flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Những “chiến binh áo trắng”

Ngày đăng: 27-02-2020 Lượt xem: 2821

Y tế là một trong những ngành có chiều dài lịch sử lâu đời, nó gắn liền với nền văn hiến dân tộc và còn là yếu tố quan trọng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Có thể nói, nghề Y là một nghề vô cùng đặc biệt, bởi nó mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng cao cả, là nhân tố liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã dành cả cuộc đời mình để phấn đấu vì sự nghiệp cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, đói nghèo, bệnh tật. Chính vì lẽ đó, ngành y tế là một trong những ngành được Người quan tâm nhiều nhất. Bằng trái tim nhân hậu, khối óc thiên tài, tác phong giản dị, chân thành, Người đã lôi cuốn, thu hút được rất nhiều trí thức nghề y ở cả trong và ngoài nước tham gia kháng chiến cứu quốc, phục vụ cách mạng một cách tự nguyện, tận tâm, tận lực với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thành công của cách mạng nước nhà. Đội ngũ tri thức y bác sĩ ấy sẵn sàng lựa chọn rời bỏ cuộc sống đầy tiện nghi của đô thị, vào chiến khu tham gia kháng chiến, đối diện với bom rơi khói lửa mịt mù.

Trong những năm dài kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ khốc liệt, công tác y tế không chỉ là mặt trận đấu tranh chống lại bệnh tật, đem lại sức khỏe cho toàn dân, toàn quân mà nó còn là một mặt trận kháng chiến trường kỳ. Với phương châm: “Lấy thương binh làm mệnh lệnh, lấy giường bệnh làm chiến trường, lấy kết quả làm chiến công”, những chiến sĩ áo trắng quả cảm luôn có mặt kịp thời tại các trận đánh để chăm sóc, cứu chữa thương bệnh binh và cũng tại nơi chiến trường khốc liệt ấy, không ít những ý tá, bác sĩ đã anh dũng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ khi tuổi đời chỉ vừa mới đôi mươi.

Không chỉ làm nhiệm vụ ở chiến trường, đội ngũ cán bộ y tế còn hoàn thành xuất sắc việc xây dựng và bảo vệ các cơ sở y tế cách mạng, các cán bộ y bác sĩ vừa có chuyên môn giỏi, có y đức, vừa là 1 người lính, 1 người chiến sĩ trực tiếp cầm súng bảo vệ nhân dân đồng thời tham gia sản xuất để chăm sóc thương bệnh binh… công lao của họ là không thể kể xiết.

Trong số những trí thức nghề y quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác phải kể đến Giáo sư, Bác sĩ Trần Hữu Tước - người sáng lập và xây dựng ngành Tai - Mũi - Họng Việt Nam, một trong những vị giáo sư đầu ngành của nền y học Việt Nam hiện đại, một con người đã tình nguyện từ bỏ cuộc sống hơn 13 năm đang ổn định và sinh hoạt sung túc ở Pháp, trở về phục vụ Tổ quốc. Càng không thể nào quên được công lao to lớn của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Việt Nam, người đã có những cống hiến rất lớn cho nền y học của nước nhà. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều gương mặt tri thức ngành y khác đã từ bỏ mọi điều kiện ưu đãi của xã hội lúc bấy giờ để chấp nhận lao vào cuộc chiến đấu mà nguy cơ bị bắt, tra tấn, tù đày, thủ tiêu rình tập từng ngày, từng giờ tiêu biểu như: Bác sĩ Phùng Văn Cung, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, bác sĩ Vũ Văn Cẩn, bác sĩ Hồ Văn Huê, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, bác sĩ Hồ Đắc Di, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ… tất cả đều trở thành những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do cho đất nước…

Trên thực tế, chuyên môn khám chữa bệnh không thể tách rời khỏi chính trị và khoa học phải vì nhân sinh, chứ không phải vì khoa học, vì nghệ thuật. Không có một nghề nào có thể coi là nghề tự do, cũng không có nghề nào của riêng một nhóm người được giữ độc quyền, tất cả mọi người, mọi ngành là của nhân dân, phục vụ nhân dân. Tất cả đều phải có một nguồn gốc xã hội, một hình thức dân tộc, một nội dung khoa học và một lợi ích nhân dân. Chính vì lẽ đó, những người trí thức ngành y yêu nước thời ấy đã rời bỏ một khoa học phụng sự chân lý siêu hình, thoát ly cuộc đời cũ, tẩy trừ những tư tưởng xấu xa, tự cao, tự đại, tự tư, tự lợi, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, để tiến theo nhân dân và phụng sự Tổ quốc, bởi họ tìm được mối liên lạc khăng khít với dân tộc, tìm thấy con được độc lập tự do và đứng trên lập trường cách mạng, người lao động trí óc gắn kết chặt chẽ với người lao động chân tay, họ không còn cách biệt nhau như trước, họ dựa vào nhau, giúp đỡ nhau và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dần dần chính sách “Công nông hóa tri thức và tri thức hóa công nông” của Đảng và Chính phủ.

Lịch sử đã chứng minh sự lựa chọn và hy sinh của họ là hoàn toàn đúng đắn, con đường mà họ lựa chọn là tấm gương của những người trí thức chân chính, đã biết từ bỏ mọi tiện nghi của cuộc sống để trở thành người chiến sĩ bảo vệ đất nước khi Tổ quốc cần và cũng biết âm thầm từ bỏ mọi bả vinh hoa, phú quí, quyền lực để trở thành một người công dân bình thường giúp ích cho đời, cho xã hội. Tất cả đều là phù du khi chúng ta nằm xuống. Cái tồn tại mãi mãi đó là lòng thương yêu, tôn trọng của mọi người…

Đất nước nay tuy đã hòa bình, nhưng các “chiến sĩ áo trắng” vẫn tiếp tục làm cách mạng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, vẫn miệt mài cống hiến, rèn luyện không ngừng, tận tụy chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ thành thị tới nông thôn, núi cao hay biển đảo... đâu đâu cũng có hình ảnh của những người thầy thuốc miệt mài, tận tụy công việc cao cả - trị bệnh, cứu người.

Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, khi cả nước đang cùng nhau chung tay đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 gây ra thì một lần nữa, vai trò của các chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng càng được nâng cao. Trước những diễn biến phức tạp và khó khăn của dịch bệnh, chúng ta càng phải tin tưởng vào nền tảng vững chắc của ngành y đã được trui rèn trong quá khứ, trong mưa bom lửa đạn, tin tưởng vào những con người thầm lặng luôn cống hiến hết mình vì vận mệnh chung của dân tộc dù là trong tình huống gì đi chăng nữa.

Nhân kỉ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020), chúng ta lại một lần nữa vinh danh những con người thầm lặng ấy, cùng nhau đoàn kết, chung tay xây dựng một nền y tế Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân.

Ngọc Huyền