flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Phát huy tinh thần quật khởi Ngày Nam Bộ kháng chiến, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng Thành phố mang tên Người

Ngày đăng: 09-10-2019 Lượt xem: 2755

74 năm trước, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp với dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa đã nổ súng tấn công các trụ sở của chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tại Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Người dân Nam Bộ vừa mới hưởng độc lập, tự do được 28 ngày (25/8/1945 - 22/9/1945) đã phải lao vào cuộc kháng chiến. Hơn bảy thập niên đã trôi qua nhưng tinh thần chiến đấu quật cường, kinh nghiệm khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo của Thành phố vượt qua mọi khó khăn thách thức của ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng sáng tỏ thêm ý nghĩa lịch sử. Tinh thần quật khởi của ngày Nam Bộ kháng chiến luôn là nguồn khích lệ không chỉ trong đấu tranh giải phóng đất nước mà còn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và yêu nước, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã trở thành cái nôi của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Cũng từ Thành phố này, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước và phong trào công nhân đầu thế kỷ XX tại Sài Gòn gắn với tên tuổi người thợ Tôn Đức Thắng cùng với sự ra đời của Công hội Đỏ - tổ chức Cộng sản đầu tiên, là tiền đề cho sự ra đời của tổ chức Đảng tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Quân và dân Nam bộ đứng lên chiến đấu khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2, tháng 9-1945.

Kể từ khi ra đời, Đảng bộ Thành phố và những người đảng viên trung kiên của Đảng trên vùng đất này đã hòa cùng phong trào cách mạng, lãnh đạo quần chúng chống đế quốc, thực dân, đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Đảng bộ Thành phố đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định một lòng, một dạ sắt son theo Đảng; đấu tranh kiên cường ở nơi đầu sóng, ngọn gió, ngay giữa sào huyệt của kẻ thù, cùng miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” - “đi trước, về sau”; anh dũng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong mỗi chiến công to lớn của Thành phố “đều có máu xương, công sức và trí tuệ của chiến sĩ, đồng bào khắp mọi miền đất nước” hội tụ về đây, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, TP.HCM tiếp tục xác định “cùng cả nước, vì cả nước”, phấn đấu thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đi trước và cố gắng về đích trước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thành phố trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, ngày 2/7/1976, Quốc hội khóa VI Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định chính thức đặt tên Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là Thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2005, TP.HCM vinh dự được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng” và danh hiệu “Anh hùng Lao động” cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thành phố đã có thành tích xuất sắc trong thời kỳ đổi mới.

Xây dựng thành phố cùng cả nước, vì cả nước

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển Thành phố từ sau giải phóng đến nay, một loạt các chủ trương, quyết sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước đều xuất phát từ thực tiễn của TP.HCM thông qua việc cho Thành phố áp dụng thí điểm hoặc Thành phố tự vận dụng cơ chế một cách sáng tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển. Mỗi khi thực tiễn gặp khó khăn cũng là lúc TP.HCM xuất hiện các sáng kiến mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã từng nhấn mạnh rằng, tài nguyên lớn nhất của Thành phố là hơn 10 triệu dân, do đó phải tạo được sự lôi cuốn, lan tỏa phong trào đổi mới, sáng tạo đến tất cả người lao động, chính quyền, cấp ủy các cấp. Để đạt được mục tiêu này, mỗi đảng viên là một người sáng tạo hoặc ủng hộ, hỗ trợ sáng tạo; mỗi chi bộ là một tổ chức sáng tạo, ủng hộ sáng tạo. Cùng lúc, phải tạo môi trường, cơ chế chính sách để thực sự khuyến khích sáng tạo cũng như có cơ chế ghi nhận, tuyên dương người sáng tạo cả về vật chất lẫn tinh thần.

TP.HCM sẽ là trung tâm kinh tế lớn nhất nước; là đô thị hạt nhân của cả vùng

Là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2019, TP.HCM được giao thu ngân sách gần 400.000 tỉ đồng, tăng hơn 22.000 tỉ đồng so với 2018 và Thành phố cũng phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8,3%- 8,5%. Từng ngành, từng lĩnh vực đều có những kế hoạch, cách làm cụ thể để tăng nguồn thu, đóng góp cho sự tăng trưởng.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng thể kinh tế Thành phố tiếp tục giữ được ổn định và có xu hướng phát triển. Tiêu biểu, tốc độ kinh tế tăng trưởng của Thành phố được duy trì như năm ngoái (tăng 7,86%); tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 611.000 tỉ đồng, chiếm 24,6% kinh tế cả nước, giữ được vị trí là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 3,2 tỉ USD, tăng trưởng 20%; du lịch thu hút hơn 4,5 triệu lượt du khách, chiếm gần 50% cả nước. Mặt khác, Thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính ghi nhận sự hài lòng của người dân đến từng quận/huyện, phường/xã…

TP.HCM cũng xác định năm 2019 là thời cơ để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố thi đua nước rút phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chỉ tiêu Đảng bộ Thành phố lần thứ X với chủ đề là “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”; tập trung vào 10 công việc trọng tâm, giải quyết các bức xúc của người dân, phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực cán bộ... Trong giai đoạn tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu của Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Đảng bộ Thành phố cũng đang chuẩn bị nội dung Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, trong đó xác định rõ hơn về trách nhiệm của TP.HCM với Vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ; trách nhiệm với nhân dân.

Lý giải vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TP.HCM thuộc khu vực Đông Nam bộ nhưng quan hệ với Tây Nam bộ là quan hệ lịch sử, truyền thống. Nếu chỉ xác định mình thuộc Đông Nam bộ không chú ý đến Tây Nam bộ là chưa làm tròn trách nhiệm và chưa khai thác hết lợi thế của các vùng. Hợp tác với khu vực miền Đông Nam bộ và Tây Nam bộ là một trong những yếu tố tất yếu trong quan hệ của Thành phố; giúp hỗ trợ cùng nhau phát triển. Trước mắt là hợp tác phát triển giao thông, nông nghiệp, môi trường… Định hướng phát triển thành phố là hợp tác sâu hơn với các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ.

Phát huy truyền thống cách mạng và sự năng động, sáng tạo của Thành phố Anh hùng, nhiều năm qua, với trọng trách đầu tàu kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố vẫn xác định luôn “cùng cả nước, vì cả nước”, đặc biệt là kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thành phố luôn ưu tiên các dự án để huy động nguồn lực đầu tư như dự án khoa học, công nghệ, nghiên cứu - phát triển; Các dự án hạ tầng giao thông như đường cao tốc vành đai, đường xuyên tâm nội vùng cũng như kết nối liên vùng - hệ thống giao thông đô thị; tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ; các tuyến đường bộ, đường sắt kết nối với các trung tâm kinh tế, cảng biển, kết nối giữa các loại hình vận tải; nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tư sân bay Long Thành, các dự án hạ tầng năng lượng, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu...

Thụy Quân