flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đứng lên kháng chiến: Sự cộng hưởng ý Đảng và lòng dân Nam Bộ

Ngày đăng: 21-09-2020 Lượt xem: 3889

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đem lại nền độc lập, tự do cho dân tộc, đem lại giá trị chân chính cho mỗi người dân Việt Nam - từ kiếp người dân nô lệ trở thành công dân một nước Việt Nam độc lập. Cuộc cách mạng ấy đã cuốn phăng chế độ thực dân đế quốc thống trị gần trăm năm, cuốn phăng chế độ phong kiến suy tàn, lạc hậu hàng ngàn năm để lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hào khí Nam bộ kháng chiến - Ảnh tư liệu

Nhưng nền độc lập ấy vừa mới giành được đã đứng trước nguy cơ và thách thức nghiêm trọng. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã trực tiếp đứng trước ba loại giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngay khi viết bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lường định trước được ý đồ và dã tâm của các thế lực đế quốc thực dân đối với nền độc lập của dân tộc. Chính vì vậy, cùng với việc khẳng định tính chính nghĩa, hợp xu thế thời đại của Cách mạng Tháng Tám, Người đã khẳng định và trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và cả thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy!”[1]. Tuyên bố đó của Người đã phản ánh đầy đủ, đúng đắn ý chí và quyết tâm của cả dân tộc, của mỗi người dân Việt Nam từ Bắc đến Nam. Đó còn là chỉ dẫn có ý nghĩa chiến lược của Đảng đối với mọi người dân sẵn sàng ứng phó với mọi âm mưu và hành động xâm lược của kẻ thù.

Thực tiễn những gì sau khi Việt Nam độc lập đã phơi bày bản chất và âm mưu của các thế lực đế quốc, đặc biệt là thực dân Pháp - kẻ đã dày công xây dựng nền thống trị gần một thế kỷ đối với Việt Nam và Đông Dương. Và thực tiễn cũng một lần nữa chứng tỏ ý chí và tinh thần độc lập, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc xung quanh Đội tiền phong của mình - Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Ở Nam Bộ, đặc biệt là Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, chính âm mưu và hành động của Pháp đã bộc lộ rõ ý đồ thực dân của họ hòng tái chiếm Việt Nam, mà trước mắt là Nam Bộ. Họ đã mặc cả với Anh để được quân Anh - với tư cách là “đồng minh” vào giải giáp vũ khí quân Nhật ở miền Nam, làm hậu thuẫn cho việc đưa quân Pháp núp bóng quân Anh vào Sài Gòn. Và sau này, họ đã thỏa thuận với chính quyền Tưởng Giới Thạch để được đưa quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tưởng, thực hiện âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước Việt Nam.

Cần nói thêm rằng, chính một số kẻ thực dân của Pháp đã núp trên những tầng lầu cao quanh khu vực mít tinh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn ngày 02 tháng 9 năm 1945 nổ súng bắn vào đoàn người biểu tình, gây ra cái chết và một số người bị thương của người dân ngay trong ngày Độc lập. Chính người Sài Gòn đã trấn áp, vây bắt những tên khiêu khích, nhưng đối xử đúng mực với những người Pháp già cả, phụ nữ, trẻ em là dân thường. Ngay trong ngày 02 tháng 9, mặc dù vì điều kiện kỹ thuật không trực tiếp nghe được Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã đề nghị Đồng chí Trần Văn Giàu - Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ đứng ra phát biểu. Đồng chí đã nói lên niềm tự hào trước sự đổi đời từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, kêu gọi mọi người đoàn kết xung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh, tỏ thái độ thiện chí chào đón quân Đồng minh, sẵn sàng đặt lại quan hệ với Pháp trên cơ sở Pháp tôn trọng quyền độc lập của Việt Nam, đồng thời phải ra sức nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của thực dân đế quốc trở lại xâm lược nước ta một lần nữa[2]. Cũng ngay sau đó, lãnh đạo Tổng Công đoàn Nam Bộ đã đọc lời thề của nhân dân: “Chúng tôi, toàn thể nhân dân Việt Nam xin kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu người Pháp đến xâm lược Việt Nam lần nữa thì chúng tôi quyết:

- Không đi lính cho Pháp.

- Không làm việc cho Pháp.

- Không bán lương thực cho Pháp.

- Không dẫn đường cho Pháp[3].

