flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Tâm thế nào nhìn vật ra thế ấy

Ngày đăng: 05-03-2021 Lượt xem: 3096

Câu chuyện về anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu cháu bé rơi từ tầng 12 tại một chung cư ở Hà Nội gây “sốt” không chỉ trên báo chí, truyền thông trong, ngoài nước mà cả trên mạng xã hội. Lướt một vòng qua các phương tiện truyền thông không khó để nhận thấy rất nhiều các ý kiến khen ngợi, tôn vinh. Thế nhưng, cũng có nhiều trang mạng, nhiều ý kiến có những bài viết, bình luận thiếu thiện chí, thậm chí không thiếu những bài viết đầy hằn học.

Bỏ qua việc bàn các ý kiến tôn vinh, khen ngợi, nhìn ở góc độ các ý kiến, tạm gọi là “ý kiến khác” đã thấy có rất nhiều điều cần trao đổi. Rõ ràng, với một sự kiện, một vấn đề thu hút được nhiều người cùng quan tâm bàn bạc là điều cần thiết. Đó là cách để mỗi sự kiện có nhiều những góc nhìn khác nhau và là biểu hiện của một xã hội văn minh. Thế nhưng nếu các ý kiến bàn bạc mang tâm địa đen tối với những bài viết kiểu hằn học, đạp đổ thì chẳng những không làm cho cộng đồng hiểu thêm mà chỉ là tung hỏa mù và kéo lùi văn minh của xã hội. Trong câu chuyện này, sau khi cứu cháu bé, ngay sáng hôm sau anh Nguyễn Ngọc Mạnh đã có trả lời báo chí. Nếu ai theo dõi trả lời này sẽ thấy anh rất khiêm tốn, kể lại đúng sự thực, không hề thêm bớt. Anh cũng cho biết anh không đỡ được cháu bé và kể rằng sự việc diễn ra quá nhanh và anh không nhớ rõ. Thậm chí, anh còn nói rằng đừng đưa anh lên cao quá, anh không xuống được, anh muốn cuộc sống của một người bình thường. Chúng ta đứng bên ngoài, có bao nhiêu thông tin, bao nhiêu thời gian để suy nghĩ, còn trong tình huống khoảnh khắc ấy, anh Mạnh làm theo bản năng của một người thiện lương nên đâu chủ động để nhớ từng chi tiết.

Rõ ràng cách mà xã hội, cộng đồng tôn vinh anh Mạnh là tôn vinh hành động nhân văn của anh, tôn vinh hành động cứu người khẩn cấp trong nguy nan không cần tính toán chứ không phải tôn vinh cách anh đỡ được cháu bé khi rơi xuống. Có những ý kiến thiếu thiện chí, nếu không muốn nói rằng ác ý khi cho rằng không phải anh Mạnh cứu cháu bé mà là “mái tôn đã cứu cháu”. Về ý kiến này, nhà báo Hoàng Hải Vân đã rất có lý khi viết rằng: “Bởi vậy, “dùng khoa học” để phân tích một sự việc để cho biết thì không sao, còn dùng khoa học để cho cộng đồng biết sự thật nhằm “chia công” giữa anh Mạnh với mái tôn là một hành vi bất nhẫn. Sự thật là anh Mạnh đã cứu được cháu bé, sự thật là không có anh cháu bé không thể có cơ hội sống”. Nếu nói nhờ mái tôn thì sao lại không nghĩ đến tình tiết rằng với trọng lượng của anh Mạnh khi trèo lên đó đã giúp mái tôn đàn hồi nên khi cháu bé rơi xuống đã đỡ được nhiều áp lực. Nhìn các clip quay ở nhiều các góc cạnh khác nhau, không khó để nhận ra anh Mạnh đã trèo lên mái tôn rất nhanh, rất chuyên nghiệp và thể hiện tinh thần cứu người trong nguy nan rất rõ. Một câu hỏi nữa đặt ra, nếu - lại nếu - không có anh Mạnh ở đó vào giây phút ấy, chẳng may cháu bé rớt xuống mái tôn rồi rớt tiếp xuống đất thì điều gì sẽ xảy ra?...

Viết đến đây tôi chợt nhớ tới một câu chuyện xưa. Chuyện rằng, thi nhân nổi tiếng thời Bắc Tống là Tô Đông Pha có một người bạn chí thân là thiền sư Phật Ấn. Hai người họ thường đàm đạo đùa cợt cùng nhau. Một lần, Tô Đông Pha hỏi Phật Ấn: “Ngài nhìn tôi, thấy tôi thế nào?”. Phật Ấn trả lời: “Tôi thấy ngài giống như một vị Bồ tát!”. Phật Ấn hỏi ngược lại Tô Đông Pha: “Vậy ngài nhìn tôi, thấy tôi thế nào?”. Tô Đông Pha trả lời: “Tôi nhìn ngài thấy giống bãi phân trâu!”. Nghe vậy, Phật Ấn cười phá lên. Ngạc nhiên, Tô Đông Pha hỏi rằng: “Ngài nói tôi là Bồ tát, tôi cười là đúng vậy! Tại sao tôi nói ngài là đống phân trâu ngài lại cười?”. Phật Ấn thủng thẳng đáp rằng: “Phàm tâm như thế nào thì nhìn vật ra thế ấy!”.

                                                                                Trung Kiên