flag header

Tin tứcTin tức

Nhớ sinh nhật Bác, hướng đến ngày hội non sông

Ngày đăng: 20-05-2021 Lượt xem: 741

Kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố mang tên Người không quên sự kiện năm 21 tuổi, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ bến Nhà Rồng rời tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước. Cuộc hành trình 30 năm, Nguyễn Tất Thành - Văn Ba sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã vượt qua 3 đại dương, 4 châu lục, đến gần 30 quốc gia trên thế giới. Sau 30 năm bôn ba nơi xứ người, ngày 28/01/1941, Người về đến cột mốc số 108 nằm trên biên giới Việt – Trung, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thắng lợi vẻ vang của cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chứng tỏ con đường Hồ Chí Minh đã lựa chọn và dẫn dắt dân tộc là hoàn toàn đúng đắn, mở ra một trang vàng trong lịch sử dân tộc.

Hồ Chí Minh trong cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng Người vẫn giữ cốt cách giản dị, “một đời thanh bạch chẳng vàng son”. Ở tuổi 56, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới công bố rộng rãi sinh nhật của mình. Ngày 18/5/1946, Báo Cứu Quốc có đăng một bài báo đặc biệt trên trang nhất với tựa đề: “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”; đồng thời, chính thức thông báo ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngày 19/5/1890. Năm 1946 là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật Bác được tổ chức như để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn dân, toàn dân quanh vị lãnh tụ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II năm 1963 khai mạc đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác. Trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam. Bắt đầu lời phát biểu tại Kỳ họp, Bác nói: “Tôi vừa nhận được một tin tức làm tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”. Bác nói tiếp: “Miền Nam thật là xứng đáng với danh hiệu“Thành đồng Tổ quốc” và xứng đáng được tặng Huân chương cao quý nhất, vì những lẽ đó, tôi xin Quốc hội đồng ý thế này: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.[1] Bác là vị lãnh tụ vì dân vì nước, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.

Những phẩm chất cao quý của Hồ Chí Minh được các thế hệ noi theo. Ngày nay, mỗi công dân Việt Nam đều hưởng ứng phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mỗi người cố gắng theo khả năng, sức lực và công việc của mình, học hỏi không ngừng và áp dụng việc học một cách sáng tạo vào đời sống, hy vọng sẽ góp phần cần thiết cho việc đưa đất nước cất cánh, hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.

Nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh đã tham gia lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tổng vệ sinh môi trường, phát triển mảng xanh nhân dịp sinh nhật Người. Hoạt động này nhằm tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng để các cấp, các ngành và toàn thể người dân  thành phố tích cực hưởng ứng tham gia. Việc đẩy mạnh công tác trồng cây, trồng rừng, tăng độ che phủ góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiên tai, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng thành phố “xanh, thân thiện môi trường”. Tại buổi lễ trồng cây ngày 16/5/2021, 16 xã ở huyện Bình Chánh đã đăng ký mỗi xã trồng 1.000 cây xanh để hưởng ứng ngày “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

131 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2021) năm nay đúng vào dịp diễn ra sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Chỉ vài ngày nữa, ngày 23/5/2021, cả nước nô nức với ngày hội non sông, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số cử tri, số tổ bầu cử lớn nhất cả nước trong lần bầu cử này với hơn 5,4 triệu cử tri. Thành phố triển khai rất sớm và đã đi đến những bước cuối cùng trong việc hoàn thiện phần mềm hỗ trợ công tác bầu cử. Đây là nội dung quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử và là nhiệm vụ tất yếu trong quá trình xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh.

TP. Hồ Chí Minh cùng với cả nước chuẩn bị tổ chức bầu cử trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. vừa đảm bảo phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân dân; vừa đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra thành công. Hiện nay, thành phố đang trong trạng thái bình thường, có nguy cơ cao nên áp dụng hình thức 5K để phòng chống dịch. Ủy ban Bầu cử thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch trong quá trình chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử. Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tiểu ban Hậu cần của Ủy ban Bầu cử TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị phương án chi tiết về phòng, chống dịch COVID-19 ở tất cả quy trình của hoạt động bầu cử.

Tháng 5 năm nay, thành phố mang tên Bác cũng như hàng triệu trái tim người Việt và bạn bè trên khắp thế giới tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam. Và thành phố đã sẵn sàng cho ngày hội toàn dân, tổ chức thành công cuộc bầu cử như một món quà dâng tặng Người.

Ái Nhi

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11 (1963-1965), Nxb. CTQG, H., 2000, tr.61.