flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Nỗi lo từ sự nhiễu loạn thông tin

Ngày đăng: 18-07-2018 Lượt xem: 2116

Mạng xã hội có mặt tích cực là giúp thông tin được chia sẻ nhanh chóng, rộng rãi tới mọi người. Tuy nhiên, không ít thông tin thiếu kiểm chứng, thông tin “đội lốt” phản biện để “tung hỏa mù”, xuyên tạc, phản ánh sai sự thật trên mạng xã hội cũng đã và đang gây ra nhiều hậu quả, tạo nên sự hoang mang, bất an cho dư luận, cộng đồng. 

MẶT TRÁI TỪ NGUỒN TIN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Cùng với thông tin chính thống trên báo chí, gần đây, bắt đầu nổi lên “thế lực” mang khái niệm còn tương đối xa lạ với nhiều người: Báo chí công dân, nhà báo công dân...

Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, ngay sau khi mạng xã hội du nhập, đã xuất hiện cái gọi là “nhà báo công dân” ở Việt Nam. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng này đã ngày một nhiều thêm, tác động không nhỏ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước đây, người dân chủ yếu theo dõi nguồn tin từ báo chí, truyền thông chính thống. Nay, họ đã có thêm nhiều nguồn thông tin hơn và có xu hướng mở rộng tìm kiếm ra các nguồn thông tin bên ngoài. Các tài khoản trên mạng xã hội chính là một trong các đích đến của những người tìm kiếm thông tin. Sự xuất hiện mạng xã hội cũng giúp báo chí truyền thống trong việc tìm kiếm, khai thác nguồn tin. Bởi khó có cơ quan báo chí nào đủ nguồn lực, phương tiện để nắm bắt toàn bộ các sự kiện, hiện tượng diễn ra trên khắp các địa bàn. Trong khi đó, chỉ với một chiếc điện thoại được kết nối mạng, có khả năng chụp ảnh với độ phân giải tương đối tốt, mỗi người dân đã trở thành “thông tin viên”, “nguồn tin” của nhiều tòa soạn. Rất nhiều bài viết của các phóng viên đã dựa theo nguồn tin quý giá từ “nhà báo công dân”. Không chỉ mang chức năng cung cấp nguồn tin, nhiều “Facebooker” với số lượng bạn bè trực tuyến, lượng “follow - theo dõi” đông đảo lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn người đã thực sự có ảnh hưởng tới dư luận.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng gây ra nhiều vụ việc “dở khóc dở cười”, thậm chí đã gây ra không ít các vụ “khủng hoảng truyền thông”, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Hiện nay, đã xuất hiện hiện tượng người dùng mạng xã hội sử dụng các thủ thuật như: cắt ghép, dàn dựng hoặc lấy những thông tin ở nơi khác về... gán cho sự kiện trong nước. Hoặc, trước những sự việc, hiện tượng, mặc dù chưa có kết luận rõ ràng từ phía cơ quan chức năng, song đã vội vàng quy chụp, làm thay chức năng của cơ quan chuyên môn, kết luận, định hướng dư luận theo ý của mình. Chính những thông tin đầy cảm tính hoặc đôi khi được đưa ra với chủ đích nào đó của mạng xã hội đã khiến dư luận thêm bất ổn, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, đời sống nhân dân.

Điển hình như vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh lực lượng công an trấn áp một nhóm đối tượng cầm đồ. Theo thông tin chia sẻ  của người đăng, nhóm chiến sĩ công an đã vô cớ đóng cửa, “đàn áp” cả gia đình một cách dã man. Ngay khi đoạn clip được đăng tải trên một trang cộng đồng mở, đã có hàng chục nghìn lượt chia sẻ, bình luận theo hướng bênh vực nạn nhân, chửi bới công an. Thậm chí, có nhiều người đã lợi dụng vụ việc đó để bình luận quy chụp, nói xấu lực lượng vũ trang, chính quyền nhân dân, chế độ, Nhà nước ta. Hôm sau, nhiều người mới “ngớ người” khi được xem một đoạn clip ghi lại diễn biến trước nội dung của đoạn clip kia. Hóa ra, đối tượng bị trấn áp ấy liên quan đến đường dây cầm đồ hoạt động trái phép, khi có nạn nhân đến làm thủ tục để lấy tài sản về, hắn đã hết sức manh động, liều lĩnh, dùng hung khí tấn công một phụ nữ trung tuổi ngay trước mặt lực lượng công an đi cùng. Trước hành động manh động, côn đồ, coi thường pháp luật ấy, các chiến sĩ công an đã buộc phải khống chế các đối tượng để xử lý theo pháp luật. 