Người dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thấm đẫm tinh thần độc lập, nhưng chưa được hưởng trọn vẹn một ngày độc lập chính vì dã tâm của thực dân Pháp. Và chính quân Anh ra mặt áp đặt chính quyền cách mạng, tạo điều kiện để quân Pháp lấn tới. Mặc dù ngày 03 tháng 9, Ủy ban Hành chính Nam Bộ đã ra thông cáo vạch tội bọn thực dân Pháp gây ra vụ khiêu khích hôm trước, biểu dương thái độ của chính quyền và nhân dân “đã đối phó rất kiên quyết và anh dũng”, đồng thời cũng tỏ ra khoan hồng “chứng tỏ cho Đồng minh ý chí hòa bình của chúng ta” và kêu gọi “đồng bào hãy giữ trật tự, yên tĩnh”[4], nhưng ngay ngày 04 tháng 9, tướng Anh Gracey - Trưởng phái bộ Đồng minh đã ra lệnh cho quân Nhật phải điều 7 tiểu đoàn từ các nơi về “giữ trật tự” ở Sài Gòn, đồng thời ép chính quyền cách mạng phải “giải tán lực lượng vũ trang” và cấm quần chúng xuống đường biểu tình.

Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - Cội nguồn thắng lợi của cách mạng

Hành động của quân Anh đã tiếp tay cho thực dân Pháp lấn tới. Chúng cho quân Pháp thay chân quân Nhật canh gác một số nơi trọng yếu, làm ngơ cho quân Pháp tới kho vũ khí của Nhật vừa giao nộp cho quân Anh, lấy đi 12 xe vũ khí các loại. Trước hành động của Anh và Pháp, lãnh đạo thành phố đã ra lời kêu gọi: “Quốc dân nên tĩnh trí, chớ nóng nảy… Hãy xiết chặt hàng ngũ trong Việt Minh, xung quanh Chính phủ mình” và khẳng định ý chí “Không quên quyền lợi tối cao của Tổ quốc là Độc lập và Tự do”[5]. Ngay trong đêm 4 tháng 9, giới công nhân đã kéo đến Tổng Công đoàn Nam Bộ ở số 171, đường Kitchner (nay là đường Nguyễn Thái Học, quận 1) biểu dương lực lượng và tuyên thệ: “Là chiến sĩ xung phong Công đoàn, xin thề trước bàn thờ Tổ quốc: Quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông[6].

Ngày 13 tháng 9, sau cuộc mít tinh rầm rộ của hàng vạn đồng bào ta phản đối việc quân Anh cho Pháp treo cờ Pháp ở dinh Toàn quyền cũ, buộc phái đoàn Anh phải lệnh cho Pháp hạ lá cờ của chúng xuống, Ủy ban nhân dân Nam Bộ ra thông cáo biểu dương đồng bào đã tỏ ra điềm tĩnh mà không chút rụt rè trước sự khiêu khích của Pháp. Thông cáo khuyên đồng bào ai không có phận sự gì có thể tản cư, nhất là đàn bà, trẻ em, người già cả, đồng thời khẳng định ý chí: “Nếu người Pháp cố sức đem xứ ta trở lại chế độ thực dân, thì khi ấy, toàn thể quốc dân không còn nén chịu được nữa”. Nội dung của bản Thông cáo đã phản ánh đúng bản chất hiếu chiến của thực dân Pháp và dự báo đúng nguy cơ chiến tranh, khẳng định ý chí chiến đấu vì độc lập dân tộc của toàn dân.

Đến ngày 19 tháng 9, trước tình hình ngày một căng thẳng do quân Anh và quân Pháp gây ra, Ủy ban nhân dân Nam Bộ đã ra lời kêu gọi với thái độ dứt khoát: “Nếu người Pháp đánh chiếm chính quyền ở đây, nếu họ đem quân đội tới định cướp nước ta, biến đổi nước Việt Nam Dân chú Cộng hòa  thành xứ bảo hộ thuộc địa thì quốc dân phải theo lệnh Chính phủ sẽ:

- Tổng bãi công, không một ai cộng tác với giặc Pháp dưới bất cứ phương diện nào.

- Kháng chiến đến cùng cho đến ngày toàn thắng để làm cho toàn cầu thấy rằng quốc dân ta quyết giữ nền độc lập, để làm hậu thuẫn cho Chính phủ Trung ương trong cuộc ngoại giao được thắng lợi”[7]. Lời kêu gọi cũng yêu cầu “Sẵn sàng chuẩn bị tổng đình công và mở rộng kháng chiến ngay khi phát tờ lệnh này, đồng thời chờ lệnh của Chính phủ nếu người Pháp buộc ta phải sử dụng đến thủ đoạn nói trên”. Như vậy Ủy ban nhân dân Nam Bộ thay mặt đồng bào đã tỏ rõ thiện chí với phái bộ Đồng minh, nhưng cũng rất kiên quyết và có sẵn phương án đối phó với âm mưu và hành động của Pháp.

