flag header

Tin tứcTin tức

Ngành tuyên giáo cần làm gì để nâng cao tính thuyết phục, hiệu quả?

Ngày đăng: 31-10-2018 Lượt xem: 1414

Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, trong thời gian tới ngành Tuyên giáo, không ngừng đổi mới, bám sát thực tiễn của đất nước, nâng cao chất lượng công tác trên các lĩnh vực để tăng cường tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng.

Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Ban Tuyên giáo Trung ương nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày Truyền thống của ngành Tuyên giáo (1-8-1930 – 1-8-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhấn mạnh bốn nội dung mà Ban Tuyên giáo Trung ương cần tập trung trong nửa nhiệm kỳ còn lại thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng như sau: “Một là, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng; Hai là, công tác thông tin, tuyên truyền phải tập trung xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân; Ba là, đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh tư tưởng, phản bác các luận điệu thù địch, sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng; Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên cường, trí tuệ, tâm huyết với công việc, có dũng khí đấu tranh, có trình độ chuyên môn và phải có phương thức hoạt động khoa học, phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan khác”(1).

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng.Đó là sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở.

Đất nước ta đang trong bối cảnh vừa có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, mau lẹ, khó lường; sau cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế diễn ra phức tạp từ 10 năm trước (2008 - 2009), kinh tế thế giới tuy đã phục hồi nhanh hơn, nhưng cuộc chiến tranh thương mại giữa một số nước lại trở nên căng thẳng; chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ thương mại chi phối mạnh mẽ vào lĩnh vực xuất-nhập khẩu hàng hóa khiến cho sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt; tình hình tranh chấp lãnh thổ, xung đột cục bộ, chủ quyền biển, đảo trên một số khu vực, vùng biển diễn ra gay gắt...

Ở trong nước, bên cạnh những thành tựu trên các lĩnh vực, tình hình kinh tế phát triển còn chưa vững chắc; bốn nguy cơ mà Đại hội Đảng nêu ra từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó là những vấn đề bức xúc liên quan đến an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm vàan ninh mạng; phân hóa xã hội ngày càng tăng; đạo đức xã hội có nhiều mặt xuống cấp đáng lo ngại; biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp; một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các thế lực thù địch tăng cường ráo riết tấn công trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, sử dụng nhiều thủ đoạn, tinh vi thông qua mạng xã hội, internet…

Trước bối cảnh trên, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo phải không ngừng đổi mới, bám sát thực tiễn của đất nước, nâng cao chất lượng công tác trên các lĩnh vực để tăng cường tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, trong đó tập trung vào một số vấn đề cơ bản như sau:

Thứ nhất, toàn ngành tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng nội dung, phương thức công tác tuyên giáo trong tình hình mới; khắc phục cách làm áp đặt, tuyên truyền một chiều; lấy cơ sở lý luận và thực tiễn để tăng tính thuyết phục của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác nghiên cứu dư luận xã hội.Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin đối ngoại.Dành sự quan tâm về công tác tư tưởng nhiều hơn đối với thế hệ trẻ, trí thức, văn nghệ sỹ, công nhân, nông dân. Bảo đảm tính thống nhất trong chỉ đạo theo kế hoạch chung của toàn ngành; phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo của tuyên giáo các cấp, các lĩnh vực, các địa phương.

Tăng tính chiến đấu, chủ động, hiệu quả trong cuộc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, như đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Đấu tranh phải có sức thuyết phục. Đây là việc vô cùng khó nhưng phải làm. Kết hợp giữa xây và chống, chống và xây”(2).

Muốn thực hiện được những nhiệm vụ trên, phải tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ Tuyên giáo các cấp đáp ứng trước yêu cầu mới.

Thứ hai, công tác tuyên giáo tích cực tham gia vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng đã xác định đây là giặc “nội xâm”. Có thể nói chưa bao giờ cuộc đấutranh trên lĩnh vực này lại được Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã và đang tiến hành quyết liệt và bước đầu đạt được những kết quả khả quan như thời gian qua. Đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ, cuộc đấu tranh này là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” và “bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật”. Hơn bao giờ hết, công tác tuyên giáo phải tiếp tục góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh hết sức khó khăn này. Thực tế cho thấy, các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng để nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả vào cuộc đấu tranh đầy cam go này, góp phần xây dựng cơ chế phòng ngừa; trừng trị, răn đe; bảo đảm để thực hiện phương châm: Không thể, không dám, không cần tham nhũng đối với cán bộ, công chức ở các cấp.

