flag header

Tin tứcTin tức

Nam Bộ kháng chiến, sự kế thừa truyền thống quyết tâm chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam

Ngày đăng: 21-09-2020 Lượt xem: 1827

Với dã tâm trở lại xâm lược nước ta lần nữa, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam bộ triệu tập hội nghị thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”…

Ngày 19-8-1945, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 25-8, khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra ở Sài Gòn. Từ đó cho đến cuối tháng 8-1945, về cơ bản, Cách mạng tháng Tám đã thành công ở tất cả các địa phương trong cả nước. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng thời điểm, tại Sài Gòn, đã diễn ra một cuộc biểu tình quy mô lớn để chào mừng sự kiện thành lập nước và để chứng minh Nam bộ là một phần của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc biểu tình này, có một số phe nhóm trưng ra các khẩu hiệu gây chia rẽ chính trị. Khi đoàn biểu tình đến trước cửa nhà thờ Đức Bà thì có tiếng súng nổ từ phía Câu lạc bộ Pháp (nay ở vị trí Diamond Plaza) làm nhiều người thương vong. Các cuộc điều tra sau đó cho thấy, thủ phạm vụ nổ súng là các phần tử người Pháp quá khích và không loại trừ có sự tham gia hoặc tiếp tay của các thế lực khác không phải Việt Minh để tạo ra một cái cớ chính trị. Bởi ngày 7-9-1945, tờ Đấu tranh, cơ quan ngôn luận của nhóm trốt-kít đăng bài chỉ trích Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ không có những biện pháp bảo đảm an toàn cho cuộc biểu tình. Sau đó, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu ra thông cáo tố cáo những kẻ khiêu khích đã phá hoại trật tự và gây đổ máu vào ngày 2-9. Thông cáo kêu gọi người dân vì lợi ích quốc gia hãy tin cậy Ủy ban Hành chính lâm thời, đừng để bọn phản bội lôi kéo làm mất đoàn kết dân tộc.

Liền sau đó, bọn trốt-kít và một số giáo phái công khai thách thức Ủy ban Hành chính lâm thời, đồng thời tổ chức biểu tình yêu cầu cấp vũ khí cho dân chúng và kêu gọi mọi người chống lại quân đội Anh. Yêu cầu này về hình thức có vẻ như khẳng định quyền độc lập và tự chủ của Nam bộ nhưng trên thực tế lại gây ra những hệ lụy phức tạp, bởi quân Anh trên danh nghĩa là lực lượng Đồng minh vào Đông Dương giải giáp quân Nhật, trong lúc Chính phủ lâm thời về mặt công khai đang tranh thủ sự ủng hộ của Đồng minh, đồng thời mong muốn Đồng minh công nhận chính phủ mới. Không chỉ vậy, hoạt động của bọn trốt- kít và một số giáo phái đã ít nhiều gây chia rẽ trong nhân dân và chính hàng ngũ lực lượng cách mạng.

Đến ngày 16-9-1945, cuộc đàm phán Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam kỳ (thuộc chính phủ De Gaulle) Jean Cédile và người đứng đầu Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ Phạm Văn Bạch không đạt kết quả cụ thể. Ngày 17-9, Ủy ban tổ chức một cuộc tổng bãi công vào để phản đối âm mưu của Pháp - Anh nhằm lật đổ Chính phủ Việt Nam. Bởi ngay sau khi đến Sài Gòn (ngày 12-9-1945), tướng Douglas Gracey, chỉ huy quân đội Anh, đã ra lệnh cho quân đội Nhật tước vũ khí của người Việt Nam, trục xuất Ủy ban Hành chính lâm thời ra khỏi Dinh Toàn quyền. Tiếp đó, Gracey cho thả hàng ngàn lính Pháp (bị Nhật bắt giam từ ngày đảo chính 9-3-1945) và trang bị vũ khí cho bọn này, cấm người Việt Nam mang khí giới, đòi giải tán lực lượng vũ trang cách mạng, thực hiện thiết quân luật, ra lệnh giới nghiêm ban đêm, đóng cửa tất cả báo chí tiếng Việt…

Sáng 19-9, Cédile tổ chức họp báo và tuyên bố Việt Minh không đại diện cho nguyện vọng của nhân dân Đông Dương và không đủ khả năng duy trì trật tự công cộng. Ngày 21-9, Gracey ra bản Thông cáo số 1 tuyên bố sẽ duy trì pháp luật và trật tự ở Đông Dương phía Nam vĩ tuyến 16, khiến tình hình trật tự ở Nam bộ trở nên tồi tệ. Ngày 22-9, Cédile cho lính Pháp thay thế người Nhật chiếm giữ các đồn cảnh sát ở Sài Gòn, Kho bạc, Sở Mật thám, Bưu điện. Rạng sáng 23-9, quân Pháp tấn công Tòa Thị chính Sài Gòn, nơi làm việc của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ. Bằng hành động này, Pháp đã rắp tâm chiếm lại Sài Gòn và Nam bộ.

