flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Nguyễn Thái Bình – người liệt sĩ trí thức bất khuất

Ngày đăng: 27-07-2020 Lượt xem: 2992

Nguyễn Thái Bình sinh ngày 14-1-1948 tại xã Trường Bình, nay thuộc thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An. Anh là con trai lớn (nhưng là con thứ ba) trong một gia đình nghèo, với 9 chị em. Học xong tiểu học ở Cần Giuộc, anh theo gia đình lên sống tại vùng Khánh Hội (quận 4 ngày nay) và vào học trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong). Anh luôn là một học sinh giỏi, chăm chỉ và hiền lành. Năm 1966, anh tốt nghiệp tú tài và thi đỗ vào trường Cao đẳng Nông lâm súc. Năm 1968, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)(1) cấp cho anh học bổng “lãnh đạo” (leadership) và anh được sang Mỹ du học. Người Mỹ muốn đào tạo anh trở thành một người sau này trở về phục vụ cho họ trong chế độ Sài Gòn, đồng thời qua việc cấp học bổng cho một học sinh nghèo như Nguyễn Thái Bình (chứ không phải con em của các vị lãnh đạo chóp bu của chế độ) là một biểu hiện cụ thể để tuyên truyền cho cái gọi là “phát triển thế giới” của người Mỹ.

Ngay khi đến Mỹ, Nguyễn Thái Bình đã bắt đầu bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam, về hoàn cảnh của đồng bào trong nước. Trong một số báo của tờ Niềm tin (do Hội Sinh viên Việt Nam tại Fresno phát hành) năm 1968, anh viết: “Phải bình tâm mà công nhận là đa số thanh niên đã bị cuốn hút vào cơn lốc chiến tranh, dễ dàng chấp nhận đứng vào trận tuyến bên này hay bên kia mà giết nhau…”. Sau một năm học ở trường Cao đẳng Fresno, Nguyễn Thái Bình thi đỗ vào Viện Đại học Washington, chuyên ngành kỹ nghệ thực phẩm và ngư nghiệp. Anh là sinh viên Việt Nam duy nhất học tại đây và tiếp tục học rất giỏi. Hè năm 1969, anh là một trong số ít sinh viên xuất sắc của trường Fresno được chọn đi tham quan hầu hết các tiểu bang của Mỹ. Nhờ chuyến đi này, anh đã hiểu thêm về mặt trái của cái cường quốc luôn tự cho mình là “thành trì tự do” của thế giới.

Năm 1970, được 2 tháng nghỉ hè, anh về nước và đi thăm nhiều nơi trong nước, từ Phú Quốc cho đến cố đô Huế. Anh chú tâm quan sát và tìm hiểu điều gì đang xảy ra ở đất nước mình, cũng như những gì người Mỹ đã gây ra cho dân tộc mình. Trở lại Mỹ, anh tích cực liên hệ với các tổ chức chống chiến tranh; anh tham gia và tổ chức các cuộc biểu tình, diễn thuyết, hội thảo… chống chiến tranh Việt Nam, ở Viện Đại học Washington và nhiều nơi khác. Anh cũng tham gia viết nhiều bài đăng trên các báo, tập san của các tổ chức chống chiến tranh ở Mỹ và các hội Việt kiều yêu nước ở Pháp, Canada.

Ngày 10-2-1972, Nguyễn Thái Bình cùng 9 sinh viên Việt Nam khác chiếm Văn phòng Tòa Lãnh sự của chính quyền Sài Gòn tại Quảng trường Liên Hiệp quốc ở thành phố New York, phát đi những bản tuyên bố lên án đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Bản tuyên bố nêu lên 3 nội dung chính: Trả tự do cho tất cả tù chính trị; Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức tổng thống ngay lập tức; xây dựng chính phủ liên hiệp tiến tới bầu cử tự do.

Cảnh sát Mỹ tới can thiệp và dùng vũ lực bắt giam Nguyễn Thái Bình cùng các bạn nhưng do không đủ cơ sở pháp lý và nhất là do tác động của dư luận tiến bộ Mỹ, chúng phải tha bổng tất cả những sinh viên này.

Tháng 5-1972, Nguyễn Thái Bình được công nhận tốt nghiệp hạng danh dự ở Viện Đại học Washington. Trong buổi trao học vị lần thứ 97 của trường này, khi lên bục phát biểu cảm tưởng, anh đã lên án cuộc chiến tranh và những chính sách xâm lược, nô dịch của đế quốc Mỹ. Thấy không thể mua chuộc, lay chuyển tinh thần của người sinh viên này, ngày 1-6-1972, USAID tuyên bố cắt toàn bộ hộc bổng du học của Nguyễn Thái Bình và kiến nghị nhà cầm quyền trục xuất anh về nước.

Ngày 1-7-1972, Nguyễn Thái Bình gửi bức thư ngỏ đến nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới dưới cái tên Việt Thái Bình (hàm ý: Người Việt yêu chuộng hòa bình). Bức thư có đoạn: “… Trong suốt mấy chục năm qua, đế quốc Mỹ đã lạm dụng lá cờ tự do, bình đẳng và bác ái, đã xâm phạm Tổ quốc chúng tôi, đàn áp đồng bào chúng tôi. Đế quốc Mỹ đã hành động trái với những lý tưởng nhân đạo và công lý. Với chính sách của Mỹ là giết sạch, đốt sạch, các viên tư lệnh Mỹ đã dùng những vũ khí giết người nhiều nhất để chống lại dân thường Việt Nam, kể cả những vũ khí đã bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm như máy bay ném bom B52, bom napalm, bom phốtpho và pháo bầy; quân Mỹ cũng đã dùng hơi độc hóa học để làm chết ngạt những người nấp dưới hầm sâu…”. Anh cũng nêu rõ mục đích của mình trong chuyến về nước: “Tôi trở về nước để tham gia hàng ngũ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu cứu nước, để tham gia cuộc kháng chiến chống bọn xâm lược Mỹ, để khẳng định tính chất chính nghĩa của sự nghiệp của chúng tôi, để hiến thân cho các chiến sĩ tự do của Việt Nam, cùng sống chết với họ, để cùng tăng cường thêm lòng tin vào sự tất thắng của nhân dân nước tôi…”. Cuối cùng anh kêu gọi: “Hỡi nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới! Các bạn hãy cất cao tiếng nói của các bạn lên, và tăng cường hành động để chặn bàn tay bọn đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược của chúng ở Việt Nam! Các bạn hãy đòi chính phủ Mỹ phải tôn trọng những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam!...”.

