flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Nên kỷ niệm ngày chiến thắng chiến tranh biên giới phía Bắc vào lúc nào?

Ngày đăng: 20-02-2019 Lượt xem: 4875

Năm 2019, nước ta kỷ niệm 40 năm chiến thắng cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (1979-2019), một cuộc chiến tuy ngắn ngủi nhưng được đánh giá là khốc liệt và để lại nhiều hậu quả nặng nề. Có một vấn đề hiện có những ý kiến khác nhau, đó là nên chọn kỷ niệm vào thời điểm nào trong cuộc chiến chỉ hơn 1 tháng này?

Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang

Có thể tóm lược từ các tài liệu chính thức của Việt Nam đã ghi nhận về cuộc chiến này như sau: 5 giờ sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực, 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15km, vào Cao Bằng 40 – 50km…  Bấy giờ, tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam ở biên giới có khoảng 50.000 quân, gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân tự vệ. Dù bước vào cuộc chiến không cân sức, quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tiến công của quân Trung Quốc.

Ở Lạng Sơn, sau 10 ngày chiến đấu, Trung Quốc tung thêm quân vào thị xã Lạng Sơn, dùng chiến thuật biển người nhằm xâm chiếm mục tiêu quan trọng. Lực lượng vũ trang địa phương đã đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc. Các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng. Quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm tại Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh… Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam từ mặt trận Campuchia trở về bảo vệ biên giới diễn ra bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không.

Ngày 5/3/1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào Điều 53 của Hiến pháp năm 1959, ra Quyết định Tổng động viên. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã công bố Lệnh Tổng động viên nhằm huy động nhân tài vật lực cần thiết đảm bảo cho cuộc kháng chiến thắng lợi. Cũng trong ngày 5/3/1979, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 83-CP về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân để bảo vệ Tổ quốc.

Lệnh tổng động viên được ban bố sáng 5/3, thì chiều cùng ngày phía Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học". Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố cho Trung Quốc rút quân. Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội…

Trận chiến kéo dài 30 ngày đã hủy diệt 4/6 thị xã dọc biên giới Việt Nam, hàng chục ngàn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. 400.000 gia súc bị giết, hoa màu bị tàn phá, một nửa trong số 3,5 triệu dân 6 tỉnh biên giới mất nhà cửa, tài sản.

Quân và dân ta đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, dân Việt Nam bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.Giới phân tích nhận định, thay vì dạy cho Việt Nam một bài học, Trung Quốc đã nhận lấy bài học quân sự đắt giá…

Nhân chứng lịch sử và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn trò chuyện bên Tượng đài kỷ niệm Pò Hèn

Tóm tắt cuộc chiến tranh này sẽ thấy có 3 mốc thời gian quan trọng. Đó là các mốc: ngày 17/2/1979, 5/3/1979 và 18/3/1979. Việc thực hiện kỷ niệm nên lấy mốc nào là hợp lý?

Điểm lại việc tổ chức kỷ niệm các cuộc chiến của nhân dân ta chống chiến tranh xâm lược thường lấy mốc một thắng lợi có tính quyết định cuối cùng hoặc ngày mở màn cho việc bảo vệ đất nước bằng một hoạt động chính thức, cụ thể, hoặc kết hợp cả hai mốc đó. Chẳng hạn, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì đó là ngày 30/4/1975, dù rằng vào ngày này, quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, nhưng chính quyền do Mỹ dựng và quân đội do Mỹ tổ chức, xây dựng thì vẫn còn đó và chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh là đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ (cuộc xâm lược đó được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó có việc thông qua chính quyền tay sai).

Một hoạt động kỷ niệm ít phổ biến hơn đó là ngày toàn quốc chống Mỹ (19/3/1950), ngày mà nhân dân ta tổ chức đấu tranh chính trị chống 2 tàu chiến của Mỹ cập cảng Sài Gòn để giúp đỡ thực dân Pháp, là ngày đánh dấu sự can thiệp chính thức của Mỹ ở Việt Nam bằng cả chính trị lẫn quân sự. Giả sử ngày đó, chúng ta không có hoạt động chống Mỹ nào cụ thể, chính thức thì chắc chắn sau này chúng ta cũng sẽ không tổ chức kỷ niệm. Do đó, chúng ta không kỷ niệm ngày lập nên chính quyền tay sai, cũng không kỷ niệm ngày Mỹ chính thức đưa quân vào xâm lược nước ta…

