flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Những sai lầm trong câu chuyện “chiến thắng lịch sử 60 năm”

Ngày đăng: 12-12-2019 Lượt xem: 6382

Thời gian vừa qua, hòa cùng chiến thắng của đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam tại Seagames 30 cùng với thắng lợi thuyết phục của đoàn thể thao Việt nam tại giải đấu này, xuất hiện nhiều ý kiến, nhiều thông tin trên cả các phương tiện thông tin đại chúng chính thống và cả trên mạng xã hội ca ngợi chiến thắng này và ví von, cho đây là “chiến thắng lịch sử 60 năm”, từ đó nảy sinh ra tranh cãi trong cư dân mạng và dư luận xã hội ồn ào đối với vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc, một số đối tượng cơ hội, phản động đã nhân cơ hội đó để xuyên tạc chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Về nội dung này, Cờ đỏ TP.HCM xin có lời bàn:

Trước hết, cần quán triệt quan điểm lịch sử cụ thể trong triết học Mác – Lênin khi xem xét sự việc này. Quan điểm lịch sử cụ thể có 3 yêu cầu, trong đó có yêu cầu quan trọng: “Khi phân tích xem xét  sự vật, hiện tượng phải đặt nó trong điều kiện không gian và thời gian cụ thể của nó, phải phân tích xem những điều kiện không gian ấy có ảnh hưởng như thế nào đến tính chất, đặc điểm của sự vật, hiện tượng. Phải phân tích cụ thể mọi tình hình cụ thể ảnh hưởng đến sự vật, hiện tượng”. Soi vào sự kiện cách đây 60 nămđội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đứng trên bục vinh quang bóng đá Đông Nam Á tại SEAP Games 1959 - Đại hội Thể thao bán đảo Đông Nam Á lần thứ nhất. Đội tuyển bóng đá Việt Nam khi đó mang danh nghĩa “Quốc gia” chính thức của chế độ cũ, mang vinh quang về cho chế độ cũ. Ai nói “chiến thắng đó là của nhân dân Việt Nam”, ai tách bạch thể thao khỏi chính trị thì người đó đã sa vào chủ nghĩa triết chung, ngụy biện. Bởi lịch sử từng chỉ ra rất nhiều trường hợp giới chính trị sử dụng thể thao như một công cụ để thực hiện ý đồ của mình: Benito Mussolini từng sử dụng Giải bóng đá vô địch thế giới 1934 tại Ý để thị uy một nước Ý phát xít. Adolf Hitler cũng sử dụng Thế vận hội Mùa hè 1936 ở Berlin và Thế vận hội Mùa đông 1936 tại Garmisch-Partenkirchen, để tuyên truyền cho tư tưởng phát xít về chủng tộc Aryan thượng đẳng, cùng sự hạ đẳng của người Do Thái và các chủng tộc "khó ưa" khác, còn vô vàn ví dụ khác nữa về sự can thiệp vào kết quả thể thao để phục vụ lợi ích chính trị… Ngay trong các kỳ Seagames, không khó để nhận ra ý đồ chính trị của nước chủ nhà khi xếp môn này, loại môn kia hay can thiệp vào công tác trọng tài để giành phần có lợi nhất cho đội thể thao của mình trên bảng xếp hạng.

Ngay trong “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020”, Nhà nước ta cũng khẳng định trong mục tiêu cụ thể là phát triển thể thao nhằm tăng cường hội nhập quốc tế, tích cực thực hiện chủ trương, đường lối ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước.  

Việt Nam tham dự SeaGame lần đầu tiên vào năm 1989 tức là trước khi gia nhập tổ chức này 6 năm, đội tuyển bóng đá nam Quốc gia của nước ta bắt đầu tham gia Seagames từ năm 1991, Ngay trong bức thư chúc mừng chúc mừng Đội tuyển bóng đá nữ, Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam và Đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích cao tại SEA Games 30, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định: “Tôi rất xúc động và tự hào khi đang có chuyến thăm chính thức tại Liên bang Nga nghe tin đội tuyển bóng đá nam đã giành chức vô địch SEA Games 30. Đây là tấm huy chương lịch sử của bóng đá Việt Nam kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập với thể thao khu vực cách đây 30 năm. Do vậy, không thể đồng ý với quan điểm cho chiến thắng của bóng đá nam Việt Nam tại Seagames 30 là “chiến thắng lịch sử 60 năm”!

Hòa hợp, hòa giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, khẳng định rõ: lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, chủ động mở rộng quan hệ với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài, không phân biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội. Nhà nước ta tạo điều kiện cho mọi người, kể cả những người từng làm việc trong chế độ cũ, có nhiều tội ác với nhân dân được về thăm, đóng góp để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, tiến bộ, v.v. Trong thực tế Đảng và Nhà nước ta đã và đang lãnh đạo thực hiện triệt để chủ trương chính sách này, không hề có sự phân biệt đối xử đối với bất cứ ai trong xã hội. Thông qua những chương trình mang tính thực tế, nhiều cá nhân kiều bào trước kia còn nặng định kiến nay đã thay đổi nhận thức, chính kiến và có những đóng góp thiết thực cho quê hương đất nước. Trong thực tế thể thao nước nhà, chúng ta vẫn sử dụng và đãi ngộ các nhân tài thể thao của chế độ cũ mà không hề có sự phân biệt, Những Phạm Huỳnh Tam Lang, Hà Tam, Nguyễn Văn Rạng, Nguyễn Ngọc Thanh.. đều từng tiếp tục làm huấn luyện viên cho các đội tuyển bóng đá của Thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng. Riêng Phạm Huỳnh Tam Lang còn là trợ lý của rất nhiều đời HLV ngoại đầu tiên của Đội tuyển VN tham dự các kỳ SEA Games, Tiger Cup… đạt được rất nhiều thành tích vẻ vang. Đó không phải là những minh chứng thuyết phục cho việc kế thừa và tiếp thu những giá trị, thành tựu của thể thao chế độ trước? Khi không có cái gọi là “chính kiến hẹp hòi tách, đẩy những con người Việt Nam ra hai thể chế, về hai cực khác nhau” thì làm gì có chuyện “mong muốn đất nước Việt Nam phải chia năm xẻ bảy, phải nồi da xáo thịt thì mới phân biệt con Rồng Cháu tiên ta ở các thời kỳ khác nhau của lịch sử”?.

Ca ngợi, vinh danh thành tựu của bóng đá Việt Nam trong sự kiện thể thao vừa qua là cần thiết, nhưng đừng nên “bốc” quá mà quên đi ý nghĩa thực tế của nó trong đời sống, vô tình (hay cố ý) tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc!

Minh Nghi