Thứ ba, tích cực tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Hiện nay, khi đất nước ta đang tiến hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã xuất hiện những ý kiến lệch lạc khi cho rằng thi đua là của giai đoạn trước, còn hiện nay tiến hành kinh tế thị trường thì chỉ có sự cạnh tranh. Điều đó không đúng với bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang lãnh đạo nhân dân xây dựng.

Thực tế đã chứng minh, thông qua các phong trào thi đua, việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiến được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức phong trào thi đua.

Việc xây dựng điển hình được thực hiện từ cơ sở và đồng bộ ở cả 4 khâu: phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân rộng.

Ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ đạo và định hướng các cơ quan báo chí tăng thời lượng, tiếp tục phát huy hiệu quả và xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục giới thiệu gương “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến.

Một số chuyên mục được đánh giá tốt thời gian qua là: “Những việc làm vì dân” (Báo Nhân Dân), “Việc tử tế”(Đài Truyền hình Việt Nam), “Những bông hoa đẹp” (Đài Tiếng nói Việt Nam), “Bình dị và cao quý” (Báo Quân đội Nhân dân), “Gương sáng nói chung” (Thông tấn xã Việt Nam)…

Công tác tuyên truyền miệng, báo cáo viên cũng có vai trò hếtsức quan trọng.Hội nghị báo cáo viên toàn quốc tổ chức ở nhiều khu vực đã mời báo cáo viên báo cáo chuyên đề về thi đua yêu nước, mời các tấm gương điển hình tiên tiến báo cáo về thành tích đạt được.

Đặc biệt, với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Trung ương đã và đang tổ chức các cuộc giao lưu điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo gương Bác. Cùng với đó, hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề trên cũng đã được chú trọng đẩy mạnh. Qua đó, thu hút hàng vạn tác phẩm, ấn phẩm, công trình, hồ sơ của tác giả, nhóm tác giả, đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ gửi tham gia giải thưởng… góp phần tăng tính thuyết phục khi phản ánh việc học và làm theo gương Bác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy và chính quyền.

Thứ tư, tăng cường đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không ngừng chống phá hòng phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng thông qua các hình thức “xã hội dân sự”, “cách mạng màu”, “mùa xuân Ảrập”… ở Việt Nam.

Ban Chỉ đạo Trung ương 94 và các ban chỉ đạo 94 của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành thông tin kịp thời về những thủ đoạn, hoạt động chống phá; tham mưu đề ra nhiều giải pháp mới trong chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn công tác đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, đối tượng cơ hội chính trị. Đồng thời, quan tâm triển khai “hệ thống thư điện tử bảo mật” để kịp thời cung cấp, phản ánh thông tin hai chiều, định hướng thông tin, tổ chức hoạt động đấu tranh, phản bác.

Các tỉnh, thành phố theo hướng dẫn của Trung ương tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đảng viên trong tham gia mạng xã hội; tổ chức mở rộng lực lượng đấu tranh phản bác, viết tin, bài đấu tranh trực diện; kiên quyết, kiên trì loại bỏ những trang thông tin xấu, độc, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Thứ năm, ngành Tuyên giáo phải xung kích trong việc áp dụng những thành tựu, khắc phục những bất cập từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra mạnh mẽ, để nâng cao chất lượng công tác, góp phần vào phát triển đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sự tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, internet, mạng xã hội và xã hội thông tin, đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác tuyên giáo…”(3).

Do vậy, cùng với công tác tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, Tuyên giáo phải là một trong những ngành chủ động, mở đường, góp phần đưa một quốc gia đang phát triển năng động, tiềm lực con người vô cùng to lớn như Việt Nam có thể đón bắt cuộc cách mạng này một cách nhanh chóng. Theo đó, cần sớm hiện đại hóa hoạt động của các lĩnh vực tuyên giáo gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

TS. Bùi Thế Đức (Theo tạp chí Tuyên giáo)

------------------------------------------------------

(1) Báo Nhân Dân, ngày 2-8- 2018: Tổng Bí thư làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, tr.2.

(2) Theo Tài liệu đã dẫn trên.

(3) Trích thông báo số 72-TB/ VPTW ngày 2-8-2018 của Văn phòng Trung ương Đảng về “Ý kiến đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương”.