flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

THÁI ĐỘ TÍCH CỰC CỦA VIỆT NAM TRONG CUỘC CHIẾN BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

Ngày đăng: 19-03-2019 Lượt xem: 4569

Những ngày này 40 năm trước Trung Quốc rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam, kết thúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Cờ đỏ TP.HCM đăng tải bài viết nhân dịp này để khẳng định cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân và dân ta. 

Khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các đoàn thể chính trị - xã hội của nước ta đã có nhiều tuyên bố, hành động thể hiện rõ thái độ hòa bình. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc lúc đó đã phớt lờ mọi biểu hiện của nước ta và đã thực hiện một cuộc chiến tranh mang nhiều hơn ý nghĩa xâm lược, thể hiện sự thù hằn với một quốc gia, một dân tộc “núi liền núi, sông liền sông”…

Vũ khí của địch bị bộ đội Việt Nam thu được tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, tháng 2/1979. (Ảnh: Quang Khanh/TTXVN)

Ngày 17/2/1979, quân đội Trung Quốc bắt đầu xâm lược Việt Nam, Chính phủ nước ta đã có Tuyên bố về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc. Tuyên bố thể hiện rõ tinh thần thiện chí, hòa bình: “Vì hòa bình và tình hữu nghị lâu đời, nhân dân Việt Nam kêu gọi nhân dân và binh sĩ Trung Quốc kiên quyết phản đối cuộc chiến tranh xâm lược do những người cầm quyền Bắc Kinh gây ra. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam kêu gọi LHQ và các tổ chức dân chủ, vì hòa bình và công lý, cực lực lên án cuộc chiến tranh xâm lược của những người cầm quyền Bắc Kinh”. Tuyên bố cũng khẳng định lập trường độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam trước sau như một: “Nhân dân Việt Nam là một dân tộc kiên cường, anh dũng, bất khuất, đã từng đánh thắng mọi kẻ xâm lược, tin tưởng sắt đá rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lại được anh em bè bạn khắp năm châu đồng tình và ủng hội mạnh mẽ nhất định sẽ đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của những người cầm quyền Trung Quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và trên thế giới”. Cùng thời điểm này, các cơ quan ngoại giao, các sứ quán nước ta ở nhiều nước trên thế giới đã tổ chức họp báo lên án cuộc xâm lược của Trung Quốc, khẳng định lập trường hòa bình của Việt Nam nhưng đồng thời cũng tỏ rõ ý chí quyết tâm đánh bại cuộc xâm lược của Trung Quốc.

Cũng trong ngày 17/2/1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội bác bỏ hoàn toàn các nội dung trong công hàm của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngày 16/2/1979. Công hàm của Bộ Ngoại giao nước nêu rõ: “Sự thật là nhà cầm quyền Trung Quốc đã hàng chục lần huy động lực lượng vũ trang liên tiếp lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, tiến công lực lượng biên phòng Việt Nam, giết hại nhân dân vùng biên giới của Việt Nam, nhưng lại xảo quyệt đổi trắng thay đen, vu cáo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm che đậy những hành động tội ác của họ. (…) Nhà cầm quyền Trung Quốc còn cho lực lượng tập kích, bắn phá các điểm dân cư trên biên giới, giết hại và bắt cóc nhiều dân thường, phá hủy nhiều nhà cửa và tài sản, cản trở công việc lao động sản xuất và đời sống của nhân dân vùng biên giới của Việt Nam…”.

Ngày 18/2/1979, MTTQ Việt Nam đã thông qua Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Trong lịch sử dân tộc ta, mỗi khi có họa ngoại xâm thì toàn thể dân tộc lại càng đoàn kết chặt chẽ, đánh thắng bọn xâm lược, bất kỳ chúng to lớn và hung hãn đến đâu. Ngày nay, dân tộc Việt Nam 50 triệu người lại càng đoàn kết một lòng, thấm nhuần lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, được bè bạn khắp năm châu đồng tình và ủng hộ, nhất định sẽ đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của bọn phản động Trung Quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á và thế giới”.

Trên tinh thần tôn trọng hòa bình của Việt Nam, Trung Quốc và khu vực, phía Việt Nam luôn có thể hiện thiện chí trong việc giải quyết cuộc xung đột bằng các biện pháp ôn hòa, nhưng không vì thế mà Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội của nước ta không mạnh mẽ lên án các hành vi tàn bạo của phía Trung Quốc. Ngày 20/2/1979, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam đã thông qua bản Tuyên bố kịch liệt lên án hành động tội ác dã man của những người cầm quyền Trung Quốc gây chiến tranh xâm lược nước ta. Hội nghị kêu gọi công nhân, viên chức các tỉnh biên giới phía Bắc sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết cùng đồng bào cả nước đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của bọn phản động Trung Quốc.

