flag header

Tin tứcĐiểm nóng

“Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” chớ xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Ngày đăng: 25-12-2019 Lượt xem: 6438

Ngày 25/12/2019, một tổ chức tự xưng là  “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất” (GHPGVNTN) đã ra một tuyên bố “Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất bản lên tiếng về pháp lý Tịnh Thất Bồng Lai”.

Trong bản tuyên bố này, cái gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã nhân cơ hội nói về Tịnh Thất Bồng Lai để xuyên tạc bản chất của quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam. Họ cho rằng: “Việt Nam chưa có nhân quyền và tự do tôn giáo nên thường xảy ra những vi phạm, tranh chấp về nhân sự và cơ sở tôn giáo” rồi “Nhà cầm quyền Việt nam không tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo, là những quyền được ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân sự và Chính Trị mà Việt nam đã ký kết tham gia” và nhân câu chuyện này để đưa ra những tuyên bố rất xấc xược “Tăng Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cực lực phản đối hành vi xâm nhập tịnh thất Bồng Lai, bắt và cưỡng chế người bất hợp pháp và trái với nguyện vọng của họ, làm tổn hại đến tài sản của tịnh thất và làm mất sự tôn nghiêm của nơi tu hành”. Những luận điệu này của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang lan truyền rất nhanh trên không gian mạng, tạo ra nhiều luồn ý kiến trái chiều, nhiều thế lực xấu đang lái câu chuyện này để chĩa mũi dùi và các chủ trương, chính sách của Nhà nước về tự do tôn giáo.

Vậy chúng ta cần phải hiểu về bản chất của câu chuyện “Tịnh Thất Bồng Lai” thế nào? 'Tịnh thất Bồng Lai' là cái tên được nhiều người biết đến sau khi 2 thanh niên được gọi là 'tu sĩ' thi hát bolero và 5 chú tiểu nhỏ đoạt giải quán quân cuộc thi 'Thách thức danh hài'.  Ngôi “tịnh thất” này tọa lạc tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, Huyện Đức Hòa (Long An),  hiện nay đang dậy sóng với nhiều thông tin trái chiều về vụ gây rối, mất tài sản, xô xát giữa nhóm người tìm con và những người đang sống tại ngôi nhà được gọi là 'tịnh thất Bồng Lai'. Sau đó những người sống tại đây tố Cơ quan Công An giam bắt cóc Diễm My (người từng tu hành tại Tịnh Thất Bồng Lai).

Để làm rõ về vụ việc, ngày 19/12, hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương giáo hội đã thay mặt Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký công văn số 501/CV-HĐTS gửi đến Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Long An đề nghị trả lời vụ việc gây dư luận trên địa bàn tỉnh Long An. Thượng tọa Thích Quảng Tâm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban trị sự ký ngày 20-12-2019 gửi đến Hội đồng trị sự, khẳng định: “Tư thất Bồng Lai tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Long An quản lý. Các vị đang sống và sinh hoạt tại tư thất Bồng Lai không phải là tu sĩ Phật giáo. Do đó, không liên quan đến sự quán lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Long An”. Công văn của Ban trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam  tỉnh Long An cũng nêu, sự việc tại ‘tư thất Bồng Lai’ nêu trên mang tính chất lợi dụng hình ảnh tu sĩ Phật giáo để lừa gạt lòng tin của tín đồ Phật giáo để trục lợi.

Như vậy, rõ ràng cái gọi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang lợi dụng câu chuyện “Tịnh thất Bồng Lai” nhằm giương ngọn cờ  lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Họ triệt để lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm một trong những mũi tiến công để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta

Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn có chính sách về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp để tập hợp, phát huy vai trò của đồng bào có đạo trong xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, việc Nhà nước ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định: Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, hoàn thiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể hóa chủ trương nhất quán về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật này không chỉ quy định chung như Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, mà còn quy định chi tiết, rõ hơn tại Điều 6: Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo… Như vậy, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; là minh chứng để chống mọi luận điệu của các thế lực xấu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Chưa bao giờ đời sống tôn giáo ở nước ta lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Các tôn giáo chung sống gắn bó, hòa hợp, “tốt đời, đẹp đạo”, phúc âm trong lòng dân tộc. Các tín đồ, chức sắc tôn giáo yên tâm, tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Việc tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không được Nhà nước ta thừa nhận, lại ra bản tuyên bố ngược ngạo, xuyên tạc bản chất của việc tự do tôn giáo tại Việt Nam chỉ là một hành động chống lại xu thế tất yếu của lịch sử. Hãy coi chừng, chống lại xu thế tất yếu của lịch sử, các vị sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát!.

Minh Nghi