flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Nhớ Bác Tôn - Người chiến sĩ cách mạng kiên trung, giản dị

Ngày đăng: 19-08-2018 Lượt xem: 3475

Từ thành phố Long Xuyên qua bến phà Ô Môi với khoảng 30 phút lênh đênh trên sông Hậu, chúng tôi đặt chân đến Khu lưu niệm Bác Tôn tại cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sở dĩ có tên gọi là phà Ô Môi bởi từ bến phà vào nhà Bác Tôn trồng rất nhiều cây ô môi. Và cũng để tưởng nhớ đến công lao của Bác Tôn, Ban giám đốc khu lưu niệm đã gửi ra Bảo tàng Bác Tôn tại Hải Phòng 4 cây Ô môi để trồng và chăm sóc.

Nơi lưu giữ tuổi thơ của Bác Tôn

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tới thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là sự khang trang, rộng lớn và uy nghi. Khu lưu niệm bao gồm: Nhà sàn, đền thờ và nhà trưng bày - nơi lưu giữ tương đối đầy đủ những hiện vật gắn liền với kỷ niệm và sự kiện cuộc đời Bác.

Ông Tôn Thành Thái (cháu Bác Tôn) hiện là bảo vệ tại Khu lưu niệm Bác Tôn

Ngôi nhà lưu niệm nằm giữa khu vườn gần 2000 m2, được tu sửa vài lần nhưng vẫn giữ được vẻ nguyên sơ vốn có. Tại ngôi nhà này, Bác Tôn sống cùng gia đình, đến năm 18 tuổi lên Sài Gòn học và theo cách mạng. Ông Tôn Thành Thái, gần 60 tuổi con của cụ Tôn Đức Nhung, em trai thứ tư của Bác Tôn, bảo vệ khu lưu niệm chia sẻ: “Ngày xưa gia đình tôi (gia đình Bác Tôn) khá giả bậc nhất nhì nơi đây. Nhưng chính lòng yêu nước nên Bác Tôn đã theo cách mạng từ sớm”. Theo chân cô hướng dẫn viên trẻ, chúng tôi ra thăm khu vườn nhà Bác trồng nhiều cây ăn trái. Đây cũng là nơi mà cha mẹ và em trai Bác Tôn đang yên nghỉ. Đặc biệt, khu vườn vẫn giữ lại ba bụi tre gai mà ngày xưa Bác Tôn đã cùng thân phụ vun trồng.

Rời ngôi nhà, chúng tôi vào đền thờ Bác. Ngôi đền được xây vào năm 1998 với diện tích 110 m2, đơn vị xây dựng chọn con số 110 là để kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Bác Tôn. Bức tượng thép của Bác uy nghi chính giữa ngôi đền đã thể hiện phần nào chất thép trong con người này. Họa tiết hoa văn của các bức tường đều có hình hoa sen như là đức tính giản dị trong sáng của Bác. Điểm khiến tôi chú ý nhất trong ngôi đền là bức tranh làm từ gáo dừa do công ty Dừa Việt thực hiện dựa trên phác thảo của họa sĩ Bùi Văn Minh. Bức tranh vẽ Bác với những đặc trưng của tỉnh An Giang với 4 dân tộc Kinh, Khơ Me, Chăm, Hoa thể hiện qua các đền thờ của mỗi dân tộc… Bức tranh được làm nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Tôn và đã ghi vào sách kỷ lục.

Chiếc tàu Giang Cảnh đưa Bác Tôn về thăm quê tháng 10.1975.

Tại khu trưng bày, tôi như thấy mình khám phá ra một kho báu quý giá. Đó tuy là những bút tích, những dòng cảm xúc bất chợt nhưng qua đó tôi mới thấy có biết bao nhiêu người con, nhiều vị lãnh đạo của đất nước đã nghiêng mình tưởng nhớ Bác và có những lời hứa chân thành với non sông đất nước. Nơi đây lưu giữ hiện vật quan trọng và ý nghĩa trong cuộc đời của Bác. Nào là chiếc xe đạp mà hàng ngày Bác vẫn cùng nó rong ruổi trên con đường cách mạng, thăm đồng chí, bạn bè trong thời gian Bác làm việc ở Miền Bắc. Đây là mô hình chiếc cano mà Bác đã sửa và sử dụng đưa anh em chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo (Bác xuất thân là một thợ nguội rất giỏi và khéo tay). Chiếc tàu Giang Cảnh đưa Bác về thăm quê vào tháng 10/1975. Hay chiếc máy bay YAK40 số 452 chở Bác từ Hà Nội vào Sài Gòn mừng lễ đại thắng. Chiếc máy bay này đã được tháo rời để vận chuyển đến khu lưu niệm. Hai trong ba phi công lái chuyến bay này đã lớn tuổi hiện sống tại TP.HCM. Hay chiếc cối xay tiêu mà Bác mua tặng vợ vào năm 1955 (vì Bác rất thích ăn cá kho tộ nhiều tiêu nhưng do bác gái thường giã tiêu trong chén làm văng ra ngoài). Rồi đến đôi hài Bác tự thêu để tặng người em trai Tôn Đức Nhung trong một lần về thăm quê…

