flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Sự trơ trẽn của RFA trong việc thông tin về vụ “Tịnh thất Bồng Lai”

Ngày đăng: 11-01-2022 Lượt xem: 2966

 

Trong những ngày đầu tháng 1-2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số người sống ở nơi được gọi là “Tịnh thất Bồng Lai” để điều tra về các hành vi “loạn luân”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân”. Việc khởi tố là để điều tra, xác định chân tướng sự việc sau khi có những dấu hiệu vi phạm pháp luật chứ chưa phải là hoạt động kết tội đối với các chủ thể khác. Trong vụ việc này, có một số cá nhân bị tạm giam nhưng điều đó không thể hiện rằng họ có tội và trong các văn bản chính thức hay thông tin trên báo chí, cũng không ai trong số họ bị coi là có tội.

Ấy vậy mà Đài Á châu Tự do (RFA) đã thông tin về vụ việc một cách trơ trẽn, đánh tráo khái niệm. Trong bản tin ngày 9-1 nhan đề Đàn áp Tịnh thất Bồng Lai: Cuộc đấu tố hoành tráng chưa có tiền lệ, Đài này viết: “Ngày 4-1-2022, gần 800 tờ báo đồng loạt sản xuất 800 con cừu Dolly “Khởi tố vụ lợi dụng tôn giáo, từ thiện để trục lợi tại 'Tịnh thất Bồng Lai'”. Nội dung cũng là cáo buộc chung chung “những hành vi vi phạm, lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi”. Báo chí cách mạng Việt Nam giống như cái ống cống cứ bê nguyên đai nguyên kiện những gì từ cấp trên đưa xuống nên chẳng ai chú ý đến việc Bộ luật Hình sự Việt Nam không hề ghi tội danh “lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi”. Mà theo nguyên tắc thì: ai đó chỉ bị xem là có tội khi phạm vào một trong những điều Bộ luật Hình sự quy định. Nói chính xác là ngày 4-1 Công an và báo chí đã kết Tịnh thất Bồng Lai một cái tội không có trong luật và hành vi cũng không có thật”...

Đoạn thông tin trên đầy rẫy nhầm lẫn hoặc không có kiến thức lại mang một dụng ý rất xấu. Trước hết, hoàn toàn không có chuyện “gần 800 tờ báo đồng loạt sản xuất 800 con cừu Dolly” về vụ việc ở Tịnh thất Bồng Lai. Dù cả nước hiện nay có hơn 800 cơ quan báo chí nhưng trong đó có nhiều báo và tạp chí in, không thể và không cần thiết thông tin về vụ việc này; các bản tin có thể cơ bản giống nhau, vì vụ việc chỉ có một, nhưng cách diễn đạt “đồng loạt sản xuất 800 con cừu Dolly” là cách nói mỉa mai, giễu cợt đầy dụng ý xấu. Việc thông tin của báo chí ở Việt Nam về cơ bản là hoàn toàn độc lập nhau, tự chịu trách nhiệm, theo tôn chỉ, mục đích của mình và tôn trọng bạn đọc.

Thông tin trên báo chí đều dẫn lại hoạt động của cơ quan điều tra chứ không ai kết tội các cá nhân có liên quan như cách suy diễn hàm hồ của RFA. Họ tự diễn đạt là nội dung từ báo chí một cách sai trái rồi lu loa lên rằng báo chí đã kết tội người khác. Chẳng hạn, thay vì ghi lại thông tin từ các báo, RFA đã tự dựng thành tội danh “lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi” rồi lại bai bải nói luật không có tội danh này cũng như tự đặt chữ cho báo nói những người liên quan là có tội!

