flag header

Tin tứcTin tức

Ngăn chặn các âm mưu xuyên tạc, chống phá cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp 2021-2026

Ngày đăng: 20-03-2021 Lượt xem: 1624

Càng gần đến ngày 23/5/2021- Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 thì càng xuất hiện nhiều ý kiến, nội dung chống phá sự kiện trọng đại này. Một trong những nội dung mà các thế lực thù địch, những người mượn danh dân chủ tung tin để xuyên tạc sự thật và kích động các tầng lớp nhân dân chính là chiêu trò tự ứng cử đại biểu Quốc hội.

  1. Công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng lộ trình

Thực tế, để chuẩn bị cho sự kiện chính trị trọng đại này, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện được tiến hành chu đáo, đúng lộ trình từ Trung ương đến địa phương; trong đó, phải kể đến các văn bản liên quan đến công tác bầu cử. Cụ thể, ngoài Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, thì rất nhiều văn bản đã được ban hành như: Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Chỉ thị 45); Kế hoạch số 4711/KH-BTTTT về công tác thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026;  Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 về Quy định chi tiết, hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung; Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 về Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người đươc giới thiệu ứng cử đại biếu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG về việc hướng dẫn mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...

Tiếp đó, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp và các địa phương cũng đồng thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức triển khai công tác bầu cử theo đúng yêu cầu quy định và tiến độ đã đề ra.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Bầu cử thành phố đã ban hành thông báo số 15-TB/UBBC ngày 19/02/2021 về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa X. Ban Tuyên giáo Thành ủy ban hành Hướng dẫn số 09-HD/BTGTU ngày 23/02/2021 nhằm tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố khóa X và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 ...

Từ nội dung các văn bản nêu trên, có thể thấy, tính dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật của cuộc Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với các mốc thời gian được ấn định cụ thể, công khai, minh bạch.

2. Mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội

Tại Việt Nam, mỗi kỳ bầu cử Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đều được thực hiện theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; trong đó, quy định tất cả mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, để đảm bảo chặt chẽ, khách quan, dân chủ thì quy trình tự ứng cử đại biểu Quốc hội được thực hiện theo các quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị 45.

Theo đó, những người không công tác trong bộ máy Nhà nước, có nguyện vọng tự ứng cử thì thực hiện căn cứ theo các quy định hướng dẫn về bầu cử. Cụ thể, các đại biểu tự ứng cử gửi đơn xin ứng cử và hồ sơ đến Ủy ban bầu cử cấp tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên, để trên cơ sở đó, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, thành phố chuyển hồ sơ ứng cử của người tự ứng cử tại địa phương đến Hội đồng bầu cử quốc gia và chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, thành phố để đưa vào danh sách hiệp thương.

Còn đối với những người có nguyện vọng tự ứng cử mà đang là cán bộ, công nhân, viên chức công tác trong bộ máy Nhà nước thì theo quy định phải được cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận đồng ý cho cá nhân đó tự ứng cử thì cá nhân mới tiếp tục nộp hồ sơ.

Vậy mà, trong khi cả hệ thống chính trị đang nỗ lực chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, an toàn, tiết kiệm để đảm bảo cuộc bầu cử được tổ chức thắng lợi, bình đẳng, đúng pháp luật thì vẫn không thiếu những người lại cố tình xuyên tạc về tính dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Những người này, trong đó có cả những trí thức đã "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" không chỉ chống phá cuộc bầu cử này khi bình luận sai về nội dung Chỉ thị 45 từ tháng 11/2020 mà gần đây còn đăng bài viết trên mạng xã hội.

Tác giả những bài viết này không chỉ xuyên tạc vấn đề dân chủ và tính minh bạch trong bầu cử ở Việt Nam mà còn gây tâm lý hoang mang, chia rẽ lòng dân khi viết "Để cử tri chọn lựa được những đại biểu có trí tuệ thì phải thay đổi những quy định khắt khe về đề cử, ứng cử, lập danh sách ứng viên, bãi bỏ việc hiệp thương, xóa bỏ quan điểm “Đảng cử dân bầu”; nhất là, “không phải chỉ là việc mở rộng cửa cho người tự ứng cử mà phải là tạo ra sự tự do và dễ dàng cho họ, phải để họ lập chương trình tranh cử và vận động bầu cử. Có như thế thì cử tri mới dễ phát hiện ra những ứng viên kém năng lực để loại bỏ"...

