Ngày đăng: 28-07-2021 Lượt xem: 830
Ngày 27-7 hàng năm, là ngày để chúng ta tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những thương bệnh binh, những người có công với đất nước. Truyền thống anh hùng, tận hiến, hi sinh của tinh thần ngày Thương binh - Liệt sĩ lại bừng lên trong những ngày cả nước và Thành phố chạy đua với thời gian chống lại đại dịch COVID-19.
Ít có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, suốt mấy nghìn năm lịch sử là mấy nghìn năm chống chọi với ngoại xâm để giữ gìn bờ cõi. Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền trong bài hát “Hát mãi khúc quân hành” có câu: “Mặc dù đời ta thích hoa hồng/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Có lẽ vì vậy mà “Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu/ Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái/ Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại/ (…) Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi/ Chẳng mang một dáng hình, một ao ước một lối sống ông cha” (Nguyễn Khoa Điềm). Những mất mát, hi sinh của dân tộc trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc là vô bờ bến: Cả 4 cha con Lê Lai đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, gả gia đình Tôn Thất Thuyết đã hi sinh gần hai mươi người, mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, mẹ Nguyễn Thị Rành ở Củ Chi và hàng trăm nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên đất nước này chính là những tượng đài bất hủ, một biểu tượng sống của mất mát, hi sinh và sức chịu đựng lớn lao của con người.
Tinh thần hi sinh xả thân vì đất nước, vì dân tộc của mỗi người Việt Nam chân chính luôn chả trong huyết quản mỗi người. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2, những người lính Cụ Hồ đã rút lên Chiến khu Việt Bắc với một quyết tâm “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Nếu như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những chàng trai, cô gái năm ấy ra đi với một tinh thần “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” thì trong công cuộc chống dịch COVID-19 hôm nay, tinh thần ấy lại sáng rõ hơn bao giờ hết. Mỗi ngày qua đi, cùng với những thông tin về dịch bệnh vẫn chưa được khống chế làm mỗi người thêm lo lắng thì cùng lúc ấy, những thông tin về hi sinh thầm lặng của những người anh hùng trên tuyến đầu chống dịch lại giúp chúng ta vững tin để rồi sống có trách nhiệm hơn.
Lực lượng chức năng cùng ngành y tế xuyên đêm thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho người dân để kịp thời khoanh vùng, dập dịch (Nguồn ảnh: Bộ Y tế)
Kể từ khi đại dịch COVID-19 hoành hành dữ dội ở Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 này, không một bút mực nào có thể tả hết những hi sinh của những con người quả cảm ở thành phố thân thương. Đó là những bác sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Tất cả họ đã và đang ngày đêm lao vào những nơi nguy hiểm nhất, giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay thần chết. Những hình ảnh xúc động về sự hi sinh cao cả này đã làm chúng ta rơi nước mắt. Đó là hình ảnh những vết hằn sâu trên gương mặt, trên tay của bác sĩ Trần Thanh Linh - Trưởng Khoa hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy lộ ra khi cởi bỏ lớp đồ bảo hộ sau nhiều giờ làm việc liên tục. Đó là hình ảnh bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh kéo vali vào bệnh viện để cùng các đồng nghiệp của mình chống dịch trong điều kiện bệnh viện bị phong tỏa v.v…Đó chỉ là những tấm gương tiêu biểu cho hàng trăm nghìn những con người đang âm thầm hi sinh đóng góp trên tuyến đầu chống dịch.
Trong khi nhiều người trong chúng ta chỉ cần được yêu cầu ở yên tại chỗ để thuận lợi hơn cho công tác phòng chống dịch thì lại có những người vi phạm. Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp, tất nhiên đi kèm theo đó là những bất ổn về các mặt chính trị - xã hội là điều không tránh khỏi. Giữa nguy nan ấy, chắc chắn để có một thành phố bình yên, hàng nghìn chiến sỹ lực lượng vũ trang, những anh em chiến sĩ dân phòng, những bảo vệ khu phố đã nhiều đêm không ngủ. Trong khi có những người suốt ngày lên mạng than vãn, thở than, chửi bới và xuyên tạc về chống dịch thì ở khắp các con hẻm của Thành phố, những nhóm thiện nguyện đã vận hành cỗ máy nhân ái cộng đồng không ngừng nghỉ. Cónhững ai đó nhân danh này kia để phỉ báng chính quyền thì hàng trăm tu sĩ Phật giáo, Công giáo đã xung phong hăng hái đăng ký tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 v.v…Kể sao hết những tấm lòng cao cả ấy, bởi “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?” (Lưu Quang Vũ).
Ngày 23-7-2021, những lực lượng chống dịch của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bắt đầu chiến dịch phun khử khuẩn toàn Thành phố Hồ Chí Minh. Dịch bệnh rồi sẽ được khống chế, rồi chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường - hãy vững tin là như thế. Được sống trong một đất nước hòa bình, chúng ta ghi ơn những thế hệ ông cha đã chiến đấu, hy sinh. Để chiến thắng đại dịch, chúng ta tri ân và ghi nhớ công lao của những người trên tuyến đầu chống dịch. Rồi đây, lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi trong dòng chảy của mình sự tri ân lớn lao ấy.
Ngày 27-7 năm nay, nhắc nhớ mỗi chúng ta về điều ấy./.
Ngọc Anh (Viễn Trung)