flag header

Tin tứcChống DBHB

Phòng, chống và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xây dựng Đảng trong sạch,vững mạnh theo chỉ dẫn của V.I.Lênin

Ngày đăng: 30-03-2020 Lượt xem: 1628

Chủ nghĩa cơ hội và hệ lụy từ nó rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, sự trong sạch về đạo đức, lối sống, đến uy tín, sức mạnh và sức chiến đấu của Đảng. Vì vậy, phòng, chống và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên của mỗi tổ chức cơ sở Đảng và từng cán bộ, đảng viên trong mọi thời điểm.

1. Chủ nghĩa cơ hội và những người cơ hội chủ nghĩa

Theo Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên thì chủ nghĩa cơ hội là chủ nghĩa của những người chủ trương và hành động vô nguyên tắc, hy sinh cái cơ bản để đặt lợi ích cục bộ, trước mắt sẵn sàng thoả hiệp chính trị. Còn V.I.Lênin khi nói về tính không kiên quyết, vô nguyên tắc, không rõ ràng, lờ mờ, quanh co của chủ nghĩa cơ hội cũng cho rằng, những người cơ hội chủ nghĩa là những người do dự, thiếu kiên định, dao động và lừng chừng về chính trị và với những người này, thì họ “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng dễ dàng như thế”. Vốn bắt nguồn từ bản chất của chủ nghĩa cơ hội, những người sa vào chủ nghĩa cơ hội, những người cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng, dứt khoát, tìm cách thoả hiệp quan điểm này với quan điểm kia, để đứng trung dung giữa những quan điểm đối chọi nhau. Do đó, đối với họ, chỉ luôn là những lời nói bóng gió và giả thiết trống rỗng; là lời nói không đi đôi với việc làm, "cái thói nói cách mạng suông mà không ngượng miệng”.

Theo V.I. Lênin, trong phong trào công nhân và trong Đảng, vẫn còn đó những thủ đoạn, biểu hiện của những kẻ cơ hội chủ nghĩa - những người mang danh mácxít song lại ưa chuộng những lợi ích nhỏ nhặt, rẻ tiền, nhất thời của “lối sĩ diện” tư sản. Đó là những người sẵn sàng hy sinh lợi ích lâu dài, bền vững của giai cấp vô sản để mưu lợi cho sự "hào nhoáng bề ngoài và chốc lát của mình"; sẵn sàng thoả hiệp với mọi cái xấu để đạt được lợi ích cá nhân. Và thực tế cũng cho thấy rằng, nơi nào có quyền lực, có nhiều lợi ích thì chủ nghĩa cơ hội càng dễ phát sinh; đồng thời ở nơi đó, cũng không thể thiếu những kẻ cơ hội chủ nghĩa - những kẻ "lập lờ","ẩn mình" dưới những lời nói hay nhưng trong việc làm thì vô nguyên tắc, chỉ chăm chăm lo lợi ích của chính mình mà không màng đến lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.

Vì bản chất của những người cơ hội là không thể che giấu được và nguyên nhân là "từ chủ nghĩa mensêvích" mà ra, cho nên, trong Đảng “khi nói đến đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội thì không bao giờ được quên đặc điểm của tất cả chủ nghĩa cơ hội hiện đại trong mọi lĩnh vực là: nó mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và không thể nào hiểu nổi được. Do bản chất của mình, phái cơ hội chủ nghĩa bao giờ cũng tránh đặt các vấn đề một cách rõ ràng và dứt khoát; bao giờ nó cũng tìm con đường trung dung, nó quanh co uốn khúc như con rắn nước giữa hai quan điểm đối chọi nhau, nó tìm cách “thoả thuận” với cả quan điểm này lẫn quan điểm kia, vì nó quy những sự bất đồng ý kiến của mình lại thành những điều sửa đổi nhỏ nhặt, những sự hoài nghi, những nguyện vọng thành tâm và vô hại, v.v. và v.v..”[1].

Chủ nghĩa cơ hội có 2 khuynh hướng hữu khuynh và tả khuynh. Nhìn bề ngoài, cả 2 khuynh hướng có vẻ đối lập nhau, song chúng đều giống nhau là thù địch với chủ nghĩa Mác, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Từ đó, V.I. Lênin phê phán kịch liệt sách lược cơ hội chủ nghĩa của những người Mensêvích muốn giao quyền lãnh đạo cách mạng vào tay giai cấp tư sản; đồng thời, chỉ ra rằng đó là những người kém tính Đảng, kém ý thức tổ chức, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, những người làm chia rẽ sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng, chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại sức mạnh khối đoàn kết của Đảng...

