flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh (Bài 1)

Ngày đăng: 07-05-2020 Lượt xem: 2580

Từ một nhà yêu nước, Hồ Chí Minh trở thành một người cộng sản quốc tế chân chính, trong sáng và thủy chung. Trong hành trình hoạt động cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, Hồ Chí Minh đã làm giàu trí tuệ của mình khi cởi mở tiếp thu, tiếp biến kho tàng tri thức của nhân loại. Trên cơ sở trân trọng các nền văn hóa, Người đã học hỏi từ các nhà văn hóa lớn để trở thành một vĩ nhân. Sự gặp gỡ trong nhận xét của một nhà báo, nhà thơ cộng sản Nga năm 1923: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tư­ơng lai” và đánh giá của tổ chức UNESCO năm 1990: Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất đã vinh danh tên tuổi một ng­ười con đất Việt.

Người “tiếp biến và vượt gộp” tinh hoa văn hóa nhân loại

Từng có gần 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh không chỉ đư­ợc kế thừa những tinh hoa của một nền văn hiến Việt Nam truyền thống mà còn có điều kiện được tiếp xúc với nhiều nền văn hoá lớn trên thế giới. Từ thuở còn niên thiếu, Người đã đ­ược làm quen với văn hoá Trung Hoa vĩ đại thông qua cốt cách, phẩm giá của những nhà nho xứ Nghệ, đặc biệt là ng­ười cha thân yêu, để trau dồi tri thức và bản lĩnh của mình. Đạo Lão, đạo Khổng với những yếu tố tích cực trong đó đã được Người tiếp thu, làm giàu cho văn hoá của chính mình và vận dụng một cách sáng tạo trong thực tiễn. Hiếu học, hăng say tìm hiểu những cái mới, khi có điều kiện, Người đã không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu những tư­ tư­ởng mới của thời đại qua những cuốn sách Tân th­ư để nhận thức đư­ợc chân trời mới lạ.

 Yêu nước, thương dân, khát khao Tổ quốc được độc lập, tự do, đồng bào được hạnh phúc, Hồ Chí Minh đã sớm không dừng lại ở việc học hỏi trong sách vở, mà quyết định sang phư­ơng Tây, tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những mỹ từ "Tự do, bình đẳng, bác ái" của Cách mạng Pháp; đồng thời muốn “xem nư­ớc Pháp và các n­ước khác, để rồi trở về cứu giúp đồng bào”. Từ nhận thức sâu sắc rằng, ngôn ngữ là chìa khoá để có thể tiếp cận với văn minh, trong hành trình bôn ba ở nước ngoài, lao động kiếm sống, học hỏi, trải nghiệm và tìm thấy con đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã không ngừng học ngoại ngữ.

Khi sống và hoạt động ở nư­ớc Pháp - trung tâm văn hoá lớn của châu Âu, Người đã học và sử dụng tiếng Pháp rất thành thạo. Với một khoảng thời gian không dài (1917-1923), học tiếng Pháp, viết báo, viết sách, phát biểu trên các diễn đàn quốc tế…; đặc biệt là sống trong môi tr­ường văn hoá Pháp, Hồ Chí Minh đã có điều kiện để thấu hiểu sâu sắc thực chất của “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Tuy nhiên, dòng chảy t­ư tư­ởng dân chủ, tinh hoa của nền triết học ánh sáng với những tên tuổi như:­ Vonte, Rútxô, Môngtétxkiơ…đã được Người chắt chiu, bổ sung, tiếp sức, làm giàu hơn cho trí tuệ văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt, vốn cởi mở để tiếp biến của Người.

