flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Sự hỗ trợ từ mọi miền đất nước là kết tinh truyền thống đại đoàn kết của con người Việt Nam

Ngày đăng: 02-08-2021 Lượt xem: 958

Bản tin thời sự 19h00 trên kênh VTV1 ngày cuối tháng 7 đưa tin: nhiều tỉnh thành phía Bắc tiễn chân cán bộ y tế lên đường vào TPHCM làm nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch bệnh; qua màn ảnh, cậu bé ôm chầm mẹ là nhân viên y tế một tỉnh phía Bắc, lưu luyến không rời, khẩu trang che kín mặt chỉ còn nhìn ngấn nước mắt đỏ hoe. Rồi người mẹ dứt tay con, bước lên xe cùng đồng đội vào Nam chống dịch.

Nhiều ngày rồi, TPHCM đau trong cơn bùng phát dịch thứ tư, từ những ca đầu tiên liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng lây lan trong cộng đồng, đến chỉ thị 15, chỉ thị 16, chỉ thị 16 tăng cường.

Gần ngày thứ 60, chúng tôi chỉ đi từ nhà đến cơ quan rồi đúng lộ trình đó quay về, thời gian được đến công sở làm việc lúc một ít hơn, 50% rồi còn 30%. Đường phố mỗi lúc một vắng hơn, nơi các chốt gác ranh giới quận, huyện, các chiến sĩ công an vất vả kiểm tra nhắc nhở người dân chấp hành quy định.

Đến hôm nay, khi đến lượt Thành phố chịu đựng những nỗi đau do dịch bệnh; Khi có khăn càng lúc càng khó hơn. Cũng là lúc bắt đầu Thành phố nhận được sự quan tâm ân cần từ tỉnh thành trên cả nước: Ngày 18/6 đoàn xe từ tỉnh Đồng Tháp mang theo gạo, khoai lang và nhu yếu phẩm; cuối tháng 6, người dân Quảng Bình rủ nhau góp cá gửi vào Thành phố; Ngày 21/7 chuyến xe mang theo thực phẩm của người dân Quảng Trị góp nhau vào đến TPHCM kịp hỗ trợ đồng bào; ngày 29/7 người dân Thanh Hóa chuyển vào đợt hỗ trợ lương thực thực phẩm thứ hai....

Kể sao hết những ân tình ẩn chứa trong những chuyến hàng ấy khi về đến TPHCM, được phân phát cho bà con nghèo, đến tận tay những người dân đến từ các tỉnh còn sống nhà trọ, xóm lao động...  Người Việt Nam chúng ta là như vậy, khi hoạn nạn càng vững bản sắc: Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ, lá lành đùm lá rách, khi khó khăn nhiều hơn nữa, thì, như cách nói mộc mạc sinh động hình ảnh một quốc gia nông nghiệp: “lá rách ít đùm lấy lá rách nhiều”. Tinh thần Việt Nam là thế, yêu thương đoàn kết, “rằng qua cơn hoạn nạn, càng hiểu tận lòng nhau”.

Vì thế, thật ghê sợ khi ai đó là chủ tài khoản facebook “HN” nghĩ ra những điều xấu xa để gán ghép: “Sài Gòn ăn đồ cứu trợ từ cả nước”, “Người Sài Gòn ăn bòn đồ cứu trợ”; “ăn từng cân gạo của Bà cụ gần trăm tuổi...” !?!

Họ đâu biết rằng, trong những “quả bí, mớ rau” ấy đã thấm nghĩa đồng bào, kết tinh công người trồng, tấm lòng người hái, công sức người xếp bao đóng gói, những chuyến xe xuyên miền vận chuyển đường xa đến TP nghĩa tình...  Họ đâu biết rằng: Trong những cân gạo của “bà cụ gần trăm tuổi ấy”, đong đầy tình yêu thương trái tim bao dung ôm ấp chở che của người Mẹ Việt Nam.

Trong bom đạn kẻ thù năm xưa, người Mẹ Việt Nam đã dùng sinh mạng mình che chở những chiến sĩ cách mạng, những đứa con không cùng huyết thống bằng tình Mẹ thiêng liêng. Và ngày nay, người mẹ gần trăm tuổi vẫn sẵn lòng bê túi gạo gửi vào Thành phố đang quặn đau vì dịch bệnh. Rồi những quả bí, mớ rau của người chị, người anh, người em từ khắp miền xa gửi về ấy, để ta cảm nhận rất thật, rất sâu ba chữ “nghĩa đồng bào”; để hiểu rằng tinh thần đoàn kết từ Bắc chí Nam trước sau thủy chung như một. Thành phố Hồ Chí Minh không hề cô đơn, luôn luôn vững vàng, an toàn trong khối đại đoàn kết đại gia đình Việt Nam và Thành phố luôn trân trọng những ân nghĩa sâu nặng của nhân dân các nơi gửi về chia sẻ trong những lúc khó khăn, thử thách như hiện nay.

Mặc dù ngay sau đó, tài khoản facebook “HN” đã xóa đi bài viết xúc phạm và đăng tải lời xin lỗi vội vàng: “Tôi xin lỗi tất cả mọi người, trong một lúc không làm chủ được suy nghĩ của mình, tôi đã đã viết một status làm tổn thương đến mọi người, tôi biết tôi sai. Tôi mong mọi người hãy mở lòng tha thứ”. Nhưng nó chỉ khiến công chúng thêm thất vọng. Một lời nói có thể giết chết một con người cũng có thể cứu sống một con người!. Vì thế, cớ sao không cân nhắc, kiểm soát suy nghĩ và phát ngôn của mình thận trọng, chẳng phải tốt hơn phát biểu ra rồi khiến cho lời nói của mình trở thành một thứ vũ khí làm tổn thương người xung quanh, bị phản ứng lên án, rồi vội vàng qua quýt xin lỗi. Nên làm sao tha thứ, khi người phạm lỗi vẫn chưa biết mình sai ở chỗ nào! Cũng như sự hối hận nào, mức phạt nào để vừa với điều vô giá mà đã cố tình làm vẩn đục hôm nay?

H.H.CHƯƠNG