flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Sao có thể hát những ca từ lệch lạc?

Ngày đăng: 15-12-2020 Lượt xem: 585

Giáng sinh hay Noel vốn là một ngày lễ của những người theo đạo Kitô giáo xuất phát từ phương Tây nhưng dần dần, theo thời gian và quá trình hội nhập, lễ Giáng sinh (gần với Tết Tây) trở thành ngày lễ hội quốc tế. Lễ Giáng sinh, ông già Noel, cây thông Noel, cũng đi vào Việt Nam từ khá lâu rồi.

Với những người theo đạo Thiên Chúa Giáo thì trước và sau ngày Giáng sinh 25/12 hằng năm là… mùa Giáng sinh. Vì đây là sự kiện có tính chất văn hóa cho nên các sáng tác nghệ thuật như phim ảnh, tranh vẽ, văn chương và âm nhạc lấy đề tài Giáng sinh – Noel cũng xuất hiện khá nhiều.

Có một điều là nhiều năm qua, nhóm ca khúc - dạng những bài hát tình yêu đôi lứa - lấy đề tài mùa Giáng sinh, ít được các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác cho nên, công chúng vẫn hát đi hát lại những ca khúc phổ biến ở miền Nam trước 1975 như “Bài thánh ca buồn”, “Đêm kỉ niệm” của Nguyễn Vũ; “Tình người ngoại đạo” của Thùy Linh; “Nửa đêm khấn hứa” của Tuấn Hải; “Hai mùa Noel” của Đài Phương Trang; “Màu xanh Noel”; “Mùa hoa tuyết” của Xuân Điềm; “Lời con xin Chúa” của Lê Kim Khánh; “Bóng nhỏ giáo đường”; “Dư âm mùa Giáng Sinh” của Ngân Giang; “Mùa sao sáng”, “Đêm thánh huy hoàng”, “Xin Chúa thấu lòng con” của Nguyễn Văn Đông…

Cần phải nói ngay đây là những tình khúc chứ không phải là thánh ca dù trong ca từ có những chữ Chúa, Thiên Chúa hay Giáng sinh, Noel. Giáng sinh chỉ là đề tài để nhạc sĩ viết lên những bài hát về tình yêu thôi. Kiểu như “Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian, bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu”. Đa phần những bài hát này đều là những câu chuyện… thất tình, câu chuyện người yêu đi lấy chồng, mối tình trái ngang v.v… Kiểu như: “Nửa đêm tan lễ / Bước anh bơ vơ trở về / Chợt nghe nước mắt / Rơi ướt trên bờ môi khô”…

Công bằng mà nói, nhiều ca khúc trong số này khá hay và được công chúng yêu thích. Tuy nhiên, do đây là những bài hát sáng tác trước 1975 ở miền Nam nên ca từ nhiều bài trong đó từ lâu đã rất không phù hợp. Hòa bình, thống nhất trên đất nước mình đã hơn 45 năm mà giờ đây người ta còn cầu xin hòa bình:

“Chiến cuộc mấy mươi năm / Mệnh trời bắt gian truân / Lạy Chúa chinh chiến lâu rồi / Cho mùa Giáng Sinh này đến Thanh bình Chúa ơi!” (Xin Chúa thấu lòng con)

Nhân vật trữ tình trong một số bài hát này là những “anh lính cộng hòa”:

“Con đang trấn miền biên giới xa xôi / Đêm nay, đêm nay Chúa sinh ra đời / Con nhìn từng hỏa châu rơi, từng vì sao rơi / Con nguyện cầu hai tiếng "Chúa ơi!" (Mừng Chúa ra đời)

Hoặc:

“Tiền đồn đêm nay tinh tú vỡ trong mây lạnh về giăng ngàn hướng / Năm trước cũng đêm này Noel về phố nhỏ em còn nhớ không em / Giáo đường miền cao nguyên đêm chúa xuống giáng trần / Mưa bay bay cho người yêu bắt đền áo trắng mới may…” (Đêm Kỷ Niệm)

Nhiều câu hát trong những ca khúc về đề tài Giáng sinh này hiện khó có thể chấp nhận được trong một đất nước hòa bình:

“Lạy Chúa, Chúa cứu thế / Non nước có ngàn dâu bể / Chinh chiến lan tràn sơn khê / Xin giúp cho vượt bến mê” (Mùa Hoa Tuyết)

Nhiều năm qua, Nhà nước ta đã cho phép lưu hành rất nhiều ca khúc về đề tài tình yêu ra đời trước 1975 ở miền Nam. Tuy nhiên, đó đều là những ca khúc có ca từ không thể hiện thái độ chính trị hoặc có hình tượng người lính chế độ cũ, chỉ thuần túy đề tài tình yêu. Nhiều ca khúc Noel như đã nói trên có nhiều ca từ hiện nay không phù hợp. Chính vì thế, ngành văn hóa và các cơ quan truyền thông cần giúp cho người dân hiểu để có thể không sử dụng những sản phẩm văn hóa lệch lạc như thế.

Bên cạnh các giải pháp quản lý nhà nước về văn hóa, thiết nghĩ, việc khuyến khích các nhạc sĩ hiện nay tìm tòi sáng tác những ca khúc đề tài tình yêu có liên quan đến mùa Giáng sinh, năm mới, Tết nguyên đán như là những món quà tinh thần cho công chúng cũng là cách để đẩy lùi các sản phẩm văn hóa độc hại.

PHÚ TRANG