Anh cũng gửi thư ngỏ đến Tổng thống Nixon, thư có đoạn: “Thưa ông tổng thống, với tư cách là người lãnh đạo nước Mỹ, hẳn ông phải hiểu rõ hơn ai hết quy mô to lớn của những tội ác chiến tranh chống lại nhân loại, những tội ác chống lại hòa bình mà chính phủ Mỹ đã phạm phải ở Việt Nam cũng như ở Lào và Campuchia”. Trong bức thư này và nhiều lần khác, Nguyễn Thái Bình đã nhắc lại câu nói nổi tiếng trong Tuyên ngôn Độc lập Mỹ năm 1776: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Chúa cho họ những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được hưởng hạnh phúc và tự do”. Đó chính là thái độ lấy “gậy ông đập lưng ông” sắc sảo của Nguyễn Thái Bình trong việc tố cáo những tội ác của Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam.

Trong cái ngày quan trọng này, anh đã lên đường về nước, với ý thức bước vào cuộc chiến cuối cùng. Trên chuyến bay từ Honolulu (Hawaii) về Sài Gòn, anh đã bị tình báo Mỹ theo dõi theo từ đảo Guam (hòn đảo trên Thái Bình Dương thuộc Mỹ). Khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, lấy cớ Nguyễn Thái Bình là “tên không tặc” định cướp máy bay, tên phi công chính Gene Vaughn đã đè chặt anh xuống sàn máy bay để tên tình báo William Henry Mills bắn vào anh bốn phát đạn. Sau đó, trong cơn say máu, Vaughn đã điên cuồng ném xác Nguyễn Thái Bình xuống đường băng. Vở kịch dàn dựng vụng về về vụ án “tên không tặc” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn không che giấu được sự thật về vụ ám sát mà chính chúng là thủ phạm. Lập tức một làn sóng phản đối và lên án hành động trả thù hèn hạ của những người khoác trên mình chiếc áo tự do dân chủ.

***

Trong 6 năm sống trên đất Mỹ, Nguyễn Thái Bình đã không ngừng đấu tranh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Dù bị theo dõi, đàn áp, khủng bố nhưng anh không hề run sợ và vẫn kiên gan với con đường mình đã chọn. Bởi vì, anh có một niềm tin sắt đá rằng con đường mà nhân dân và bản thân anh đã chọn là chính nghĩa, nhất định sẽ đạt kết quả thắng lợi sau cùng. Trong anh, niềm lạc quan là bất diệt. Trong bài Mộng?... (ngày 12-3-1970), anh viết:

Nhưng bây giờ, hôm nay…!

Giấc mơ bình thường giản dị

Mộng ước con nào đã hình thành

Nhưng

Cách ngăn nào mãi còn cản được

những bước chân thề quyết không ngừng!

Rồi sẽ đến ngày mai rồi sẽ đến…

Cái ngày mai ấy của anh rồi cũng đã đến, đó là ngày 30-4-1975, khi quân cách mạng tiến vào Sài Gòn và lật đổ chế độ thân Mỹ. Tiếc là cái ngày đó Nguyễn Thái Bình không còn nữa. Nhưng tên tuổi của anh đã trở thành bất tử trong những người dân yêu chuộng hòa bình không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Đó là một biểu tượng về tinh thần “uy vũ không khuất phục, khó khăn không sờn lòng” mà Nguyễn Thái Bình chính là một đại diện điển hình cho lớp lớp thanh niên Việt Nam, không chỉ trong cuộc chiến tranh giữ nước.

Hiện nay, tại nhiều nơi ở Việt Nam có nhiều con đường và nhiều trường học mang tên Nguyễn Thái Bình. Ngoài ra, từ năm học 1990 – 1991, Báo Thanh niên (thuộc Hội LH Thanh niên Việt Nam) cũng có một học bổng có uy tín mang tên anh, hàng năm vẫn giúp đỡ hàng ngàn thanh thiếu niên hiếu học.

Đã gần 50 năm ngày Nguyễn Thái Bình hi sinh, tinh thần bất khuất của anh vẫn còn in đậm trong nhiều người dân cả nước. Tấm gương của anh có sức lay động và thúc giục hàng triệu người Việt bao thế hệ siêng năng, chăm chỉ trong lao động, trong học tập mà kiên cường, anh dũng trong đấu tranh vì hòa bình, vì công lý.

TRÚC GIANG

 

Tài liệu tham khảo:

- Tự điển Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Trung Hoa chủ biên, NXB Trẻ, năm 2001;

- Sưu tập về Nguyễn Thái Bình, Huỳnh Ngọc Trảng và Cao Tự Thanh, Sở VH-TT Long An phát hành năm 1984;

- Ngày này năm xưa, NXB Lao động, 1998;

- Nguyễn Thái Bình của Đinh Kỳ Thanh, NXB Kim Đồng, năm 1984;

 

(1) United States Agency for International Development.