Xuyên suốt trong thời gian qua, RFA đã có khá nhiều bài viết, thông tin về vụ Tịnh thất Bồng Lai theo quan điểm bênh vực, bảo vệ nơi này và hướng người đọc đến nhận thức chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương cũng như báo chí trong nước đã “đàn áp” thông tin sai lệch về nơi này. Chẳng hạn, trong bài Tịnh thất Bồng Lai bị khởi tố và kiểm tra, đăng ngày 5-1-2022, dẫn lời lại một người được cho là Lê Thanh Minh Tú, sống tại đây, cho rằng: “Trong khi chính quyền chưa có thông tin chính xác mà báo chí lại lên trước, thì không biết có đúng không hay lại là báo chí bẩn... nói không đúng sự thật khi công an chưa đưa thông tin mà chỉ nghe phỏng đoán, làm dư luận rất hoang mang”. (Cần lưu ý rằng chỉ có hoạt động tố tụng “khởi tố vụ án” đối với một vụ việc chứ không có việc khởi tố một tố chức).

Ngày 6-1-2022, RFA có bài Người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai bị bắt giam, thực chất là một thông tin không chính xác, có ý vu khống. Ngày 5-1, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đức Hòa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 trường hợp gồm Lê Tùng Vân (90 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi) và Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) về tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân". 3 bị can Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, Trùng Dương sau đó bị bắt tạm giam. Riêng bị can Lê Tùng Vân áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm di chuyển khỏi nơi cư trú. Như vậy ông Lê Tùng Vân bị khởi tố bị can nhưng chưa bị bắt tạm giam. Cách đưa tin của RFA là có dụng ý xấu, hướng người đọc đến ấn tượng sai lầm về việc công an bắt giam một người già 90 tuổi.

Fanpage RFA ngày 7-1-2022 đã đưa thông tin Thầy ông nội bị cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ, trong đó liên hệ với trường hợp hai cá nhân bị bắt và xử lý trước đây liên quan đến tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” là Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải, cố ý dẫn dắt người đọc đi đến các hiểu là các cơ quan chức năng mượn việc xử lý Tịnh thất Bồng Lai để biến thành điều mà họ hay lu loa là “đàn áp tôn giáo” hoặc “đàn áp các cá nhân bất đồng chính kiến”… Trên thực tế, trong vụ việc của Tịnh thất Bồng Lai, đến giờ này chỉ thấy có hành vi vi phạm pháp luật mà không có yếu tố tôn giáo (chẳng qua đội lốt tôn giáo) hay chính trị.

Xâu chuỗi lại các vụ việc, ta thấy, FRA hoàn toàn không chứng minh được các vụ việc xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai là không vi phạm pháp luật (thực chất RFA cũng không quan tâm làm việc này!) nhưng lại luôn mạnh miệng bảo vệ những người ở đây với hàm ý công kích các cơ quan chức năng. Cái logic của họ là hễ ai là đối tượng bị chính quyền xử lý dù bất kỳ lý do gì cũng có thể trở thành đối tượng được quan tâm và bảo vệ của họ. Do đó, cách thông tin và lập luận của họ bất chấp, không cần lý lẽ, không quan tâm đến sự thật, gần như cố gào lên cho có bằng các cách diễn đạt lệch lạc, méo mó.

Đến thời điểm này, vụ việc vẫn còn đang được tiếp tục điều tra để làm sáng tỏ chân tướng. Tuy nhiên, qua thông tin bước đầu, nhiều người đã nhận ra sự bất thường ở đây, không chỉ liên quan đến hoạt động lừa đảo hay hoạt động tôn giáo trái phép mà còn có yếu tố sai trái về luân lý. Những thông tin được các cá nhân có liên quan tố cáo, các điều tra của một số phóng viên, của những người làm truyền thông xã hội… chứ không phải chỉ do cơ quan chức năng thực hiện. Điều đó cho thấy vụ việc khá phức tạp, kéo dài nhưng dấu hiệu vi phạm là khá rõ, ít nhiều gây bức xúc trong xã hội. Thời gian qua, dư luận nói chung khá quan tâm đến vụ việc này và mong muốn các cơ quan chức năng cần xử lý rốt ráo, chính xác, minh bạch, nghiêm minh các cá nhân có liên quan. Cho nên, cái giọng điệu đầy nước mắt cá sấu của RFA thật buồn cười và lạc lõng!

NGŨ YÊN