flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Nghệ sĩ, người "nổi tiếng" cần phải nghiêm cẩn khi làm thiện nguyện và sử dụng không gian mạng

Ngày đăng: 30-11-2021 Lượt xem: 1438

Nghệ sĩ, dù sống ở thời đại nào cũng đều mang hai trọng trách trong mình, đó chính là con người công dân và con người nghệ sĩ. Hai "con người" đó là hai mặt của một vấn đề, tuy rạch ròi nhưng lại thống nhất biện chứng. Thực tế cho thấy rằng, là công dân như hàng triệu triệu người khác, mỗi người nghệ sĩ trước hết phải thực hiện đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm công dân theo Hiến pháp và pháp luật; song đồng thời vì là người nghệ sĩ, mỗi người còn cần phải xác định được vị trí, vai trò của mình để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa yêu cầu xã hội và khát vọng chân chính của mình. Chỉ khi nào giải quyết được tốt mối quan hệ này thì người nghệ sĩ mới thực hiện đúng thiên chức của mình đối với Tổ quốc và nhân dân.

Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" đã khẳng định vai trò nhiệm vụ của văn học- nghệ thuật nói chung, sứ mệnh của người nghệ sĩ với tư cách là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa nói riêng trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người; trong đó có việc đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, nhất là chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Trong những năm qua, đội ngũ nghệ sĩ cả nước đã nhận thức sâu sắc được vai trò, giá trị của mình và nỗ lực hoạt động chuyên môn cùng các hoạt động xã hội; không chỉ thể hiện trách nhiệm của mình thông qua các tác phẩm nghệ thuật mà còn có những hành xử tốt đẹp trong cuộc sống, góp phần lan tỏa những giá trị đạo đức, luân lý, vì lợi ích chung của cộng đồng, xứng đáng với hai tiếng nghệ sĩ thật đẹp.

Thứ nhất, một trong những đóng góp đáng ghi nhận của các nghệ sĩ chính là hoạt động thiện nguyện

Cụ thể là, với khả năng và sức ảnh hưởng của mình, nhiều nghệ sĩ đã nỗ lực tham gia các hoạt động xã hội, trong đó không thể không nhắc đến một việc làm có ý nghĩa thiết thực, đó chính là từ thiện. Trong số họ, người thì thường xuyên làm từ thiện một cách âm thầm, kín đáo; người thì mỗi khi đồng bào hay một địa phương nào gặp khó khăn, hoạn nạn thì đứng lên, dùng sức ảnh hưởng của mình để kêu gọi cộng đồng cùng góp sức làm từ thiện. Thông qua việc quảng bá trên truyền thông, báo chí và mạng xã hội, việc làm của các nghệ sĩ đó đã góp phần làm cho sự chung tay, góp sức vì cộng đồng - một nét đẹp văn hóa trong lối sống của người Việt Nam trải dài suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc được tiếp tục phát triển.

Thực tế là, thông qua các hoạt động thiện nguyện, lịch sử dân tộc từng khắc ghi tinh thần đùm bọc, sẻ chia, cùng giúp đỡ lẫn nhau đi qua khó khăn, hoạn nạn, thử thách của đồng bào và chiến sĩ cả nước đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, những năm gần đây, sự giúp đỡ về nhân lực con người; về vật chất như lương thực, thực phẩm, thuốc men, quàn áo, vật liệu xây dựng…; về tinh thần của đồng bào và chiến sĩ cả nước nói chung, của nhiều nghệ sĩ ở cả hai miền Nam, Bắc nói riêng trong các đợt bão lũ trước đó và ở miền Trung năm 2020; trong phòng và chống ngập hạn, mặn những năm 2019-2020 và nhất là trong phòng và chống đại dịch Covid-19 từ năm 2019 đến nay cho thấy ý nghĩa, giá trị không thể phủ nhận của các hoạt động thiện nguyện này.