Khu lưu niệm mở cửa phục vụ du khách liên tục, mọi người có thể đến thăm vào bất cứ lúc nào đều được người ở khu lưu niệm đón tiếp nồng hậu. Những lúc không đủ hướng dẫn viên thì bảo vệ đứng ra giới thiệu bởi ai trong họ cũng tự hào và vinh dự khi được sinh ra và làm việc ở đây. Ngoài việc tham quan khu lưu niệm Bác Tôn, du khách còn có thể khám phá cù lao Ông Hổ, nghe kể về huyền thoại “một ông hổ nhân từ”; được trò chuyện với người dân cù lao hiền hòa, mến khách...

45 phút Bác về thăm quê

Đến thăm khu lưu niệm trong những ngày đầu năm, không khí rộn ràng và tự hào về Bác Tôn - người con cách mạng kiên trung, giản dị. Trò chuyện với chúng tôi trong niềm tự hào, ông Tôn Thành Thái tâm sự: “Tôi sống ở đây từ khi sinh ra đến khi trao lại nhà cửa, đất đai, vườn tược cho tỉnh An Giang làm nơi lưu niệm. Có thể nói, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn gắn với sự phát triển và đổi thay của vùng đất cù lao Ông Hổ”.

Khi được hỏi về ấn tượng lúc gặp Bác Tôn, ông hào hứng: “Lúc tôi 15 tuổi, tôi nghe mọi người nói tôi có người Bác làm “to” trên trung ương chứ cũng không biết rõ là “to” như thế nào. Đến lúc Bác về thăm quê, nhìn Bác, tôi không nghĩ một người làm “to” như thế lại mặc cái áo sờn vai và quần thì mạng bao nhiêu lớp chỉ. Bác đã ngỏ ý với ba tôi (cụ Tôn Đức Nhung) cho tôi ra Bắc nhưng ba từ chối vì nhà tôi ít người. Ngày đó, biết gia đình tôi có người làm cách mạng nên chúng tôi bị theo dõi kỹ lắm. Tôi nhớ, giặc bắt mỗi gia đình phải vẽ quốc kỳ Việt Nam cộng hòa lên mái nhà, nhưng ba tôi đã không vẽ lên nhà mà vẽ trên tấm ván treo trước ngõ, thấy địch đến thì treo, khi chúng đi thì bỏ xuống. Chúng thấy thế nhưng không làm gì được”.

Chiếc xe đạp của Bác Tôn sử dụng thời gian ở miền Bắc. Bác vẫn thường dùng chiếc xe đạp này khi đi thăm các bạn bè ở Hà Nội trước kia.

Năm 1975, đất nước thống nhất Bác về thăm quê, vừa bước xuống chiếc tàu Giang Cảnh, Bác cùng đoàn cảnh vệ đi quanh nhà, Bác hỏi em trai về cây sao, bụi tre gai mà lúc trước Người trồng. Bác muốn ra thăm mộ cha mẹ nhưng do sức khỏe của Bác không cho phép nên Đoàn cận vệ không đưa Bác ra. Bác đứng nhìn về hướng ngôi mộ mà rưng rưng nước mắt.

Khu lưu niệm Bác Tôn tại cù lao Ông Hổ đa số là con cháu dòng họ Tôn. Chỉ trong khu lưu niệm đã có tới 5 bảo vệ và một hướng dẫn viên là con cháu Bác. Ông Thái kể thêm: “Lúc còn nhỏ, tôi nghe ông nội tôi kể, ông tổ dòng họ Tôn của chúng tôi bắt nguồn từ Quảng Ngãi, mưu sinh vào Long Xuyên và sinh được 7 người con, 4 người con trai và 3 người con gái và thân sinh của Bác Tôn là con trai út, thứ 7”. Ông say sưa kể lại những kỷ niệm, tình cảm về người Bác, người Chủ tịch nước giản dị của dân tộc.

Tạm biệt khu lưu niệm, tạm biệt Người con ưu tú của cách mạng, tôi bùi ngùi nhớ lại câu đối trước nhà trưng bày: “Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh sứ sở/Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Bắc Hải, Tôn Đức Thắng rạng tiếng non sông". Tấm gương hoạt động cách mạng mẫu mực và đời sống thanh cao của Bác Tôn mãi mãi là một câu chuyện đẹp nhất về người chiến sĩ cách mạng mà các thế hệ nguyện học tập suốt đời. Và tôi hi vọng mình có thể trở lại nơi đây bằng những nhịp cầu bắc qua dòng sông Hậu thân thương này.

Hoàng Minh