Ngay sáng 23-9, chính quyền Nam bộ đã họp tại nhà số 629 phố Cây Mai, Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5). Tham dự có các nhân vật quan trọng của cách mạng Nam bộ như Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng... và đại diện Tổng bộ Việt Minh là Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh. Hội nghị nhất trí điện ra Chính phủ Trung ương xin phép được kháng chiến, đồng thời thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch và Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn – Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Tư làm Chủ tịch.

Đến chiều, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ra tuyên cáo: "Sáng hôm 23-9, quân Pháp công nhiên chiếm trụ sở Ủy ban Hành chính Nam bộ và Quốc gia Tự vệ cuộc. Chúng đã gây đổ máu ở đường phố Sài Gòn... Không lẽ chịu nhục hoài; vì danh dự của dân tộc, chúng ta coi trọng quyền lợi của quốc gia, nên chúng tôi phải đánh điện ra Trung ương xin phép cho kháng chiến...". Ngày 24-9, Chính phủ ra huấn lệnh gửi quân dân Nam bộ, đồng nghĩa với việc ủng hộ hoàn toàn chủ trương kháng chiến của Xứ ủy Nam bộ. Ngày 26-9, qua Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư biểu dương "lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ". Người khẳng định: "Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà". Cùng ngày, Chính phủ ra lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân "Hãy ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam bộ". Trong khi đó, hoạt động chống Pháp đã nổ từ sáng sớm 23-9 từ mọi mặt trận, bằng mọi vũ khí, với mọi lực lượng và mọi hình thức.

Thi hành lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, chợ búa không họp, cửa tiệm không mở, công nhân các nhà máy đồng loạt nghỉ việc. Các đường phố chính đều ngổn ngang bàn ghế, tủ giường, cây xanh, trụ đèn bị hạ... để cản bước tiến của quân địch. Nhà máy đèn bị phá, khiến ban đêm thành phố chìm trong bóng tối. Trước tình cảnh đó, Hãng thông tấn Anh Reuters ngày 30-9 đã mô tả: "Sau 7 ngày tình thế càng nghiêm trọng hơn. Chúng tôi ở Sài Gòn lâm vào cảnh rất nguy ngập về lương thực, vì trên bộ, quân và dân Việt Nam phong tỏa. Các kho gạo của quân đội Nhật trước đây đều bị người Việt Nam đốt phá hết nơi này đến nơi khác... Càng ngày càng khó kiếm thức ăn và nước uống"…

Nam bộ kháng chiến làm chúng ta nhớ lại những hoàn cảnh đất nước phải đứng trước chọn lựa: đánh hay hòa. Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng Việt Nam đã nhiều phải chọn “đánh” vì không còn con đường nào khác. Thời Hùng Vương, khi đánh giặc Ân (tức nhà Thương), vua Hùng đã truyền hịch đi khắp nơi và lời nói đầu tiên của cậu bé làng Gióng 3 tuổi chính là tiếng gọi nhân dân đồng lòng đánh giặc. Tiếng nói đó mang tính biểu tượng sâu sắc: khi có họa xâm lăng, toàn thể nhân dân, già cũng như trẻ, trai cũng như gái, đều nhất tề đứng lên đánh trả. Đến năm 40, vì sự hà khắc của Tô Định và bè lũ quan cai trị nhà Đông Hán, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và được hưởng ứng của nhân dân 65 thành trong cả nước. Hay đến nhà Trần, căm thù quân Nguyên Mông, quân sĩ đã tự xăm hai chữ “Sát Thát” trên cánh tay để tỏ lòng quyết hy sinh vì nước. Năm 1284, trước âm mưu của cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Nguyên, diễn ra một sự kiện độc đáo là hội nghị Diên Hồng do Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông triệu tập, để rồi tiếng hô “Đánh” vang vọng đến ngàn đời sau. Đến nhà Nguyễn, trong khi nhân dân ta khắp nơi kiên trì đứng lên chống Pháp xâm lược thì trong hàng ngũ vua tôi, có một số kẻ chủ hòa, nên không phát huy được hoàn toàn sức mạnh của dân tộc trong cuộc chiến chống kẻ thù mạnh hơn gấp bội, dẫn đến sự mất nước kéo dài gần một thế kỷ… Và trước đế quốc Mỹ hung bạo, với những khẩu hiệu nức lòng quân dân như “Nắm lấy thắt lưng địch mà đánh”, “Còn cái lai quần cũng đánh”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”…, nhân dân ta đã đánh bại đội quân mạnh nhất thế giới…

Cuối tháng 12-1945, khi trả lời phóng viên các báo hàng ngày và hàng tuần của Việt Nam về vấn đề đoàn kết, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một quan điểm: “Muốn đi tới dân chủ nhiều khi phải làm trái lại. Thí dụ muốn đi tới hòa bình có khi phải chiến tranh”. Như vậy, đối với dân tộc Việt Nam, chiến tranh không phải là mục đích mà là phương tiện để đạt được hòa bình, độc lập, tự do. Điều đó đã được chứng minh trong chiều dài hàng ngàn năm lịch sử và chắc chắn cũng sẽ thể hiện như thế trong suốt tiến trình tồn tại của dân tộc này, đất nước này!

Trúc Giang