Ngày đăng: 23-09-2020 Lượt xem: 4195
Chiều 23-9-1945, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, cả Sài Gòn đình công, bất hợp tác với Pháp. Các công sở, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, các ụ chiến đấu hình thành khắp nơi trong thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng dậy, tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.
1. Miền Nam đi trước về sau
Trong khi hàng triệu người dân Nam Bộ đang vui mừng chào đón ngày độc lập của dân tộc thì quân Pháp núp bóng quân Anh với danh nghĩa Đồng minh đã bắn súng vào đoàn biểu tình trong lễ tuần hành mừng độc lập. Những ngày sau đó, dưới sự bảo trợ của quân Anh, quân Pháp ngày càng có nhiều hành vi khiêu khích trắng trợn. Ngày 4-9-1945, tướng Anh Gracey ra lệnh phía chính quyền cách mạng “giải tán lực lượng vũ trang”, ngăn cản quần chúng xuống đường biểu tình. Cả Sài Gòn và Nam Bộ sống trong một không khí ngộp thở, khẩn trương khi chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến đấu mới. Từ Thủ đô Hà Nội phát đi lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối phân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa[1]”. Trước sự gây hấn của quân thù, ngày 9-9-1945, tại Sài gòn, Tổng bộ Việt Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào chuẩn bị tinh thần và lực lượng để chống trả quân thù “đang sửa soạn súng đạn để một lần nữa giày xéo đất nước ta, tiêu diệt nòi giống ta”.
Nhìn lại lịch sử, năm 1858, thực dân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng bắn vào cửa biển Đà Nẵng xâm lược Việt Nam. Năm 1859, người Pháp vào Gia Định và sau đó bằng rất nhiều các hiệp ước nhục nhã, nước Việt Nam lần lần mất vào tay thực dân Pháp. Hơn 80 năm nô lệ, ngày 2-9-1945, cùng với Nhân dân cả nước, người dân Sài Gòn nô nức chào đón ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chỉ 21 ngày sau, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam lần thứ 2.
Vậy là, người dân Sài Gòn, người dân Nam Bộ chỉ được hưởng không khí độc lập đúng 21 ngày. Kể từ ngày 23-9-1945, phải đi hết 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, hai miền Nam Bắc Việt Nam mới thống nhất, đồng bào Nam Bộ mới kết thúc một hành trình dài đấu tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.
2. Nam Bộ kháng chiến: quyết không làm nô lệ
Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ được thành lập do Trần Văn Giàu làm chủ tịch. Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ tuyên bố mình là bộ phận phía Nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau gần 80 năm đô hộ nước ta, thực dân Pháp, mặc dù trước đó đã thất bại và thúc thủ trước phát xít Nhật nhưng vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược lại nước ta một lần nữa. Đêm 22-8-1945, Ủy viện Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ (thuộc chính phủ De Gaulle) là Jean Cédile nhảy dù xuống gần Biên Hòa và bị nông dân bắt giữ giao cho quân đội Nhật và sau đó được thả ra. Ngày 27-8-1945, Cédile gặp Trần Văn Giàu đề nghị tương lai chính trị của Việt Nam. Trong cuộc họp này, Trần Văn Giàu yêu cầu điều kiện tiên quyết là Pháp trước hết phải công nhận nền độc lập của Việt Nam rồi mới bàn tới quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Trong đêm 22 tháng 9, ở bất cứ nơi nào quân Pháp đánh chiếm đều bị quân dân ta nhất loạt đứng lên chống trả quyết liệt.
Sáng 23-9-1945, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu phát lời kêu gọi đồng bào:
…. Hỡi đồng bào!
Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!
Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945
Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ[2]”
Ngày 24-9-1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta; đồng thời chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Chỉ bằng mã tấu, gậy tầm vông và tấm lòng quả cảm, những người dân Nam Bộ thành đồng đã nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp những ngày đầu ở Nam Bộ đã đánh đòn đầu tiên và mạnh mẽ vào âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp, tiêu hao sinh lực địch, kìm chân địch trong thành phố và các thị xã trong một thời gian, góp phần giữ vững chính quyền non trẻ của nhân dân. Nam Bộ kháng chiến đi trước cả nước khiến cho thực dân Pháp không thể thực hiện âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh; tạo điều kiện cho cả nước có thời gian xây dựng, củng cố lực lượng.