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Để ứng phó với tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội hiện nay, điều đầu tiên và quan trọng nhất, đó là phải phát huy được vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống báo chí chính thống. Trước hết, báo chí chính thống phải thông tin kịp thời, định hướng dư luận theo hướng tích cực, đúng đắn, mang tính xây dựng, với quan điểm “lấy cái tốt át cái xấu”. Tiếc rằng, trước thực trạng xuất hiện quá nhiều các trang phụ trương, tạp chí điện tử nên việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, vai trò của một số trang, tờ báo đã không còn giữ được sự chuẩn mực. Có những sự việc quan trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, nhiều trang tin, bài báo đã nóng vội, cảm tính, chủ quan, hướng dư luận đến suy nghĩ cực đoan, gây mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp. Điển hình như tại phiên tòa xét xử vụ tai biến chạy thận làm 8 người chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Mặc dù cơ quan tố tụng, xét xử chưa đưa ra phán quyết cuối cùng, song, không ít bài báo, tờ báo đã cố tình đăng bài định hướng dư luận theo ý chủ quan là bị cáo - bác sĩ Hoàng Công Lương không có tội. Điều đó là sai chức năng, làm thay công việc của cơ quan xét xử, gây áp lực không tốt đến quá trình xét xử.

Cùng với việc phát huy tốt vai trò thông tin, định hướng dư luận của báo chí chính thống, để đấu tranh, chống lại các luồng thông tin sai trái, không tự biến mình thành bị dẫn dắt trên mạng xã hội, thiết nghĩ, mỗi người cần cảnh giác, thận trọng trước khi chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần hết sức cảnh giác khi tiếp cận những thông tin được đăng tải từ những trang không chính thống, giả mạo, có nguồn gốc từ nước ngoài, hoặc do cá nhân, phần tử xấu lập ra. Khi tiếp nhận được những thông tin tiêu cực, gây “sốc” trên mạng xã hội, hãy chủ động tìm kiếm từ các trang báo chí, thông tin chính thống để so sánh, đối chiếu. Nếu không xác định được nguồn gốc, động cơ, mục đích của thông tin và người chia sẻ thông tin, cần bình tĩnh, thận trọng khi bình luận, phát tán. Ngoài ra, cần xây dựng cho bản thân thái độ tích cực khi tham gia mạng xã hội, luôn tìm kiếm, chia sẻ những thông tin hay, bổ ích, hạn chế tìm đọc các thông tin tiêu cực, không rõ nguồn gốc.

Dù gây ra nhiều hệ lụy khó lường, song vẫn phải khẳng định mạng xã hội là một “thế lực” đang tồn tại, có sức ảnh hưởng lớn so với báo chí. Ở góc độ tích cực, mạng xã hội giúp mọi người có thêm những nguồn thông tin đa chiều, để hiểu thêm về thực tế đang diễn ra của xã hội. Đối với các cấp chính quyền, đây là một trong những nguồn tin để có thể tham khảo, xem xét nhằm nâng cao năng lực quản lý, giúp xã hội ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi thông tin từ mạng xã hội đều mang giá trị chân thật. Vì vậy, việc sàng lọc, thẩm định, bình tĩnh suy xét khi tiếp xúc với những nguồn thông tin này là hết sức cần thiết. Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, cần tỉnh táo để cầm đúng chỗ và điều khiển nó, đừng hấp tấp kẻo lại tự mình làm mình đứt tay!!! 

 

Chiến Văn