Trong các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng từng thấy bên cạnh những nghệ sĩ không quản ngại khó khăn xung phong đến những vùng tâm dịch để tham gia nấu những bữa ăn 0 đồng, phát cơm cho đồng bào vùng dịch hay cưu mang những cụ già neo đơn, những em nhỏ cơ nhỡ khi mất đi những người thân do đại dịch… thì cũng có những nghệ sĩ không chỉ đóng góp tiền bạc, lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men, thiết bị y tế… mà còn kêu gọi mọi người cùng góp sức và tự mình đi đến những vùng mưa lũ để phát tiền, lương thực, các nhu yếu phẩm, xây dựng nhà chống lũ cho nhân dân các tỉnh miền Trung như ca sĩ Thủy Tiên…

Các nghệ sĩ miệt mài đi làm từ thiện thời gian qua (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

Những việc làm kịp thời, thiết thực của các nghệ sĩ khi tự mình bỏ một số tiền lớn; khi kêu gọi mọi người cùng đóng góp tiền bạc, hiện vật,v.v.. lên đến vài tỷ, chục tỷ, thậm chí vài trăm tỷ đồng đã góp phần giúp đỡ được rất nhiều đồng bào trong hoạn nạn. Những việc làm thiện lương đó đã làm cho hình ảnh người nghệ sĩ chân chính trở nên đẹp hơn, gần gũi hơn với nhân dân. Những hành động thiết thực đó không chỉ tác động đến tình cảm, suy nghĩ của cộng đồng, góp phần làm cho tinh thần tương thân, tương ái "bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" của người Việt thu hút đông đảo mọi người tham gia, ủng hộ mà còn xoa dịu phần nào những mất mát, đau thương cho những người không gặp may mắn trong hoạn nạn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động từ thiện của một số nghệ sĩ xuất hiện một số vấn đề liên quan đến sự thiếu chuyên nghiệp và tính minh bạch của thu chi. Câu chuyện yêu cầu sao kê, làm minh bạch số tiền mọi người đóng góp vào quỹ từ thiện của một số nghệ sĩ như Hoài Linh, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên… và trước đó là Phan Anh đã trở lên "rộn ràng" trong cộng đồng nói chung, cộng đồng mạng nói riêng. Xuất phát từ suy nghĩ rằng, một số nghệ sĩ đã lợi dụng uy tín của mình kêu gọi từ thiện, nhưng công khai chưa đầy đủ số tiền đã nhận; chưa giải ngân số tiền từ thiện minh bạch vì khi thì kê khai không theo đúng mục đích ban đầu, khi thì chưa chính xác... cộng đồng đã yêu cầu các nghệ sĩ đó phải sao kê đúng theo quy định của pháp luật để đảm bảo sự tường minh của số tiền quyên góp, chi tiêu và sự trong sạch của bản thân.

Câu chuyện này sẽ hạ hồi phân giải vì thực tế là các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Kết quả công bố của các cơ quan chức năng sẽ là câu trả lời chính xác và công minh nhất. Song, rõ ràng là, vì việc làm thiện nguyện còn thiếu chuyên nghiệp, cho nên vấn đề sao kê và việc chờ kết quả điều tra của các cơ quan chức năng đã làm cho cuộc sống của nhiều nghệ sĩ bị xáo trộn, mệt mỏi… Hy vọng rằng, yêu cầu đòi sao kê của cộng đồng không làm cho những nghệ sĩ khởi tâm từ thiện chân chính, không tham lam những gì không phải của mình sẽ tiếp tục những việc làm đẹp, những hành động có ý nghĩa với cộng đồng theo phương châm chuyên nghiệp hơn và minh bạch, chi tiết hơn trong từng hoạt động. Dù kết quả thế nào, thì đây cũng là bài học kinh nghiệm với những người, những tổ chức làm từ thiện nói chung, những nghệ sĩ làm từ thiện nói riêng để trong tương lai, mỗi người có thể phòng và tránh được những thắc mắc, hoài nghi cũng như những căng thẳng tâm lý; tránh để sự việc bị đẩy đến các cơ quan chức năng…

