Ngày đăng: 05-06-2021 Lượt xem: 1084
Mỗi dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ rời cảng Sài Gòn đi tìm đường cứu nước là một dịp để chúng ta suy ngẫm về hành trang của Người khi quyết định ra đi. Bài viết nhỏ này muốn bàn rộng hơn: hành trang Bác có được khi ra đi tìm đường cứu nước là kết quả của cả những năm tháng tuổi trẻ, được gia đình nuôi dạy, ăn học, với ý chí học tập không mệt mỏi Người đã có được khối tri thức, vốn ngôn ngữ - ngôn ngữ tiếng Việt phong phú, tiếng Hán, tiếng Pháp, kiến thức sâu sắc về chính trị, xã hội, đặc biệt là lịch sử của dân tộc…
Do đó, khi ra đi tìm đường cứu nước Người không chỉ có khả năng lao động để sống, để học hỏi, mà còn có khả năng tiếp cận xã hội, tiếp cận nghề nghiệp mới, tiếp cận văn hóa mới. Mặt khác, trong quá trình tìm đường cứu nước và đưa chủ nghĩa Mác - Lê nin về với cách mạng Việt Nam, Người tiếp tục lao động, học tập, học tập không ngừng, nhờ đó nâng cao tầm tri thức sâu rộng, vốn hiểu biết đa dạng, vốn ngôn ngữ phong phú, năng lực phân tích, nghiên cứu xã hội, khả năng lựa chọn, so sánh vốn tri thức và kinh nghiệm đã có với những hiểu biết mới… tiếp cận và chắt lọc những gì tinh túy nhất của lý luận cách mạng Mác xít - Lê nin nít.
Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình, một địa phương giàu truyền thống yêu nước và hiếu học. Gia đình của Người không những nặng lòng yêu nước mà còn có một nền tảng Nho học. Sinh ra và lớn lên trong điều kiện đó, ngay từ nhỏ Người đã đắm mình trong truyền thống yêu nước của dân tộc, của quê hương và gia đình, tiếp thu được những nội dung căn bản của Nho giáo cũng như đạo làm người trong xã hội từ chính cha mẹ và anh em, dòng họ, từ những người thầy từ thuở cắp sách tới trường. Cùng với lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc của Người, chính không gian văn hóa ấy đã góp phần nuôi dưỡng nhân cách của một vĩ nhân. Mặt khác, ngay khi còn nhỏ đến khi lớn lên, Người và gia đình đã trải qua cuộc sống khó khăn trong một quãng thời gian dài từ miền Trung tới miền Nam. Đó cũng là yếu tố thực tiễn đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân mà Người đã hòa vào đó, tiếp thu nó để hình thành nên nhân cách dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam. Nền văn hóa dân tộc phong phú đó không chỉ tạo nên nhân cách một con người, mà quan trọng hơn đó chính là nền tảng để Người tiếp nhận có chọn lọc các yếu tố tinh hoa văn hóa khác, nâng tầm tri thức và khả năng tiếp cận các nền văn hóa khác nhau, mở ra cách ứng xử phù hợp với thời đại[1].
Đi tìm đường cứu nước, chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Người đến với Luận cương của Lê nin. Luận cương của Lê nin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc vấn đề cơ bản nhất về con đường giành độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào - điều mà chính Người đang tìm kiếm. Tin theo Lê nin, Người ra sức học tập, nghiên cứu về lý luận Mácxít. Hồ Chí Minh đến được, tiếp thu được đỉnh cao của lý luận Mácxít vì chính Người đã hội tụ và tiêu biểu cho trí tuệ và văn hóa Việt Nam, chính nhờ vậy mà Người có thể hiểu sâu sắc và tường tận về lý luận mácxít. Lý luận mácxít là cả một hệ thống hoàn chỉnh, biện chứng và duy vật. Nhưng nếu suy ngẫm về văn hóa Việt, tư duy Việt, cách làm Việt, tuy chưa có một lý luận hoàn chỉnh nhưng tư duy, cách nghĩ, cách làm của người Việt rất sát gần và về bản chất có nhiều điểm tương đồng với lý luận hiện đại, với chủ nghĩa Mác. Chính vì hiểu sâu sắc, thấm đẫm văn hóa Việt, tâm hồn Việt nên Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác hết sức tự nhiên, như một điều tất yếu, như một sự kiểm chứng, một sự so sánh những gì mình có, dân tộc mình có được với tinh hoa văn hóa của thời đại, của thế giới. Nói cách khác, để đến với chủ nghĩa Mác- Lê nin, Người đã chuẩn bị cho mình một khối lượng kiến thức đủ lớn, chắc chắn, tinh túy của văn hóa của dân tộc, một vốn sống và kinh nghiệm của cuộc sống của nhân dân và của chính Người. Đến với bản Luận cương của Lê nin chỉ là sự mở đầu cho một quá trình Người tiếp tục học tập, học tập không ngừng - học trong nhà trường, học trong sách vở, học trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, học trong chính cuộc sống lao động và rồi sau này học trong chính quá trình chuẩn bị và tổ chức ra chính đảng của cách mạng Việt Nam. Đó là quá trình nâng cao hiểu biết, củng cố tri thức, đúc rút kinh nghiệm của cách mạng các nước, kinh nghiệm từ những khảo nghiệm của chính mình… Nói cách khác, cả cuộc đời Người luôn học tập, mà chủ yếu là tự học, để tự chuẩn bị và làm phong phú thêm hành trang cho chính mình với tinh thần: Học để hiểu biết, học để lao động, sáng tạo, học để làm người, học để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại!
