flag header

Tin tứcThành phố tôi yêu

Suy nghĩ từ câu chuyện đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt

Ngày đăng: 19-07-2020 Lượt xem: 2998

Chiều 11-7, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, đã thông qua Nghị quyết về việc bổ sung quỹ tên đường và đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu) trên địa bàn quận Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt. (đoạn này hiện mang tên Đinh Tiên Hoàng). Trước đó, sự việc này có nhiều ý kiến trái chiều: Trong lúc nhiều người nghiêm túc suy nghĩ về việc này trên cơ sở đánh giá sự cần thiết để đặt lại tên đường Lê Văn Duyệt (vốn đoạn đường này trước đây từng mang tên đó) và các công lao, đóng góp của ông thì một số người khác lại “được nước” xách mé, công kích chính quyền thành phố, thậm chí lớn tiếng đòi “xét lại” một số vấn đề mang tính lịch sử.

Về mặt quy định, hiện nay, vấn đề đặt tên đường được áp dụng Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Điều 2 Quy chế này nêu rõ: “Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế”. Khoản 1 Điều 17 Quy chế này cũng nêu: “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ: thành lập hội đồng tư vấn về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để giúp UBND tỉnh, thành phố nghiên cứu xác lập ngân hàng tên; lên danh mục tên các đường, phố và công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên; lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn (hội khoa học lịch sử, hội văn học nghệ thuật ...), các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và các nhà khoa học. Cần công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường, phố, công trình công cộng để nhân dân tham gia góp ý kiến trước khi UBND tỉnh, thành phố trình HĐND cùng cấp tại các kỳ họp thường kỳ hàng năm. Đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng đối với đô thị loại đặc biệt phải lấy ý kiến Bộ Văn hóa - Thông tin trước khi trình HĐND xem xét ra nghị quyết”.

Như vậy, việc lấy tên một nhân vật nào để đặt tên đường không phải do một vài cá nhân lãnh đạo nào đó quyết định mà do những chuyên gia, những nhà nghiên cứu cân nhắc nhiều yếu tố để làm cơ sở khoa học và pháp lý trình cho HĐND tỉnh, thành phố đó quyết định. Ở TP.HCM, việc này càng phải thận trọng hơn, không chỉ theo quy định là phải xin ý kiến Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) mà còn vì sự tác động rộng rãi đến nhiều người, nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, việc lấy tên nhân vật nào để đặt tên đường còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, có một số nhân vật do sự phức tạp trong hành trạng của họ nên có sự nhìn nhận khác nhau ở từng thời kỳ. Điều này từng được nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Khắc Thuần, Ủy viên Thường trực Hội đồng đặt tên đường TP.HCM, khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên ngày 1-12-2019, đã nói, người được đặt tên đường phải thực sự có công lao với đất nước, dân tộc. Tuy nhiên, quan điểm người có công cần được nhìn nhận, bình xét dựa trên yếu tố lịch sử. Ví dụ, những người sống dưới thời nhà Nguyễn thì tất nhiên phải chống nhà Tây Sơn. Nhưng điều quan trọng là họ thực sự có công đối với văn hóa đất nước; chẳng hạn Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định... Miễn rằng sự cống hiến của họ khách quan, cống hiến đó xứng đáng được đề cao. Đặt tên đường cần đánh giá đúng công lao của người đi trước...

Với trường hợp Lê Văn Duyệt, sự nhìn nhận về công lao, đóng góp của ông ở từng thời kỳ có những góc nhìn khác nhau. Chính ở thời của ông, vua Minh Mạng đã có những hình thức “xử tội” ông; đến thời vua Thiệu Trị thì khôi phục một phần, thời vua Tự Đức thì mới khôi phục đầy đủ. Nhiều tài liệu lịch sử cho thấy, Lê Văn Duyệt có nhiều công lao đối với chúa Nguyễn Ánh và sau này với vua Gia Long, kể cả với vua Minh Mạng. Công lao đó chủ yếu là cúc cung tận tụy trong việc phò tá nhà Nguyễn, ra sức đánh bại triều đình Tây Sơn, đàn áp các phong trào khởi nghĩa của nông dân, kể cả cùng Nguyễn Ánh ra nước ngoài cầu viện ngoại binh. Trong việc cai trị, ông thể hiện rõ là người mạnh mẽ chống tham nhũng, tiêu cực trong giới quan lại ở vùng ông trấn nhậm (kể cả chém đầu cha vợ vua Minh Mạng), nhưng cũng bị cho là lấy công vị tư (như trong vụ án Nguyễn Văn Thành)… Cách nào đó có thể thấy, ở Lê Văn Duyệt, hậu thế có những khó khăn nhất định trong đánh giá công lao, đóng góp của ông: với triều đình thì khá rõ, nhưng với đất nước, với dân tộc thì hẳn có nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Có người nói qua việc ông được nhân dân thờ phụng đủ nói lên công lao của ông đối với nhân dân. Điều đó có thể đúng nhưng cũng có thể không. Nhiều nhân vật lịch sử có công lao dù bị triều đình phong kiến bạc đãi, thậm chí hài tội, đã được nhân dân thành kính ghi công thông qua việc thường xuyên hương khói. Dẫu vậy, việc thờ cúng của nhân dân còn nhiều ý nghĩa khác, kể cả yếu tố tín ngưỡng, chứ không phải chỉ dựa vào công lao của người được thờ (như dân ta đã từng thờ tướng giặc Sầm Nghi Đống hay tướng thời Tam quốc ở phương Bắc vốn không liên quan gì đến nước ta là Quan Vũ…), nên cũng không thể lấy đây làm căn cứ để đánh giá đóng góp của tiền nhân.

Tiếc rằng một số người mang sẵn trong lòng tâm lý thành kiến và luôn phản bác chế độ nên gần như việc gì của chính quyền cũng làm họ phản ứng một cách tiêu cực, thái quá. Trong đó, việc đặt tên đường ở chế độ Sài Gòn trước đây với chế độ hiện nay có sự khác biệt về quan điểm, về sự nhìn nhận các nhân vật…, nên không thể dễ dãi nói rằng sự thay đổi ở chế độ mới là sai lầm, là ấu trĩ… như có vài người đã lớn tiếng. Trong việc đặt tên đường, rất cần quan tâm yếu tố “góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc” như Nghị định số 91 đã nêu, trên tinh thần là phải bảo đảm ý nghĩa thực sự, không chấp nhận gượng ép, làm theo phong trào, theo số đông…

NGŨ YÊN