ông tham dự dù là phóng viên hay đã sang cương vị quản lý. Anh Hoàng thương binh quê Long An nhắc lại, khi đám cưới mình, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mang quà đến chúc mừng. Anh Hải thương binh quê Hà Tĩnh thì nhắc, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cùng đoàn cải lương Trần Hữu Trang đến biểu diễn cho thương binh vào 28 tết. Anh Phạm Phú Ngọc Trai (khi còn công tác tại Cty PepsiCo) thường xuyên tài trợ các chương trình thăm tặng quà nào cho thương binh mà nhà báo Huỳnh Dũng Nhân phát động. Các cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM cũng cử phóng viên tham gia cùng đoàn thăm hỏi và viết bài về những câu chuyện cảm động về khu thương binh lớn nhất phía Nam này.

Nhà báo cần thực hiện đóng góp chứ không chỉ viết bài

Một lần nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nghe thương binh tâm sự: “Chúng tôi cũng hay được đi thành phố Hồ Chí Minh nhưng toàn đi bằng xe... cứu thương. Cứ từ Long Hải đến Bệnh viện 175 rồi về. Không biết TP.HCM đổi thay thế nào, cả cái hầm Thủ Thiêm cũng không biết ra sao”. Từ những mong mỏi rất đỗi thân thương của anh em thương binh cùng với sự giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã vận động một số đơn vị tổ chức chuyến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng, khu du lịch Suối Tiên và dặn tài xế dù thế nào cũng cho đoàn xe đi qua hầm Thủ Thiêm để anh em tham quan.

Một người vợ thương binh cảm động nói: “Tôi chưa vào giờ nghĩ rằng vợ chồng tôi lại có thể cùng nhau đưa con cái đi thăm TP.HCM như thế, vì bố cháu là thương binh ngồi xe lăn, không đưa con đi chơi đâu được cả”. 10 năm trước, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã cùng Cty Du lịch Lửa Việt tổ chức đưa 30 thương binh đi thăm Dinh Độc Lập và công viên văn hóa Đầm Sen. Lần mới đây nhất anh cùng các đồng nghiệp vận động một số doanh nghiệp tặng quà và Bệnh viện Thống Nhất đến khám bệnh cho anh chị em thương binh nặng. Đại tá - Bác sĩ Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã trực tiếp khám cho các thương binh chia sẻ: "Một nhà báo nhiệt tình với thương binh như thế thật là đáng quý".

Hình ảnh các cô chú thương binh tại trung tâm

Những lần đi thăm khu thương binh của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thật sự đem lại những tình cảm niềm vui và kỷ niệm đáng nhớ đối với anh em thương binh Long Đất, không kể những lần ông rong ruổi một mình bằng Honda hay đi cùng  các đoàn  văn nghệ sĩ, báo đài, các doanh nghiệp... Gần 25 năm kể từ bài báo đầu tiên ấy, nhà báo đã đến với anh em thương binh gần trăm lần, viết cả chục bài phóng sự, tham gia các chương trình giúp đỡ thương binh bất cứ dịp lễ tết hay ngày thường. Đặc biệt ông còn là “giám khảo thường niên” cho giải báo tường mà Trung tâm tổ chức vào mỗi dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

Là giảng viên khoa báo chí, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã đưa hơn 10 lớp sinh viên báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) về đây thực tập viết bài, quay phim. Ông chia sẻ: “Việc đưa các em sinh viên báo chí về đây không chỉ để các em rèn luyện nghiệp vụ mà còn học tập truyền thống cách mạng, hiểu được tâm hồn và lòng dũng cảm yêu nước của Bộ đội cụ Hồ. Qua đó các em sẽ cống hiến sức trẻ và lan tỏa được tình yêu quê hương, đất nước”.

Nhiều đồng nghiệp khi cùng với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về thăm thương binh nhận định: “Hiếm thấy nhà báo nào hết lòng với anh em thương binh ở đây như nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Anh không chỉ đến với họ bằng tâm huyết của một nhà báo, mà còn bằng tấm lòng của một người biết sẻ chia, biết biến tinh thần uống nước nhớ nguồn bằng những hành động cụ thể. Anh xứng đáng là một người con của một gia đình có 9 người từng làm báo, có ông bà nội là liệt sĩ thời thống Pháp  ở Bến Tre, và là con của một nhà báo lão thành 69 năm tuổi Đảng”. 

Đôi nét về nhà báo Huỳnh Dũng Nhân:

- Sinh năm 1955, quê Bến Tre

- Nguyên Đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa VI.

- Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam

- Nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM

- Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo

- Từng là phóng viên Báo Tuổi Trẻ, Báo Lao Động

- Giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình 2.

Hoàng Minh