flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Khí phách, bản lĩnh, trí tuệ người đi đầu

Ngày đăng: 23-09-2022 Lượt xem: 552

Ngày 23/9/1945, quân và dân Sài Gòn đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho Nam Bộ kháng chiến và đã cùng cả nước trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm cho đến ngày giải phóng 30/4/1975. Lòng yêu nước cháy bỏng, ý chí quật cường với hào khí đất Phương Nam của người Sài Gòn năm xưa nay lại được tiếp thêm sức mạnh, thêm niềm tin “đi trước về đích trước” trong sự nghiệp xây dựng Thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, vì cả nước, cùng cả nước xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong kháng chiến, đối diện với mưa bom, bão đạn, mặc cho kẻ thù đàn áp khốc liệt, người Sài Gòn - Gia Định vẫn hiên ngang bất khuất, chấp nhận hy sinh vô bờ để cùng cả nước giành Độc lập, tự do. Sau giải phóng, người Thành phố mang tên Bác vượt qua khó khăn, gian khổ của tình hình kinh tế xã hội, vượt qua sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, tự vượt lên chính mình để xây dựng lại Thành phố “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Xưa Sài Gòn mở đầu cho kháng chiến; Nay Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của khu vực Nam Bộ và cả nước - lịch sử ghi nhận một sự tiếp nối kỳ diệu truyền thống vẻ vang của Thành phố với khí phách, bản lĩnh, trí tuệ người đi đầu!

*

*    *

Đêm 22 rạng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp dựa vào quân Anh tiến hành gây hấn đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Ngay lúc đó, nơi nào quân Pháp nổ súng đánh chiếm cũng đều bị quân ta nhất loạt đứng lên chống trả quyết liệt bằng vũ khí có trong tay, dù là vũ khí thô sơ.

Sáng 23-9, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp ở Cây Mai - Chợ Lớn. Sau khi phân tích, đánh giá tình hình giữa ta và địch, Hội nghị quyết định: “Đồng thời với việc gửi điện cấp báo ra Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin chỉ thị, là phải phát động nhân dân kháng chiến. Trên thực tế nhân dân ta đã đứng lên chống quân xâm lược ở một số nơi trong thành phố”[1].

Ngay sáng 23-9, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi của Ủy ban. Lời kêu gọi đã khẳng định: Pháp đã đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn, như vậy là Pháp đã bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 2-9 đồng bào ta đã thề hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc.

“Hỡi đồng bào!

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sĩ, dân quân tự vệ!

Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước.

Cuộc kháng chiến bắt đầu!”[2].

Theo lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lập tức bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực của địch. Ngay ngày 23-9, giặc Pháp đã vấp phải những trận chiến đấu anh dũng của quân dân ta ở dinh Đốc Lý (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố); ở đường Verdun; ở ga xe lửa; cầu Ông Lãnh; chợ Bến Thành; cầu Marc Mahon (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) gây cho địch rất nhiều thiệt hại. Đặc biệt là trận chiến đấu của một tiểu đội vũ trang bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ đã nêu cao tấm gương hy sinh chiến đấu đến người cuối cùng”[3].

Sài Gòn đứng lên kháng chiến là sự mở đầu cho cả Nam Bộ kháng chiến. Quyết định nổ súng kháng chiến của Hội nghị Cây Mai là một quyết định lịch sử, một quyết định mà ý Đảng hợp với lòng dân. Trước đó, cùng với cả nước, ngày 2-9-1945, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã dự cuộc mít tinh mừng ngày độc lập, để nghe Bác Hồ tuyên đọc Tuyên ngôn Độc lập. Mặc dù do điều kiện kỹ thuật không cho phép nghe Tuyên ngôn, nhưng người dân thành phố đã nghe Chủ tịch Lâm ủy Hành chính Nam Bộ Trần Văn Giàu phát biểu ý kiến, nói lên niềm vui, niềm tự hào trước sự đổi đời từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ cộng hòa. Ngay trong cuộc mít tinh, cả triệu người  đã hô to như sấm dậy “Xin thề! Xin thề!” quyết tâm giữ vững nền tự do độc lập!

Nam Bộ kháng chiến, mà mở đầu là Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định nhất tề đứng lên kháng chiến chống cuộc xâm lược lần thứ hai của Pháp là thực hiện Lời thề thiêng liêng của người Việt Nam trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy!” Trong tình thế trực tiếp và cấp bách, khi quân Pháp ngang nhiên nổ súng, tràn vào chiếm trụ sở chính quyền cách mạng, việc quyết định đứng lên kháng chiến là đúng đắn, thể hiện khí phách hiên ngang của người dân thành phố.