Năm 1923, Nguyễn (Hồ Chí Minh), ng­ười Việt Nam yêu nước đến sống và làm việc tại nư­ớc Nga Xôviết. Hồ Chí Minh đã học tiếng Nga, thâm nhập, nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hoá Nga, nền văn hoá đã sinh ra V.I. Lênin vĩ đại. Tâm hồn Nga, đức tính giản dị, sự coi khinh xa hoa, không ham quyền lực của V.I. Lênin đã hấp dẫn không chỉ các quốc gia trong Liên bang Xôviết mà còn hấp dẫn các dân tộc châu Á đang bị mất quyền độc lập, tự do. Thực tế đang diễn ra trên đất n­ước Nga, những di huấn và trư­ớc tác của V.I. Lênin để lại đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho Hồ Chí Minh, giúp Ng­ười vượt qua nhiều cam go, thử thách với những thăng trầm của cuộc đời ngư­ời chiến sĩ cách mạng để thực hiện hoài bão của mình. Sau này, Hồ Chí Minh đã hơn một lần nói rằng, học thuộc chủ nghĩa Mác - Lênin thôi thì chư­a đủ, còn phải sống với nhau có tình, có nghĩa, phải có tình thư­ơng yêu đồng chí lẫn nhau thì mới hiểu đ­ược chủ nghĩa Mác - Lênin.

Là một ng­ười cùng lúc đư­ợc tiếp thu nhiều nền văn hoá lớn, song Hồ Chí Minh không thực hiện nguyên tắc loại trừ mà Ngư­ời “nắm chắc bản lĩnh, cởi mở tiếp thu” để thực hiện nguyên tắc “vư­ợt gộp”. Nhà văn Phan Ngọc đã dùng chữ vượt gộp để nói về tầm trí tuệ văn hoá của Hồ Chí Minh, bởi chỉ có chữ đó mới luận giải sâu sắc đ­ược những điều Hồ Chí Minh từng nói: “Học thuyết Khổng Tử có ­ưu điểm của nó là sự tu d­ưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ­ưu điểm của nó là phư­ơng pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ­ưu điểm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện n­ước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mư­u cầu hạnh phúc cho loài ngư­ời, mư­u phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mĩ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”.

 Hồ Chí Minh với tấm lòng rộng mở, đầy nhân hoà và khoan dung đã chắt lọc, đã tìm thấy điểm gặp gỡ và giao thoa giữa hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây, giữa các tôn giáo, các học thuyết chính trị, các vị lãnh tụ, các chính khách lớn để vượt trước thời đại, để tìm ra một phong cách ứng xử rất Hồ Chí Minh, rất Việt Nam mang dáng dấp của nền văn hoá tương lai - Văn hoá hoà bình. Đó là người cộng sản thủy chung, trong sáng, “một người Á Đông gia nhập hàng ngũ của Mác, có thể trở thành người cộng sản ngay trên đất nước mình, không hề lay chuyển, nhưng cộng sản theo cách của mình, bởi vì Người tìm được cách diễn tả và làm sinh động học thuyết đó bằng những dạng truyền thống tương tự”.

Hồ Chí Minh không chỉ tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, thực hiện khát vọng: độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho đồng bào mà còn gắn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. Khởi xướng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa khác, Hồ Chí Minh không chỉ gắn bó sâu sắc với dân tộc mình, Người còn dành nhiều tình cảm cho các dân tộc trên thế giới. Không chỉ đấu tranh và lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam để thực hiện khát vọng “đổi người nô lệ thành người tự do”, Hồ Chí Minh còn mong muốn và đấu tranh để mọi người dân dù là ai, thuộc màu da nào, quốc tịch nào, cũng đều được hưởng những quyền làm người cao cả nhất, đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc!

Quên mình cho hết thảy, sự nghiệp cách mạng mà Người phấn đấu, ngọn cờ độc lập, tự do mà Người giương cao là một sự nghiệp chính trị phi thường; đồng thời, cũng là một sự nghiệp văn hóa cao cả. Dù "đã ở rất xa chúng ta", song sự nỗ lực và cống hiến của Người cho độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình, đầy nhân văn vẫn sâu đậm trong trái tim, khối óc mỗi người, vì vậy, “Hồ Chí Minh không còn với chúng ta theo nghĩa vật chất. Nhưng Người rất gắn bó với chúng ta về mặt đạo lý, tinh thần”.

Nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa kiệt xuất

 Vượt tầm thời đại, tư tưởng của Người về văn hóa, sự nghiệp văn hóa Người để lại (với tư cách nhà thơ, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại…) là hiện thân tinh thần, tài năng và tâm hồn nghệ thuật của nhân dân Việt Nam, hiện thân của tinh thần yêu tự do tha thiết. Tư tưởng và sự nghiệp ấy, không chỉ làm khởi sắc và tăng cường truyền thống văn hoá Việt Nam, gắn nó với các nền văn hoá khác trên thế giới, mà còn phản ánh một sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn minh nhân loại, một niềm tin chung thuỷ đối với bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc và quốc gia, kể cả dân tộc mình và các dân tộc khác trên thế giới.

 Hồ Chí Minh - nhà văn hóa biết và sử dụng thành thạo nhiều ngôn ngữ của các quốc gia, viết sách, làm báo bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, từng làm nhiều thơ bằng chữ Hán, viết kịch và rất nhiều những bức thư cho bạn bè, đồng bào, đồng chí, v.v.. Đọc những tác phẩm thơ Hồ Chí Minh, cả những bài thơ tuyên truyền cho nhiệm vụ cách mạng và những bài thơ “hàn lâm”, trong đó có tác phẩm Nhật ký trong tù22 bài thơ Mừng xuân mới (1942-1969); đọc hơn 1500 bài báo Hồ Chí Minh viết và ký với hơn 170 bút danh, tên gọi khác nhau, đăng trên các báo, các tạp chí ở nhiều quốc gia (trong những năm từ 1919 đến 1969); nghiên cứu vai trò, nhiệm vụ những tờ báo cách mạng mà Người sáng lập, viết bài cho nó như Người cùng khổ, Thanh niên, Việt Nam độc lập, cùng những bài phê bình, những tác phẩm kịch, truyện ký, v.v.. của Người, mỗi người đều nhận thấy trong đó khát vọng về tự do, công lý, hòa bình; về mối quan hệ nhân văn giữa người và người, giữa con người với thiên nhiên, môi trường, giữa các dân tộc với nhau. Dù được sáng tác vào những thời điểm rất khác nhau và dù thế giới có đổi thay, thời gian có biến đổi, song vẫn có một số điều quan trọng trong các trước tác của Hồ Chí Minh không hề thay đổi - “Đó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho những lý tưởng đó”.

Văn hóa Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước và tinh thần quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, đúng như Người từng nói: Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam “từ dân tộc đến với nhân loại”. Trân trọng mọi giá trị văn hóa mà nhân loại đã sáng tạo ra, chắt lọc trong đó những giọt tinh túy để phục vụ sự nghiệp nhân văn cao cả là “giải phóng con người”, trong khi chống chủ nghĩa thực dân, chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh vẫn rất yêu mến nền văn hóa Pháp, nền triết học ánh sáng thế kỷ XIX, trích dẫn Tuyên ngôn về dân quyền và nhân quyền của cách mạng Pháp 1791; trong khi chống chủ nghĩa đế quốc, chống đế quốc Mỹ, Người vẫn trân trọng cách mạng Mỹ, vẫn trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776; thậm chí từng bị giam cầm khổ ải ở Trung Quốc, ở Hồng Kông, Hồ Chí Minh đã không chỉ chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Trung Hoa mà còn làm thơ nhiều thơ chữ Hán, trong đó co tác phẩm Nhật ký trong tù nổi tiếng

  Những tác phẩm, những nét đặc sắc, những tư tưởng và hoạt động văn hóa của Hồ Chí Minh hiển hiện sự quên mình cho hết thảy, tính vững chắc của mục đích, tính kiên định trong bảo vệ mục tiêu, sự trung thành đối với nhân dân, tinh thần bất khuất của lòng dũng cảm, tinh thần ham hiểu biết, sự thông thái và trên hết là chủ nghĩa nhân bản của Người đã làm cho “thế giới tri thức của thế kỷ XX được phong phú hơn bởi Bác Hồ là một phần của thế giới ấy”.

(Còn tiếp)

TS. Văn Thị Thanh Mai