flag header

Tin tứcTin tức

Phriđrich Ăngghen - Nhà lý luận lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

Ngày đăng: 10-12-2020 Lượt xem: 969

Những ngày cuối tháng Mười Một hằng năm, nhân loại tiến bộ và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế long trọng kỷ niệm ngày sinh của Phriđrich Ăng-ghen - nhà lý luận kiệt xuất, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, năm nay là đúng tròn 2 thế kỷ (28/11/1820 - 28/11/2020). Sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp tư sản tại thành phố Barmen(Đức), nhưng do sớm chứng kiến sự bần cùng không lối thoát của những người lao động làm thuê và sự bất công của xã hội tư bản, ông đã sớm từ bỏ lập trường giai cấp tư sản xuất thân của mình để trở thành nhà cách mạng chân chính, dành cả cuộc đời để đấu tranh cho lý tưởng cao đẹp là giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột.

Với trí tuệ uyên bác trên nhiều lĩnh vực, với tư duy khoa học sắc bén và năng lực hoạt động thực tiễn không mệt mỏi, Ăng-ghen đã kiến tạo một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, trở thành một trong những người in dấu ấn đậm nét nhất trong lịch sử thế giới, những đóng góp lớn lao của ông trong công cuộc cải biến cách mạng theo con đường xã hội chủ nghĩa để giải phóng nhân loại. V.I Lênin khẳng định: “Sau bạn ông là Các Mác, Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”.

Cuối tháng 8/1844, Ăngghen gặp Mác ở Pari, khởi đầu cho một tình bạn lâu dài giữa hai người trong sự nghiệp đấu tranh cho chủ nghĩa cộng sản. Được sự ủy thác của Liên đoàn những người cộng sản, năm 1848, Ph. Ăngghen cùng với C. Mác soạn thảo bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Đây là văn kiện có tính chất cương lĩnh cách mạng, phê phán mạnh mẽ tất cả những trật tự kinh tế, chính trị và những thể chế của xã hội tư sản, trở thành vũ khí lý luận, tư tưởng sắc bén của giai cấp vô sản thế giới trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ sự thống trị xã hội của giai cấp tư sản, xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong quá trình phát triển của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ không tưởng trở thành khoa học.

Trong thời gian từ năm 1844 đến năm 1883, Ăngghen và Mác đã viết cho nhau 1.386 bức thư và cùngviết chung cuốn “Gia đình thần thánh” và “Hệ tư tưởng Đức” đặt cơ sở cho triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Cống hiến lịch sử của Ăngghen và Các Mác là dày công nghiên cứu, kế thừa những tinh hoa văn hóa nhân loại, sáng lập ra hệ thống lý luận cách mạng - chủ nghĩa cộng sản khoa học. Thông qua hoạt động trực tiếp trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, hai ông đã đưa lý luận đó thâm nhập vào quần chúng cách mạng, biến lý luận thành lực lượng vật chất thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người.

Với tư cách là nhà lý luận cách mạng, Ăngghen đã có những cống hiến kiệt xuất đối với việc hình thành, phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Bên cạnh các công trình viết chung với Mác, Ăngghen còn có hàng loạt tác phẩm lớn như: “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh”, “Chống Đuyrinh", “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”, “Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức”, “Biện chứng tự nhiên”, “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”… Với những công trình đồ sộ này, Ăng-ghen đã trình bày một cách sâu sắc những vấn đề lý luận cơ bản về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học, chống lại những quan điểm, luận điệu sai trái của giới học giả tư sản, cũng như của các phần tử cơ hội. 

Suốt cuộc đời nghiên cứu của mình, Ăng-ghen đã cùng với Mác kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, mà trước hết và trực tiếp là triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp; hòa mình vào trong thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, xây dựng nên chủ nghĩa Mác, một học thuyết, hệ thống lý luận khoa học và cách mạng, bao gồm triết học Mác-xít, kinh tế chính trị học Mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ những tìm tỏi, khám phá mà hai ông đã sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, phát hiện ra những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng nên lý luận giá trị thặng dư với các quy luật chi phối sự vận động, phát triển và diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Đây là những cơ sở lý luận khoa học, là vũ khí tư tưởng cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.

