flag header

Tin tứcTin tức

Những liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam

Ngày đăng: 23-07-2019 Lượt xem: 5554

Trong quá trình bảo vệ và xây dựng các đảo trong quần đảo Trường Sa, có không ít chiến sĩ đã ngã xuống. Sự hy sinh của các anh càng tô thắm cho lá cờ Việt Nam, càng khẳng định ý nghĩa và giá trị của việc giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam thiêng liêng hơn. Trong số đó, có những người đã hòa xác thân vào biển cả, biến biển Đông thành máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam…

Phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh 64 liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống tại Gạc Ma. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Ngày 14/3/1988, khi đang tham gia xây dựng đảo Gạc Ma, bất ngờ các chiến sĩ hải quân Việt Nam bị quân Trung Quốc tấn công. 64 chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống. Sự hy sinh đó lại diễn ra trong một trận chiến không cân sức giữa biển nước mênh mông, không có lối nào để rút lui bảo toàn lực lượng. Và, xác thân của phần nhiều trong 64 liệt sĩ đã hòa với biển, biến biển Đông trở thành máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam…

Trong cuộc chiến này đã sáng ngời bao gương dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trên các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 Hải quân… trước sự đe dọa và súng đạn của tàu chiến Trung Quốc. Dẫu biết có thể sẽ hy sinh song các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng... Đó Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ – Thuyền trưởng tàu HQ 604; Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương – Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, bảo vệ và giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Phương đã hiên ngang quấn cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Hay Anh hùng Nguyễn Văn Lanh kiên cường chiến đấu, bị thương nặng vẫn không rời vị trí, quyết giữ đảo đến cùng. Anh hùng Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài giữ vững chủ quyền trên đảo...

Từ đó đến nay, các đoàn thăm quần đảo Trường Sa đều làm lễ tưởng niệm tại khu vực này, nơi mà nhiều người gọi là “Nghĩa trang đỏ Trường Sa”. Các con tàu đưa các đoàn đại biểu đến thăm đảo Len Đao và các đảo lân cận đảo Gạc Ma thường dừng lại, thả những vòng hoa xuống vùng biển và dành thời gian tưởng niệm tưởng nhớ tới các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Với mỗi người được dự cuộc lễ đặc biệt này đều cảm thấy những niềm xúc cảm mãnh liệt khó quên.

Nhiều năm qua, gần như không có tiếng súng nổ ở khu vực quần đảo Trường Sa nhưng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không phải không có những chiến sĩ đã ngã xuống. Tháng 10/2013, thiếu úy Đinh Văn Nam (quê ở Hải Phòng) bị tai nạn và hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ một tàu hải quân bị mắc cạn tại khu vực đảo Phan Vinh. Tháng 1/2014, trung úy Phan Văn Hạnh (quê ở Nghệ An) hy sinh khi ca nô bị lật úp lúc anh cùng đồng đội đang tuần tra ở đảo Tốc Tan C… Đó là những trường hợp thi hài được đưa về an táng ở đất liền ngay sau khi các anh hy sinh.

Nhiều chiến sĩ khác đã nằm lại trên các đảo, đợi một thời điểm thuận lợi sẽ cải táng về đất liền. Đảo Nam Yết có mộ của năm liệt sĩ: chiến sĩ Lại Huy Công, quê ở Thái Bình, hy sinh ngày 2/2/2012; chiến sĩ Nguyễn Văn Hà, quê ở Nghệ An, hy sinh ngày 20/5/2010; chiến sĩ Nguyễn Văn Cường, quê ở Hưng Yên, hy sinh ngày 2/2/2012; chiến sĩ Đinh Thanh Bình, quê ở Bình Thuận, hy sinh ngày 19/9/2011; và chiến sĩ trẻ nhất, mất gần đây nhất là binh nhì Nguyễn Vũ Hoàng Phương, quê ở Khánh Hòa, sinh năm 1995 và hy sinh ngày 14/2/2014. Chúng tôi đứng khá lâu trước các ngôi mộ được xây viền gạch, nấm còn để phẳng. Có chiến sĩ hy sinh lúc còn trẻ quá, ở tuổi mười chín đôi mươi tràn đầy mơ ước, nhưng vì Tổ quốc đã sẵn sàng hy sinh và gửi mình lại nơi đây…

Ở đảo Sinh Tồn Đông, nấm mộ của chiến sĩ Nguyễn Hùng Linh, sinh năm 1992, quê ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), hy sinh ngày 17/5/2014, trên mộ được trồng nhiều rau muống… Ở đảo Trường Sa lớn, có mộ của liệt sĩ Hoàng Văn Nghĩa, quê ở Nam Trực - Nam Định, sinh năm 1986 và mất ngày 21/3/2010; liệt sĩ Lê Văn Tuấn, quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa), sinh năm 1988 và hy sinh ngày 26/10/2010; nơi anh nằm sát bờ biển, khá gần một chốt gác, coi như anh vẫn có đồng đội ở cạnh bên…

Khi đến khu vực các nhà giàn, các đoàn công tác cũng đều làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ nhà giàn, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng ra đi. Trong cơn bão số 8 có tên quốc tế Fathes ngày 12/12/1998, nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6) bị cuốn chìm; khi cơn bão ập đến, trên nhà giàn có 9 người. Khi bão Fathes đi qua vùng biển DK1, mệnh lệnh từ sở chỉ huy, tất cả nhà giàn chuẩn bị sẵn sàng đối phó với sóng gió, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà giàn đổ; các tàu trực ở khu vực nhanh chóng về Côn Đảo trú bão. Rạng ngày 13/12, trước tình thế hiểm nghèo, Đại úy Chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương đã ra lệnh cho đồng đội rời khỏi nhà giàn xuống tàu về đất liền tránh bão, còn anh cùng Chiến sĩ cơ điện Nguyễn Văn An và chiến sĩ ra đa Lê Bích Hồng ở lại chống chọi với bão dữ. Khi nhà giàn có nguy cơ đổ sụp trước sóng gió, Thiếu úy Nguyễn Văn An cố gắng liên lạc lần cuối với đất liền, trước khi cả ba bị bão cuốn xuống biển và mãi mãi không về. Đại úy Vũ Quang Chương đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 13/12/2013.

Trước đó, tháng 12/1990, một cơn bão lớn với gió giật cấp 12 đã giật sập nhà giàn DK1/3 (Phúc Tần 3) làm 3 chiến sĩ hy sinh, gồm Nguyễn Hữu Quảng, Trần Văn Là, Hồ Văn Hiền. Các nhà giàn DK1/4, DK1/6 cũng bị bão giật sập nhưng may mắn không thiệt hại về người. Một năm sau, sự cố tàu HQ 666 chìm trong trận lốc cuồng phong tại bãi cạn Tư Chính đêm 23/12/1991 đã cuốn trôi xuống biển Thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường. Ngày 21/4/2001, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh trong khi làm nhiệm vụ gác đêm tại nhà giàn DK1/16…

Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, dù ở đất liền hay trên biển, trên đảo, các cán bộ, chiến sĩ đều phải đối mặt với các nguy hiểm. Với những chiến sĩ ở nơi biển khơi, hải đảo, dường như thử thách càng nặng nề hơn và nhiệm vụ của các anh càng trở nên cao cả, thiêng liêng hơn. Và vì vậy, sự hy sinh của các anh càng khiến mọi người khâm phục và ngưỡng mộ hơn!

TRÚC GIANG