3. Cần một tinh thần Nam Bộ kháng chiến cho đất nước hôm nay
Ngày 2-9-1945, Nam bộ tổ chức mít tinh chào mừng ngày độc lập. Hơn một triệu đồng bào từ các tỉnh, thành phố đã nô nức tề tựu về Sài Gòn để được chào mừng ngày độc lập và nghe Chủ tịch Hồ Chí minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Những lời tuyên bố lịch sử của Hồ Chí Minh - vì rất nhiều các nguyên nhân khác nhau đã không trực tiếp đến với đồng bào Nam Bộ. Xứ ủy và Ủy ban hành chánh Nam Bộ đã đề nghị nhà cách mạng Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Nam Bộ đứng ra phát biểu ý kiến. Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Trần Văn Giàu đã nhanh chóng phác thảo các ý kiến phát biểu chính. Bài phát biểu khẳng định niềm vui, niềm tự hào của người dân Nam Bộ trước sự đổi đời từ một nước thuộc địa thành một nước dân chủ cộng hòa. Bài phát biểu cũng kêu gọi Nhân dân đoàn kết chung quanh chính phủ Hồ Chí Minh, bày tỏ thái độ thân thiện với quân Đồng minh, sẵn sàng đặt lại quan hệ với nước Pháp trên cơ sở tôn trọng nền độc lập của Việt Nam với lời kêu gọi khi kết thúc: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng![3]". Ông Trần Văn Giàu cũng không quên nhắc nhở đồng bào: “Mừng thắng lợi nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi (…). Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại nô lệ[4]”.
Đáp lời Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Nam Bộ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Lâm ủy hành chánh Nam Bộ long trọng đọc lời tuyên thệ trước đồng bào sẽ cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ gìn đất nước. Sẽ cùng đồng bào vượt qua khó khăn nguy hiểm xây đắp nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Thay mặt Nhân dân, lãnh đạo Tổng Công đoàn Nam Bộ Nguyễn Văn Lưu đọc lời thề: “Chúng tôi, toàn thể Nhân dân Việt Nam xin kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu người Pháp đến xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chúng tôi cương quyết: Không đi lính cho Pháp; không làm việc cho Pháp; không bán lương thực cho Pháp; không dẫn đường cho Pháp". Hàng trăm nghìn người phía dưới hô to: "Xin thề! Xin thề! Xin thề[5]".
Đó là lời thề của những con người đã quyết chí không chịu làm nô lệ một lần nữa. Khi thực dân Pháp với âm mưu tròng lên đầu, lên cổ Nhân dân ta ách nô lệ một lần nữa. Đáp lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, tất cả mọi người dân đã đồng lòng nổi dậy, dũng cảm kiên cường đánh trả quân xâm lược. Chỉ bằng những vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần “Độc lập hay là chết”, những người con ưu tú của Nam Bộ đã dám chống chọi lại với kẻ thù hùng mạnh có tàu chiến, máy bay, xe tăng. Tinh thần quật khởi, đồng lòng, đoàn kết toàn dân của ngày Nam Bộ kháng chiến rất cần cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh hôm nay nói riêng.
Hội nghị Góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và dự thảo (lần 2) báo cáo chính tri Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025
TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiến hành tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng vào đầu năm 2021. Những thành tựu của đất nước đạt được hôm nay là to lớn, song đất nước cũng đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ cả bên trong và bên ngoài. Bên trong là tình trạng tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, hách dịch…của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã và đang làm xói mòn niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Bên ngoài, chủ quyền quốc gia, dân tộc, nhất là chủ quyền thiêng liêng trên biển đang bị đe dọa và uy hiếp nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, chúng ta rất cần một công cuộc đổi mới vòng hai, cuộc đổi mới vòng hai này không thể không quan tâm xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao sĩ khí, tinh thần của cả dân tộc. Vì vậy, tinh thần “Độc lập hay là chết”, tinh thần bất khuất trước cường quyền, bạo lực của Nam Bộ kháng chiến thật cần thiết cho hôm nay.
Thành công của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bắt đầu từ những quyết định “sinh tử” của người chịu trách nhiệm cao nhất, của vị “tướng ngoài biên ải” Trần Văn Giàu. Trong tình hình khó khăn ấy, nhất là sự liên lạc với cơ quan đầu não tối cao của Trung ương ở Hà Nội không thông suốt, bằng khả năng lãnh đạo nhạy bén, linh hoạt, quyết đoán của mình, đặc biệt là trách nhiệm trước lịch sử, Nhân dân và đất nước, người đứng đầu ở Nam Bộ khi ấy đã thể hiện xuất sắc trách nhiệm, vị trí, vai trò của mình, điều mà chúng ta rất cần cho hôm nay. Rất nhiều các nghị quyết của Đảng gần đây đề cao việc lựa chọn, trọng dụng những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và xem đây là cơ sở để thử thách cán bộ. Nghị quyết Trung ương 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” ghi rõ: “Chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc[6]”. Bài học mà Nam Bộ kháng chiến để lại, nhất là vai trò của Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trần Văn Giàu đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
75 năm qua, tinh thần quật khởi của ngày Nam Bộ kháng chiến đã và vẫn là động lực to lớn, cổ vũ đồng bào TP Hồ Chí Minh, đồng bào Nam Bộ và cả nước. Những bài học mà tinh thần quật khởi, sáng tạo của ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn giá trị sâu sắc cho hôm nay.
Viễn Trung
[1] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 322
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 325
[3] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 320
[4] Hội đồng biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 1 (1945-1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 222
[5] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 320-321
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Trung ương 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”