Thực tế là, không ai phủ nhận giá trị việc làm từ thiện của các nghệ sĩ, song ở Việt Nam thì chắc chắn rằng không phải chỉ có các nghệ sĩ mới làm từ thiện. Việc làm từ thiện nói riêng, các hoạt động xã hội mang tính thiện nguyện của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Nhà nước, của các tầng lớp nhân dân trên cả nước; của những người lính "bộ đội Cụ Hồ" và những người chiến sĩ công an nhân dân, bộ đội biên phòng… đối với đồng bào ta ở những vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, ngập mặn, bị đại dịch Covid-19 tàn phá… là minh chứng sinh động nhất cho thấy nét đẹp của văn hóa Việt Nam, giá trị và những phẩm chất của con người Việt Nam luôn hiển hiện trong cuộc sống. Đó chính là, khi đồng bào một địa phương hay một vùng gặp hoạn nạn thì cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và mọi người dân cùng vào cuộc để chung sức, đồng lòng chia sẻ, đùm bọc. Vì thế, không bao giờ có chuyện "nếu không có nghệ sĩ làm từ thiện thì sẽ chẳng có ai khác làm từ thiện". Đó chỉ là phát ngôn phiến diện, thiển cận của những suy nghĩ méo mó, đầy ảo tưởng!

Thứ hai, khi sử dụng mạng xã hội, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, người "nổi tiếng" phải xứng đáng với công chúng

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học- công nghệ, của internet, mạng xã hội đã không chỉ mang đến cho con người nhiều tiện ích mà còn gây ra những hệ lụy khó lường khi người sử dụng tung lên không gian mạng vô vàn những vấn đề liên quan đến con người và một tổ chức nào đó; xấu có, tốt có, thậm chí bôi đen, vu khống cho một ai đó cũng có… gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của cộng đồng. Lợi dụng mạng xã hội, một số nghệ sĩ có, người "nổi tiếng" đã tổ chức các livestream để tấn công, thậm chí chửi mắng, công khai chuyện riêng tư của một cá nhân nào đó… Người bị tấn công thường là người đang sở hữu nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội hoặc đang gắn liền với một sự kiện, một trend nào đó. Gần đây, công chúng/độc giả thấy không gian mạng bị "giông bão" bởi các bài viết trên facebook cá nhân của Duy Mạnh, Trác Thuý Miêu, Đức Hải… và các livestream của Trang Trần, Nguyễn Phương Hằng…

Bà Phương Hằng trở thành nhân vật "nổi tiếng" trên mạng xã hội vì các thông tin

đưa ra trong các buổi livestream thu hút rất nhiều người theo dõi. (Nguồn: Báo Giao thông)

Dùng mạng xã hội là quyền của mỗi người, nhưng không thể để không gian mạng bị ô nhiễm bởi người sử dụng thiếu văn hóa, nhất là trong khi họ lại là nghệ sĩ, người "nổi tiếng" được đông đảo công chúng quan tâm, theo dõi. Thực tế, việc sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép; đưa lên sóng các video có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức khi livestream cũng là một vấn nạn hiện nay, bởi nó không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội và đời sống tinh thần của con người trong cộng đồng.

Sự thật là văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, người "nổi tiếng"- những người của công chúng với các phát ngôn, các ngôn ngữ đầy tính "hàng chợ”, dung tục được sử dụng trong các livestream không đơn giản chỉ là chuyện tật xấu, sự cố vạ miệng, thiếu ý thức trách nhiệm cá nhân mà còn là sự cố tình gây sốc, tạo scandal, chạy theo hư danh ảo, thích tô vẽ, đánh bóng bản thân của họ, nhằm gây chia rẽ, tạo xung đột trên mạng xã hội. Với các nghệ sĩ này, công chúng đã nhìn họ bằng con mắt khác. Khi các livestream của Khá bảnh, Dương Minh Tuyền lắng xuống thì mấy tháng gần đây, các livestream có nội dung nhằm vào đời tư, nhân thân các văn nghệ sĩ, người nổi tiếng của bà Nguyễn Phương Hằng đã trở thành hot trends. Đặc biệt, livestream đợt cuối tháng 5/2021 của bà Hằng đã thu hút hơn nửa triệu người xem; cùng lúc lập kỷ lục lượt người xem livestream trên mạng xã hội, đã cho thấy mức độ lan truyền, ảnh hưởng của livestream trong đời sống xã hội.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên những vấn đề liên quan đến công tác từ thiện, nói xấu hay công kích một ai đó của các nghệ sĩ, người "nổi tiếng" xuất hiện trên cộng đồng mạng, song khác với mọi lần, lần này các livestream của bà Hằng "hót hòn họt", bởi vì nó không chỉ bàn về 1 vấn đề, mà là liên quan đến khá nhiều lĩnh vực nhạy cảm trong đời sống xã hội. Cụ thể, đó là các livestream tố giác ông Võ Hoàng Yên, thầy thuốc Đông y vì chiếm đoạt tiền từ thiện, khám chữa bệnh phản khoa học; tố bà Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây) vì việc làm hàng giả và những khuất tất liên quan tới các hoạt động của nhà chùa; "đấu khẩu chính trị với ông Trương Quốc Huy, một người bất đồng với chính quyền cộng sản Việt Nam tại Mỹ"; cáo buộc các nghệ sĩ Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thuỷ Tiên, Trấn Thành thiếu minh bạch liên quan tiền từ thiện…