Theo V.I. Lênin, để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và phát triển, phải thường xuyên liên tục, không được lơi là cuộc đấu tranh chống những kẻ cơ hội chính trị - những kẻ cái gì cũng cho là đúng, cũng tán thưởng, không có quan điểm chính trị rõ ràng, luôn ngả nghiêng, dao động, không kiên định nguyên tắc dẫn đến gây bè cánh trong Đảng; những kẻ sẵn sàng quỳ gối, uốn lưỡi cho vừa lòng và hợp với quan điểm của cấp trên và quần chúng, hòng tăng phiếu ủng hộ trong các dịp bầu cử, luôn "hy sinh lợi ích căn bản của quần chúng cho lợi ích tạm thời của một số hết sức ít công nhân, nói cách khác tức là sự liên minh giữa một bộ phận công nhân với giai cấp tư sản để chống lại quần chúng vô sản”[2]. Đi liền cùng đó, phải chủ động phòng ngừa và đấu tranh chống những phần tử cơ hội chính trị - những kẻ luôn biểu hiện, thể hiện bản thân rất vững vàng về lập trường, luôn phát biểu và tỏ ra thông suốt lý luận chủ nghĩa Mác, nhưng không vì những lý tưởng cách mạng mà vì động cơ quyền lực; "tìm mọi cách" chui vào Đảng, xâm nhập vào bộ máy quyền lực, tìm mọi cách để giành được vị thế/quyền lực, để từ vị trí đó và dùng quyền lực đó thực hiện mục đích của cá nhân, rồi kết bè kéo cánh cùng những phần tử cơ hội cũ, tạo thành một thế lực đáng kể trong Đảng, làm giảm sức mạnh, uy tín và thanh danh của Đảng. Đồng thời, phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng "những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược, và những người mensêvích, tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới, nhưng trong tâm hồn thì vẫn là mensêvích”[3], làm cho Đảng thực sự là đội ngũ đoàn kết, thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ năng lực và sức mạnh lãnh đạo tương xứng với nhiệm vụ chính trị được giao.

2. Chủ động phòng, chống và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong Đảng

Trong 90 năm xây dựng và phát triển, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn chú trọng công tác tư tưởng, coi công tác tư tưởng là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Trên cơ sở xác định công tác tư tưởng là trách nhiệm của toàn Đảng, Nhà nước, của từng cấp ủy, chính quyền và của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chủ động đấu tranh với những tư tưởng và những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa  được triển khai xuyên suốt trong Đảng, trong hệ thống chính trị đã góp phần tạo sự thống nhất nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong xã hội.

Tuy nhiên, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có một bộ phận còn diễn biến phức tạp và sự suy thoái đó chính là nguy cơ thúc đẩy sự “tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ bên trong Đảng và chế độ. Ở đâu đó trong mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn còn đó những kẻ cơ hội luôn tỏ ra có tác phong quần chúng, đi đâu cũng chủ động thăm già hỏi trẻ, khích lệ đồng chí, đồng nghiệp, nhưng thực chất là "nhẫn nhịn" để lấy phiếu vào quy hoạch, để được bổ nhiệm. Rồi từ đó, dùng vị thế của mình quyết định những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân, tác động xấu đến tâm tư, tình cảm và niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ; thậm chí có những người hứa rồi không làm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ… Vì thế, không phải ngẫu nhiên, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ phải “kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”[4]

Thấm nhuần những chỉ dẫn của V.I. Lênin, đặc biệt trước thềm đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng, việc mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động phòng ngừa, tăng cường đấu tranh đẩy lùi những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, nhất là cơ hội về chính trị trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ quan trọng, thiết thực xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trên tinh thần đó, trong Đảng cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp về tầm quan trọng của việc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trên tinh thần giữ vững tính Đảng, tính chính trị, tính khoa học, nguyên tắc thống nhất giữ lý luận và thực tiễn trong đấu tranh về tư tưởng, lý luận của Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để chủ động, sáng tạo, thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ, bám sát tình hình thực tiễn trong cuộc đấu tranh này. Thấu triệt mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đấu tranh vạch trần tính chất phản khoa học, phản động trong những quan điểm, tư tưởng sai trái của những phần tử cơ hội. Đi liền cùng đó là đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, gắn lý luận với thực tiễn, tổng kết thực tiễn để kết luận những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra.

Hai là, phát huy vai trò sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp và tổ chức chặt chẽ của các lực lượng để tạo thành thế trận nhiều tầng nấc trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, chống chủ nghĩa cơ hội nói riêng. Cụ thể, nâng cao tính chủ động, thiết thực, hiệu quả của các ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong công tác tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực cuộc đấu tranh trên trận địa tư tưởng; tính chuyên sâu của các cơ quan nghiên cứu, của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành; tính kịp thời, đa dạng, phong phú của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thanh, truyền hình, coi đó là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị cao cả của mọi tổ chức, mọi lực lượng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, cần sử dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức, phương pháp đấu tranh trực tiếp và gián tiếp; khơi dậy và phát huy cao độ khả năng, thế mạnh của mỗi tổ chức, mỗi lực lượng tham gia; đồng thời, khắc phục sự đấu tranh kiểu một chiều, khuôn sáo theo công thức định sẵn, thoát ly các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn.

Ba là, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để không chỉ phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, tình hình chính trị, tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc mà còn góp phần ngăn chặn những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Cụ thể, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân cho đội ngũ mỗi cán bộ, đảng viên; với nghiêm túc thực hiện  tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát, thực hành dân chủ trong Đảng.

Bốn là, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực nhiệm vụ chính trị, thực thi công vụ; thống nhất giữa nói và làm, giữa dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong công tác tác lãnh đạo và chỉ đạo, nhất là trong phòng, chống và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội như tư duy nhiệm kỳ, đầu cơ chính trị, chạy quy hoạch, luân chuyển, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Năm là, tiếp tục thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong giám sát việc thực hiện đạo đức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, coi đó là một biện pháp hữu hiệu để sớm phát hiện những kẻ cơ hội trong Đảng và những kẻ cơ hội đang tìm mọi cách để chui vào Đảng./.

                              TS. Văn Thị Thanh Mai

 Ban Tuyên giáo Trung ương

 

[1] V.I. Lênin: Toàn tập, Bản Tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, t.8, tr.476-477

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, Bản Tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, t.26, tr.307-308

[3] V.I. Lênin: Toàn tập, Bản Tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, t.44, tr.154

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.202