Thấy rõ sự khổ cực của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động ngay trong xã hội tư bản, Ăng-ghen đã viết tác phẩm “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” (1844). Bằng những chứng cứ sinh động của cuộc sống và những tài liệu phong phú của chính quyền tư sản, Ăng-ghen đã vẽ nên bức tranh hiện thực của cuộc đời những người lao động. Cũng thời gian đó, Ăng-ghen công bố bài “Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học”, Mác coi đó là một tác phẩm thiên tài về khoa chính trị kinh tế học của giai cấp vô sản.

Ăng-ghen luôn luôn gần gũi với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Trong những ngày khó khăn của cách mạng ông vẫn giữ vững sợi dây liên lạc với những người lãnh đạo công nhân các nước. Ông tham gia Quốc tế thứ nhất, cùng với Mác đấu tranh chống lại các trào lưu tư tưởng phi vô sản. Trong những năm 70 và 80 của thế kỷ XIX, nhiều đảng công nhân được thành lập. Để bảo vệ đường lối chủ nghĩa Mác, Ăng-ghen viết tác phẩm quan trọng “Chống Đuy Rinh” (1877) nhằm chống lại những quan điểm tiểu tư sản có tính chất cơ hội chủ nghĩa, ông viết tác phẩm “Phép biện chứng của tự nhiên” để tổng kết những tài liệu về khoa học tự nhiên.

Sau khi Mác qua đời, Ăng-ghen không chỉ đảm nhận trách nhiệm vẻ vang và nặng nề là lãnh đạo giai cấp vô sản quốc tế, mà còn dồn toàn bộ công sức, trí tuệ vào việc bảo vệ và phát triển học thuyết Mác. Thực hiện di nguyện của Mác, Ăng-ghen đã đóng góp to lớn đối với việc biên tập, hoàn chỉnh tập II và III của bộ “Tư bản”, đồng thời cho xuất bản toàn bộ công trình lý luận đồ sộ này của Mác. Các trước tác của Ăngghen, một mặt thống nhất với quan điểm lý luận của Mác, mặt khác càng làm phong phú thêm lý luận thiên tài của Mác, trở thành bộ phận hợp thành hữu cơ của chủ nghĩa Mác. Một trong những điểm nhấn sáng tạo của Ăng-ghen trong chỉnh thể phép biện chứng duy vật mácxít, là tư duy biện chứng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ tư duy biện chứng này, Ăng-ghen đã phát triển lý luận mácxít về thời kỳ quá độ cùng với luận điểm “phát triển rút ngắn”, mà sau này Lênin nêu thành khả năng “không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” để tiến lên chủ nghĩa xã hội đối với các nước, các dân tộc chậm phát triển.

Sinh thời Ăng-ghen kiên quyết phê phán việc vận dụng học thuyết Mác một cách giáo điều, máy móc, mà không căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể phong trào cách mạng ở từng nơi, của mỗi nước. Mặc dù tình hình có nhiều thay đổi so với thời điểm đó, nhưng học thuyết, tư tưởng của Mác và Ăng-ghen về chủ nghĩa xã hội khoa học, vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về công tác xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là nền tảng tư tưởng và hành động cho các Đảng Cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Là một trong những người sáng lập ra Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Ăng-ghen đã cùng với Mác để lại cho nhân loại ngày nay một kho tàng lý luận về triết học Mác xít, về kinh tế Mác xít, về chiến lược và sách lược cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp công nhân. Ông tự xem mình là “cây vĩ cầm thứ hai” của giai cấp vô sản toàn thế giới bên cạnh “cây vĩ cầm thứ nhất” là Mác. Dù đã qua đời nhưng Ăng-ghen vẫn luôn luôn là một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc thiên tài trong lịch sử nhân loại. Cùng Mác, Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ăng-ghen sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của Nhân dân ta và của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới./.

Ái Nhi