Trước những việc đã nêu ra, trước những lập luận và một số tài liệu mà bà Hằng cho rằng đó là căn cứ để tố cáo tiêu cực, nhưng chưa hề được kiểm chứng/hoặc chưa phải là kết luận của các cơ quan có thẩm quyền; trước những lời lẽ nặng nề, xúc phạm người khác mà cứ coi mình như là "thế thiên hành đạo", gây phản cảm, bàn tán nhiều chiều trên mạng xã hội, thì việc làm của bà Hằng cũng phải chờ kết luận điều tra của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bà Hằng cũng đã từng bị Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 7,5 triệu đồng do thông tin sai sự thật việc tỉnh Bình Thuận bao che cho ông Võ Hoàng Yên ngày 6/4/2021…

Thực tế là, văn hóa ứng xử, trong đó có việc sử dụng ngôn từ và thực hiện các nội dung liên quan đến nhiều vấn đề của đời sống xã hội, liên quan đến nhiều con người từ các livestream của bà Hằng và một số nghệ sĩ khác thời gian qua đã cho thấy sự lạm dụng mạng xã hội, quyền được sử dụng mạng xã hội có rất nhiều điều cần phải bàn. Trong đó, người sử dụng mạng xã hội nói chung, nghệ sĩ và người "nổi tiếng" nói riêng cần phải nhận thức rõ Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 quy định rõ những hành vi liên quan đến văn hóa ứng xử bị cấm như xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; đăng tải thông tin phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng… để tôn trọng, có trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng.

 Từ việc livestream/thông qua các livestream, có thể thấy, bên cạnh những thông tin tích cực việc truyền tải cảm hứng, giúp cho cộng đồng gần gũi nhau hơn, thì tác động tiêu cực từ việc không có thái độ tôn trọng người khác khi chia sẻ thông tin; nhận xét, bình luận vội vàng, hùa theo số đông không khách quan và tế nhị, thậm chí nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác là không nhỏ. Nó cho thấy, sự lệch chuẩn từ trong nhận thức và hành động của mỗi người tuy khác nhau, song dường như bản thân những người sử dụng mạng xã hội này đã quên mất các giá trị chung nhất của chân- thiện- mỹ; các chuẩn mực xã hội về văn hóa, về lối sống lành mạnh và cách hành xử văn minh trong cuộc sống nói chung, trên không gian mạng nói riêng, gây ảnh hưởng không tốt đối với cộng đồng

 Vì thế, hy vọng rằng, sắp tới khi Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng của Bộ Thông tin và truyền thông được thông qua, ban hành thì những hạt sạn to có, nhỏ có từ các livestream nói riêng và văn hóa ứng xử trên không gian mạng nói chung sẽ được hạn chế, khắc phục. Đặc biệt, với vị trí và vai trò của mình trong xã hội, với truyền thống văn hóa của dân tộc; trong đó có trọng đạo đức và lễ nghĩa (mà trước hết tôn trọng khán giả cũng chính là tôn trọng chính mình), các nghệ sĩ và người "nổi tiếng" sẽ nghiêm cẩn hơn khi sử dụng mạng xã hội; đồng thời, tôn trọng danh dự, uy tín của bản thân mình và có trách nhiệm với cộng đồng khi quyết định sử dụng mạng xã hội nói chung, tổ chức các livestream nói riêng./.

Mai Luân