Hồ Chí Minh học lý luận, nhưng là học và chỉ học những gì tinh túy nhất, bản chất nhất, không rập khuôn, không áp dụng máy móc, hết sức sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, sáng tạo trong bổ sung, phát triển lý luận. Về điều nay, chính Người đã căn dặn chúng ta, học lý luận mácxít là học cái “tinh thần xử trí mọi công việc”, đừng biến mình thành “cái hòm dựng sách”. Chính Mác cũng từng cho rằng, lý luận của Ông được đúc rút từ phương Tây, cần được bổ sung thêm từ thực tiễn của phương Đông. Lê nin đã phát triển lý luận của Mác, bổ sung thêm nhiều vấn đề từ thực tiễn nước Nga, một phần của phương Đông, những cũng chưa thể phản ánh hết những gì mà châu Á, Đông Dương và Việt Nam đang ẩn chứa. Hồ Chí Minh tự nhận mình là học trò của Lê nin, nhưng người học trò ấy đã đưa lý luận Mác xít - Lê nin nít về Việt Nam, tổ chức ra một chính đảng cách mạng chân chính và chính Người đã cùng toàn Đảng, toàn dân Việt Nam luôn sáng tạo, bằng cả lý luận và thực tiễn phong phú của mình đã làm rạng ngời kho tàng lý luận Mácxít, đưa cách mạng Việt Nam đến toàn thắng. Với văn hóa Việt Nam, Hồ Chí Minh đến với đỉnh cao của lý luận cách mạng, và chính lý luận cách mạng ấy đã theo Người về với Việt Nam, làm sâu sắc và phong phú thêm bản lĩnh và văn hóa Việt Nam trong thời đại mới. Người học trò ấy không chỉ làm rạng danh văn hóa Việt Nam, mà còn góp phần vào việc tôn vinh những giá trị văn hóa của nhân loại.
Theo gương Người, lớp lớp người Việt Nam đã quyết chí đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Đó là cuộc đấu tranh với đế quốc, thực dân tàn bạo. Đó còn là cuộc đấu tranh với chính mình để vượt qua mọi khó khăn, kể cả những ngày đói rách để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, phát triển tài năng của mỗi con người Việt Nam. Đó cũng là quá trình lớp lớp thanh thiếu niên Việt Nam thấm đẫm lời Người, thực hiện mong ước của Người: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[2].
Cuộc sống của lớp thanh thiếu niên hôm nay đã ở một tầm cao mới, với những điều kiện mới, nhưng cũng đứng trước những khó khăn mới, thách thức mới. Để vượt qua thách thức, vượt qua khó khăn chồng chất, vẫn không có gì khác hơn là học, học nữa, học mãi! Vẫn là học trong nhà trường, học trong sách vở, học trong cuộc sống. Vẫn là xây dựng một xã hội học tập, xây dựng mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi gia đình là một lớp học, mà ở đó mỗi người ra sức tự học, học lẫn nhau với tinh thần “Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo”[3].
Theo gương Bác, học tập Bác là học tập để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng - học để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; học để nâng tầm tri thức, nâng tầm tư duy và phong cách làm việc; học để ngày càng hiểu sâu sắc hơn về dân tộc mình, nhân dân mình, văn hóa dân tộc mình và nâng cao hiểu biết về văn hóa, khoa học tiến tiến của các nước, các dân tộc trên thế giới với vốn ngoại ngữ ngày càng vững chắc hơn, để không chỉ phát triển nội lực, mà còn tranh thủ được nhiều nhất cơ hội của quá trình hội nhập quốc tế!
Học tập Bác, học tập phải thực chất, thực học để có thực tài, thực lực. Điều kiện để học tập hiện nay và mai sau đã và sẽ không ngừng được đổi mới, tốt hơn, hiện đại hơn dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến. Đó cũng chính là lúc cần biết chắt lọc kiến thức, chắt lọc thông tin với tư duy khoa học và phương pháp học tập phù hợp nhất.
Xã hội của chúng ta không bỏ ai lại phía sau, chỉ trừ những ai tự đứng lại, tự lùi lại trong cuộc sống sôi động mà thôi!
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
[1] Xem thêm: GS, TS Ngô Văn Lệ: Quê hương và gia đình - cái nôi hình thành nhân cách, in trong sách: Hồ Chí Minh tầm nhìn thời đại, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr. 49
[2] Hồ Chí Minh, Thư gửi các học sinh, Hò Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 35
[3] Hồ Chí Minh, Chống nạn thất học, Hò Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, H., 2011, tr. 41