Hay trong chiến tranh chống Pháp xâm lược, chúng ta hiện không tổ chức kỷ niệm ngày Pháp tấn công Sơn Trà hay Sài Gòn, mà tổ chức kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945), bởi ngày đó Xứ ủy Nam bộ và Ủy ban Hành chính Nam bộ đã lãnh đạo nhân dân ta đồng loạt đứng lên chống lại thực dân Pháp núp bóng quân Đồng minh trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Hay chúng ta cũng kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), bởi ngày này Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc đứng lên chống Pháp, sau khi đã rất nhiều lần nhân nhượng với thực dân Pháp nhằm cứu vãn nền hòa bình ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Đặc biệt, chúng ta thường xuyên kỷ niệm ngày chiến thắng trận Điện Biên Phủ (7/5/1954), ngày quân dân ta đã đánh bại tập đoàn cứ điểm quân sự lớn nhất của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, tạo điều kiện cho quân dân cả nước đánh bại các lực lượng quân sự Pháp ở các địa phương khác, tạo điều kiện cho quá trình đàm phán Hiệp định Geneva có lợi cho Việt Nam.

Dĩ nhiên, không phải các thắng lợi hay các hoạt động kháng chiến do Đảng lãnh đạo mới được kỷ niệm. Hàng năm chúng ta đều tổ chức kỷ niệm chiến thắng Đống Đa (mùng 5 Tết) với nhiều hoạt động đặc sắc, ở nhiều nơi, nhất là ở Hà Nội, nơi diễn ra trận thắng này, và ở Bình Định, quê hương của vua Quang Trung, người chỉ huy trận thắng lịch sử này, góp phần đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược. Hay một số địa phương cũng tổ chức kỷ niệm chiến thắng Chi Lăng (lần thứ 2, ngày 10/10/1427), chiến thắng có ý nghĩa quyết định trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Hiện nay, nhiều địa phương cũng tổ chức kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất (năm 938) và lần thứ hai (năm 1288), những chiến thắng có ý nghĩa bẻ gãy cuộc xâm lược của quân Nam Hán và quân Nguyên Mông…

Trên thế giới, nhiều nước cũng tổ chức kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít (9/5/1945), ngày mà cờ Liên Xô cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin.

Trở lại với chiến thắng cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, có lẽ không nên tổ chức kỷ niệm ngày 17/2, bởi đây là ngày quân Trung Quốc bắt đầu xâm lược, quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đã anh dũng chống trả nhưng trong tình thế cấp bách đã không có một hoạt động chính thức và cụ thể ở cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia (tương tự như phát lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Chúng ta có thể tổ chức kỷ niệm vào ngày 18/3/1979 bởi đây là ngày quân đội Trung Quốc (cơ bản) rút khỏi nước ta, sau khi tiến hành rút quân từ ngày 5/3/1979.

Dù phía Trung Quốc nói rằng họ rút quân vì đã “hoàn thành được mục tiêu” nhưng rõ ràng đây là một thất bại nặng nề của họ, đồng nghĩa với một thắng lợi vẻ vang của quân dân ta. Chính vì vậy, Báo Nhân dân số ra ngày 20/3/1979 đã nêu bật ngay trên trang nhất: “Thêm một chiến công hiển hách ghi vào lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta: Thắng lợi rất oanh liệt và toàn diện; đánh bại 600 nghìn quân Trung Quốc xâm lược”. Số báo này còn đăng Thông cáo của Bộ Quốc phòng, có đoạn nêu: “Đây là một thắng lợi rất oanh liệt của quân và dân ta, thắng lợi toàn diện cả về quân sự và chính trị có ý nghĩa rất quan trọng, làm nức lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước, làm cho anh em bè bạn trên thế giới rất vui mừng…”.

Như vậy, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới phía Bắc nên bắt đầu từ ngày 17/2 với các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân của cuộc chiến tranh này, sau đó là việc thăm viếng các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã tham gia cuộc chiến, các hoạt động viếng nghĩa trang, các cuộc mít tinh, các hội thảo, tọa đàm, các họp mặt… và cao điểm là vào ngày 18/3. Trong quá trình tổ chức, cần quan tâm đến những yếu tố tế nhị về mặt ngoại giao, nhưng cũng cần thể hiện rõ khát vọng hòa bình của dân tộc, sự chiến đấu anh dũng của quân và dân tộc ta, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta đối với cuộc chiến chống xâm lược này. Đó là một cách giáo dục truyền thống có ý nghĩa và thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

Ngũ Yên