Thực tế, nếu chỉ cần đọc các văn bản đã dẫn ở trên thì ai cũng nhận thấy tác giả của những bài viết hoặc không đọc, hoặc cố tình lợi dụng Chỉ thị 45 và các văn bản liên quan đến bầu cử nhằm hoạt động chống phá cuộc bầu cử này, dù đã từng rêu rao rằng mình đã công bố “Chương trình ứng cử đại biểu quốc hội”.

Thực tế, từ kỳ bầu cử Quốc hội khóa I (6/1/1946) cho đến kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV (23/5/2021) này, nếu đã từng nghiên cứu về lịch sử Việt Nam hiện đại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì ai cũng hiểu rằng dân chủ đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện ở Việt Nam; trong đó, không thể không nói đến dân chủ trong các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Nói ngắn gọn thế để những người cố tình xuyên tạc sự thật về vai trò lãnh đạo của Đảng trong bầu cử đại biểu Quốc hội rằng, nếu tâm huyết với sự phát triển phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân (như các người tự nhận, tự kêu) thì hãy yêu nước đúng cách, đúng pháp luật. Hệ thống truyền thông nhà nước đăng tải/phát liên tục về những văn bản pháp luật liên quan đến công tác bầu cử; thông tin về số lượng các đại biểu ở Trung ương, các địa phương, bộ, ngành; điều kiện và thủ tục của những người tự ứng cử; quá trình hiệp thương… Vậy mà các người lại xuyên tạc sự thật, khi rêu rao rằng bầu cử ở Việt Nam “không dân chủ”, “không minh bạch”, nhiều nội dung “phản dân chủ” và đầy “tiêu cực”...

Chưa biết các người đã làm được gì cho đất nước, mà chỉ biết rằng: Nếu không thực hiện dân chủ, bình đẳng trong bầu cử, thì liệu những người như các ông - liên tục đăng tải các bài viết chống Đảng, Nhà nước và chế độ có cơ hội để tự ứng cử hay không? Nếu không tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; trong đó có Hiến pháp 2013 và các văn bản liên quan đến công tác bầu cử đã dẫn ở trên, liệu một người cứ rả rả chống phá chế độ có được tự ứng cử đại biểu Quốc hội hay không?...

Hơn nữa, phải nói với các người rằng, trong khi xuyên tạc bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xuyên tạc về tính dân chủ, bình đẳng và đúng pháp luật của công tác bầu cử ở Việt Nam thì việc các ông, người thì công bố “Chương trình ứng cử đại biểu quốc hội” như  Nguyễn Đình Cống ngày 9/3/2021 hay  Lê Dũng Vova, Lê Trọng Hùng tự ứng cử…đã đủ cho thấy bản chất tốt đẹp, tiến bộ và dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam rồi đó. Là các người đang tự vả vào mặt mình!

Qua 14 kỳ bầu cử Quốc hội và kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV sắp đến, có thể thấy, Việt Nam không chỉ kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà còn luôn thực hiện dân chủ, phát huy bản chất tốt đẹp, tiến bộ của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa trong các cuộc bầu cử, để mỗi kỳ bầu của Quốc hội đều là một ngày hội của toàn dân; để mỗi người dân/mỗi công dân Việt Nam/mỗi công dân Việt Nam đều được tự mình bỏ lá phiếu cử tri/tự do lựa chọn những người đủ tài đức (tín nhiệm) thay mặt mình vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Vì thế, Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân Việt Nam, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất không cần những người như các ông nhân danh sự tâm huyết và trí tuệ của mình để rao giảng về dân chủ, về vai trò của Quốc hội và cũng không cần những lời tuyên bố kiểu mị dân.

Trước bản chất phản động của những người hoặc tẩy chay bầu cử hoặc diễn trò tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân không chỉ cần nhận diện đúng mà còn phải nâng cao cảnh giác; đồng thời, làm tròn nhiệm vụ cử tri của mình để góp sức vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026./.

Mai Luân