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)

Ngày 21/2/1979, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã bác bỏ luận điệu bịp bợm của giới cầm quyền Trung Quốc về cái gọi là “chiến tranh hạn chế”, “quyền phản kích để tự vệ”, để “trừng phạt Việt Nam xâm lược Trung Quốc”… Thứ trưởng vạch rõ đây là một cuộc chiến tranh xâm lược của bọn cầm quyền Bắc Kinh với lực lượng 5 quân đoàn đã được huy động nằm trong ý đồ của chúng nhằm nô dịch Việt Nam và làm bá chủ Đông Nam Á…

Song song với đấu tranh quân sự, cuộc đấu tranh ngoại giao cũng rất quyết liệt. Ngày 2/3/1979, Bộ Ngoại giao nước ta đã gửi công hàm đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong đó khẳng định: “Những người cầm quyền Trung Quốc đã gây chiến tranh xâm lược Việt Nam thì họ phải vĩnh viễn chấm dứt xâm lược; phải rút ngay, rút hết, rút không điều kiện quân đội của họ về phía bên kia đường biên giới lịch sử đã được hai bên thỏa thuận tôn trọng; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Như vậy thì phía Việt Nam sẵn sàng cùng phía Trung Quốc đàm phán để khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc và lòng mong muốn của nhân dân thế giới”…

Trước nguy cơ cuộc chiến ngày càng leo thang do cuồng vọng của phía Trung Quốc, ngày 5/3, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã ký quyết định “Tổng động viên trong cả nước. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ”, đồng thời “huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để bảo đảm nhu cầu của cuộc kháng chiến cứu nước”. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh “Tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”. Các quyết định này khẳng định quyết tâm đánh bại quân xâm lược của Đảng và Nhà nước ta.

Trước đó, ngày 4/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra lời kêu gọi đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước, trong đó nêu rõ: “Vì hòa bình và tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi những người cộng sản chân chính và nhân dân Trung Quốc kịch liệt phản đối, ngăn chặn kịp thời chính sách phản động và cuộc chiến tranh phi nghĩa của giới cầm quyền phản động Trung Quốc”. Lời kêu gọi cũng thể hiện một ý chí đanh thép: “Bọn phản động Trung Quốc xâm lược càng mở rộng và kéo dài chiến tranh thì quân và dân cả nước ta càng đánh càng mạnh và nhất định sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn”…

Dù được che đậy dưới nhiều tên gọi khác nhau, nhưng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc trước sau vẫn là một cuộc chiến phi nghĩa, phản động và hết sức sai lầm. Sau hơn nửa tháng bị quân và dân Việt Nam giáng cho những đòn chí mạng, ngày 5/3/1979, phía Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân về nước. Ngày 6/3/1979, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có tuyên bố về động thái của Trung Quốc. Sau khi khẳng định tính chính nghĩa của phía Việt Nam và quyết tâm đánh trả quân xâm lược, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Nếu Trung Quốc thật sự rút toàn bộ quân của họ khỏi lãnh thổ Việt Nam như họ đã tuyên bố, thì sau khi quân Trung Quốc rút hết về bên kia đường biên giới lịch sử đã được hai bên thỏa thuận tôn trọng, phía Việt Nam sẵn sàng đàm phán ngay với phía Trung Quốc ở cấp thứ trưởng Bộ Ngoại giao về việc khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước”.

Và từ ngày 5 đến 18/3/1979, quân đội Trung Quốc lần lượt rút về bên kia biên giới. “Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh” như khi xưa quân Lê Lợi cho quân Minh rút về nước, với tinh thần hòa hiếu, chúng ta đã để quân đội Trung Quốc lần lượt rút quân, dù trên đường đi chúng vẫn tiếp tục giết chóc đồng bào ta, cướp phá của cải của dân ta. Ngày 6/3/1979, Ban Bí thư Đảng ta ra Chỉ thị số 69-CT/TW, nhận định về tình hình và đưa ra chủ trương trong điều kiện Trung Quốc rút quân. Chỉ thị khẳng định: "Trong khi chấp nhận cho địch rút quân, chúng ta luôn luôn phải nâng cao cảnh giác, tăng cường quốc phòng, sẵn sàng giáng trả địch đích đáng, nếu chúng lật lọng, trở lại xâm lược nước ta lần nữa (...) Không được một chút mơ hồ nào đối với âm mưu cơ bản của bọn phản động Trung Quốc là thôn tính nước ta, khuất phục nhân dân ta (...) luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đập tan bọn xâm lược (...) cần giương cao chính nghĩa của ta, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc và bảo vệ hòa bình, xúc tiến việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ, bảo vệ Việt Nam". Ngày 7/3, Việt Nam tuyên bố rằng để thể hiện “thiện chí hòa bình” và cho phép Trung Quốc rút quân. Bộ Quốc phòng cũng quyết định cho dừng chiến dịch phản công. Cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược về cơ bản đã chấm dứt nhưng các cuộc xâm phạm biên giới Việt Nam trong khoảng 10 năm sau đó vẫn còn dai dẳng và âm ỉ…

TRÚC GIANG