flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Nhân mùa lễ Phật Đản, nghĩ về nét tương đồng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với giáo lý đạo Phật.

Ngày đăng: 09-05-2020 Lượt xem: 1720

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, vị anh hùng giải phóng dân tộc đã để lại một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, trong đó có những hạt nhân tư tưởng của Phật giáo vào hoàn cảnh Việt Nam. Nghiên cứu tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Người: “Đã gạn lọc, kế thừa, cách mạng hóa những hạt nhân hợp lý trong triết lý đạo Phật, nhất là triết lý đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, chủ trương bình đẳng, yêu thương đồng loại, chống điều ác. Người đã nâng nó lên thành ngọn lửa hun đúc cho truyền thống yêu nước, nhân ái của dân tộc, động viên khích lệ đồng bào theo đạo Phật đồng lòng xây dựng đất nước”. Cụ thể đó là lòng yêu thương con người, quên mình vì mọi người; luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức con người; luôn gắn bó mật thiết với quần chúng và tư tưởng đại đoàn kết.

Trước hết, về lòng yêu thương con người, muốn giải phóng con người khỏi những khổ đau - đây là một quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh và thể hiện rất rõ trong toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng của Người. Ngày 5/1/1946, tại chùa Bà Đá, Người đã nói: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”. Giáo lý đạo Phật khẳng định: “Nhân thị tối thắng” - con người cao hơn tất cả; với Hồ Chí Minh: “Trong bầu trời không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ lợi ích cho nhân dân”,

“Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”; điều này giống với “Hạnh vô ngã” của đạo Phật, không nghĩ đến bản thân mình, luôn quên mình vì mọi người. Người vượt qua “tự ngã”, không chỉ là tình thương cho dân tộc mà trải rộng tình thương cho toàn nhân loại. Khi trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Người luôn nghĩ cách sao để ít đổ máu hy sinh nhất, kể cả ta và địch.

Thứ hai, đạo đức Hồ Chí  Minh về tu dưỡng, rèn luyện, Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức là gốc của người cách mạng; để làm cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu gương trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức theo các tiêu chí: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Giáo lý Phật cũng khẳng định: “Tham lam, giận dữ, si mê” (Tam độc) vốn là nguyên nhân chính gây ra đau khổ cho loài người, Đức Phật dạy người tu hành phải chống “tam độc” : người tu hành phải giác ngộ, dùng ý thức, trí tuệ của mình để diệt trừ “si mê”. Trong giáo lý Phật, chữ “chính” luôn được nhấn mạnh trong suốt quá trình tu hành của con người, đích của “chính” là nhằm hướng thiện, loại bỏ cái tà, cái ác. Người dạy: “Cán bộ Đảng, chính quyền ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân... Để thực hiện chữ “chính”, mỗi người phải bắt đầu từ tâm và phải tu dưỡng bền bỉ suốt đời. Người nói: “Muốn cải tạo thế giới và cải tạo xã hội thì trước hết con người phải cải tạo bản thân”.

Thứ ba, đạo đức Hồ Chí  Minh  luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để giải phóng dân tộc, thống nhất xây dựng đất nước phải biết phát huy sức mạnh của quần chúng, của mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân. Vua Trần Nhân Tông – người tiếp nhập, kế thừa tông phái Thiền tông hình thành nên Thiền phái Trúc Lâm, đã khẳng định: Người tu hành muốn giác ngộ phải sống gắn bó với nhân dân, với đất nước; phải tham gia vào cộng đồng, vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc; khi thanh bình thì vẫn trở về với cuộc sống tu hành thoát tục. Trong giáo lý Phật, tự giác là đức hạnh nền tảng của người tu hành; phải tự giác nghiên cứu kinh pháp để áp dụng vào đời sống, thực hành “từ bi, hỷ xả” nhằm mang lại hạnh phúc cho con người. “Nói đi đôi với làm” là một nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, và thực tế Người cũng luôn là tấm gương sống gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Thứ tư, tư tưởng Hồ Chí  Minh về đại đoàn kết. Đức Phật đã xây dựng phép “lục hòa” (sáu pháp hòa hợp): Thân hòa đồng trụ, Khẩu hòa vô tránh, Ý hòa đồng duyệt, Kiến hòa đồng giải, Giới hòa đồng tu; Lợi hòa đồng quân, cơ sở để xây dựng một tập thể gắn bó, đoàn kết nhau nhằm kiến tạo một môi trường chung, giúp nhau phát triển và giải quyết vướng mắc trên tinh thần hòa hợp, chia sẻ. Thực hiện triệt để “lục hòa” thì trong gia đình được yên vui, thịnh đạt; quốc gia được hùng cường, thịnh trị. Kế thừa phép “lục hòa”, Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của cách mạng. “Dân” là chỉ mọi người con đất Việt, đều là con Rồng cháu Tiên, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, già hay trẻ..:“Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Người khuyên: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” và khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”.

Nhận rõ những giá trị cao đẹp của Phật giáo, có sự gần gũi, gặp nhau với tư tưởng Phật giáo trên những nét lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng nhìn Phật giáo với một thái độ trân trọng, mối quan hệ gắn bó sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo trong quá trình hoạt động cách mạng của Người, cả trong nhận thức và trong hành động.

Trong dặm dài lịch sử Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn sự đoàn kết, đồng lòng nhằm tạo được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như điều mà Người hằng mong muốn. Nói về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, hoà thượng Kim Cương Tử đã khẳng định: “Hồ Chí Minh, tinh hoa dân tộc, Người là kết tinh mọi truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam, trong đó có truyền thống Phật giáo”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã lãnh đạo đất nước Việt Nam hồi sinh sau những năm dài chiến tranh đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng và đối ngoại; chủ động hội nhập và ngày càng khẳng định uy tín, vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế/.

Hồ Thị Vinh