Người dân thành phố chỉ với trang bị vũ khí thô sơ, với tầm vông vạt nhọn cương quyết đứng lên chiến đấu với quân viễn chinh Pháp được trang bị đầy đủ, lại có sự giúp sức của quân Anh. Chênh lệch sức lực, chênh lệch vũ khí, nhưng người thành phố hơn hẳn quân Pháp ở tính chính nghĩa, lòng yêu nước nồng nàn, căm thù sâu sắc quân xâm lược.

Quyết định đứng lên kháng chiến của lãnh đạo thành phố lúc đó là một quyết định khó khăn, không dễ gì ngay lập tức tạo được sự đồng thuận. Để ra được quyết định lịch sử ấy, những người lãnh đạo dám quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước nhân dân thành phố và cả nước. Thực tế lịch sử đã chứng minh đó là một quyết định đúng đắn. Và cũng ngay sau đó, khi nhận được điện cấp báo của Thành phố, Hồ Chủ tịch đã lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn. Bác hồ và Trung ương không những ủng hộ mà còn cổ vũ, động viên Sài Gòn và cả Nam Bộ đã anh dũng đứng lên chống Pháp, nêu một tấm gương cho cả nước học tập. Người và Trung ương còn quyết định tổ chức và tiến hành chi viện cho Nam Bộ kháng chiến. Sau đó, cả nước đã hướng về Nam Bộ, những đội quân Nam tiến nhanh chóng lên đường!

Sài Gòn mở đầu cho Nam Bộ kháng chiến ngay lập tức đã buộc quân Pháp phải ra sức chống đỡ, phá sản kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của chúng ở Nam Bộ và mở rộng ra cả nước. Nam Bộ kháng chiến đã tạo điều kiện để cả nước có thêm thời gian chuẩn bị, trước khi bước vào toàn quốc kháng chiến.

Nam Bộ kháng chiến đã tạo nên những yếu tố thực tiễn của một cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, cho thấy sức mạnh của một dân tộc giàu lòng yêu nước, có truyền thống chống ngoại xâm, một bản sắc văn hóa quân sự Việt Nam. Truyền thống ấy, bản sắc ấy qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và sau đó, Sài Gòn cùng cả miền Nam, cùng cả nước viết tiếp trang sử vẻ vang của cuộc chống Mỹ, cứu nước mà kết thúc là Đại thắng Mùa xuân 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, khí phách, bản lĩnh và trí tuệ của người Thành phố, của lớp lớp các nhà lãnh đạo tiêu biểu đã khơi dậy sức mạnh của lòng dân, tạo nên giá trị cốt lõi của “thế trận lòng dân” chiến thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù.

Ngày nay, đất nước đã hòa bình, giang sơn đã thống nhất. Người thành phố Hồ Chí Minh không chỉ tự hào về lịch sử vẻ vang trong kháng chiến mà còn hết sức tự hào với những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vượt qua những khó khăn, thách thức, giải quyết những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh 30 năm, lãnh đạo và người dân Thành phố đã nhanh chóng ổn định đời sống, ổn định và từng bước khôi phục, phát triển sản xuất, dám “xé rào” của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp để bảo đảm đời sống nhân dân, phát triển sản xuất toàn diện; chủ động mở rộng liên kết với toàn Nam Bộ và cả nước; tăng năng xuất lao động, tăng hiệu quả đầu tư kinh tế; phát triển văn hóa xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng; kiên quyết chống những âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, chống “tự diễn biên, tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường hợp tác sâu rộng với các đối tác tin cậy.

Với vị thế và uy tín của mình, Thành phố đã thật sự là đầu tàu  của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, Sài Gòn đã cùng Nam Bộ “đi trước, về sau”; nay trong hòa bình xây dựng, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với tất cả lòng khiêm tốn và tự hào, Lãnh đạo và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra sức “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, vì cả nước, cùng cả nước sớm xây dựng một thành phố “Có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, phát huy vai trò đầu tàu cùng cả Nam Bộ, cùng cả nước xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ mong đợi!./.  

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam


[1] Đáng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 336.

[2] Đáng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 337.

[3] Đáng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930-1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 338-339.