Mặc cho chúng ta đã cảnh báo và tỏ thái độ kiên quyết, nhưng được quân Anh dung túng và hỗ trợ, quân Pháp càng lấn tới với những hành động rất láo xược. Đêm 22 rạng 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp đã tràn vào chiếm Trụ sở của Ủy ban nhân dân Nam Bộ (nay là Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố). Lực lượng vũ trang bảo vệ Trụ sở đã nổ súng chống trả. Ngay sau đó, cả thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nhất tề kháng chiến, mở đầu cho cả Nam Bộ kháng chiến.

Trong khi khắp nơi trong thành phố, bất cứ nơi nào Pháp nổ súng đánh chiếm đều bị quân ta chống trả quyết liệt bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, ngay sáng 23 tháng 9, một hội nghị của Xứ ủy Nam Bộ khẩn cấp được triệu tập ở Cây Mai - Chợ Lớn với sự tham gia của các đồng chí Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng… và Hoàng Quốc Việt - thay mặt cho Thường vụ Trung ương và Tổng bộ Việt Minh vừa đến Sài Gòn ngày 27 tháng 8 tham dự. Sau khi thảo luận, tranh luận gay gắt, Hội nghị đi đến quyết định: Đồng thời với việc gửi điện cấp báo ra Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch để xin chỉ thị, là phải phát động nhân dân kháng chiến! Đó là một quyết định hết sức đúng đắn, kịp thời. Quyết định đó đã quán triệt hết sức sáng tạo tinh thần và quyết tâm của Hồ Chí Minh trong việc giữ vững nền tự do độc lập của dân tộc. Quyết định đó đã phản ánh đúng thực tế ở Sài Gòn, ở Nam Bộ khi mà quân Pháp đã thể hiện rõ dã tâm xâm lược bằng hành động trắng trợn. Và trên thực tế, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đứng lên chống xâm lược ở nhiều nơi. Quyết định đó là sự tiếp tục tư duy nhất quán của lãnh đạo Xứ ủy và lãnh đạo Thành phố trong quá trình đấu tranh giành độc lập và chuẩn bị kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, khi mà kẻ thù đặt chúng ta vào tình thế Độc lập hay là nô lệ!

Đó cũng là một quyết định mà ý chí, quyết tâm của lãnh đạo không những phản ánh đúng thực tế chiến đấu của nhân dân mà còn tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ giữa ý Đảng với lòng dân Nam Bộ lúc đó.   

Sau cuộc họp lịch sử ấy, ngay sáng 23 tháng 9, đồng chí Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã phát lời kêu gọi nhân dân Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đứng lên cầm vũ khí chống quân Pháp xâm lược và tuyên bố “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”

Quyết định của cuộc họp và cuộc chiến đấu của nhân dân thành phố được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương hết sức tán thành. Ngay khi nhận được báo cáo, Thường vụ Trung ương và Hồ Chủ tịch đã nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Ngày 24 tháng 9, Chính phủ đã ra Huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ: “Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lược chẳng những làm cho đồng bào cả nước khâm phục, mà lại còn chứng tỏ cho cả thế giới đều biết các quyền độc lập của nhân dân Nam Bộ[8]. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã kêu gọi cả nước ủng hộ và chi viện cho Nam Bộ kháng chiến. Một phong trào rộng lớn trong cả nước đã sôi động diễn ra: Phong trào Nam tiến với những đội quân tình nguyện vì Nam Bộ lên đường đi chiến đấu.

Sau 75 năm nhìn lại, khắp Thành phố, khắp Nam Bộ và cả nước vẫn hừng hực khí thế chiến đấu vì độc lập, tự do. Mở đầu cho Nam Bộ, cho cả nước kháng chiến, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh đã để lại bài học vô giá về ý Đảng với lòng dân!

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo

(Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG - ST, H., 2011.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015.

3. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tập 1, Nxb QĐND, H., 1985.

4. Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

 

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG - ST, H., 2011, tr. 3.

[2] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 320.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 320 - 321.

[4] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 321.

[5] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 322

[6] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 322.

[7] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tập 1, Nxb QĐND, H., 1985, tr, 83.

[8] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 340.