Ngày đăng: 08-01-2020 Lượt xem: 3599
Thế giới vừa xảy ra một sự kiện chấn động. Mỹ đã dùng máy bay không người lái tấn công và giết hại một chỉ huy quân đội cấp cao của Iran tại Iraq. Đây gần như một vụ việc chưa có tiền lệ: Một quốc gia nhân danh chống khủng bố lại có hành vi không khác gì một hoạt động khủng bố để ám sát lãnh đạo quân đội của một quốc gia có chủ quyền ở một quốc gia có chủ quyền khác.
Hành vi này bộc lộ 3 điều khó có thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế:
Thứ nhất, tạo ra lập lờ về một hoạt động vốn được cộng đồng thế giới ủng hộ là “chống khủng bố”; tức là một hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyện vọng của nhân dân tiến bộ đã trở thành chiêu bài của ai đó khi muốn chống lại người khác nếu không thuận theo họ.
Thứ hai, giết hại lãnh đạo, một nhân vật lãnh đạo của một đất nước có chủ quyền, là thành viên LHQ và bản thân nước đó, cá nhân đó chưa từng được điều tra hay cáo buộc của tổ chức quốc tế về cái gọi là “hoạt động khủng bố”.
Thứ ba, bất cứ hành động quân sự nào của một nước trên lãnh thổ một nước khác mà không có sự đồng ý của nước đó là trái với pháp luật quốc tế và sự văn minh của nhân loại; không chỉ vậy, hành động đó có thể châm ngòi cho sự xung đột, mâu thuẫn giữa các quốc gia này cũng như các bên có liên quan khác.
Sự kiện đó thực sự đã gây sửng sốt với cộng đồng quốc tế. Dù chưa có nhiều quốc gia đưa ra lời phản đối nhưng rõ ràng đây là điều rất khó được chấp nhận, đặc biệt là với nhân dân các nước tiến bộ và yêu hòa bình.
Dù sự kiện đó bước đầu còn “tranh tối tranh sáng” và cần thời gian để xác định rõ bản chất nhưng ở Việt Nam, một quốc gia xa xôi và không có liên quan gì với các bên cũng như luôn mong muốn hòa bình ở khu vực và thế giới, lại có những tiếng nói lạc lõng ủng hộ hành động bạo lực của phía Mỹ. Họ cho rằng Mỹ hẳnn có lý do chính đáng để hành động đó, hàm ý nhất quán về nhận thức bất cứ thứ gì của Mỹ cũng là tốt, là hay. Họ ca ngợi chính quyền Mỹ có hành động bất ngờ, sáng suốt nhằm ngăn chặn các hành động chiến tranh mà phớt lờ bản chất của hành động đó là gây chiến và rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về các vụ xung đột, trả thù sẽ diễn ra trong thời gian tới. Họ lại lớn tiếng cảnh báo một số quốc gia khác đang đối đầu với Mỹ như Triều Tiên, Venezuela, Cuba... có thể sẽ là tầm ngắm tiếp theo của Mỹ nếu như tiếp tục ra một thách thức Mỹ, lẽ dĩ nhiên, họ cũng không quên ca ngợi các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ có thể giết chết bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu...
Hẳn chúng ta không lạ gì thái độ sùng bái Mỹ, đồng thời mang tư tưởng vọng ngoại không cần che đậy của một số người. Với họ, "shit" của Mỹ cũng thơm và ngon! ( chúng tôi xin lỗi không thể viết ra đúng từ tiếng Việt của từ tiếng Anh này, bởi nó chẳng lấy gì làm thơm tho, sạch sẽ). Về thái độ đó, bất cứ việc gì của Mỹ làm cũng được họ bốc đến tận mây xanh. Đó là cách họ ca ngợi Mỹ đã tấn công Taliban ở Afghanistan sau vụ 11-9-2001 dẫn tới Mỹ sa lầy ở quốc gia này. Đây là vụ Mỹ ngụy tạo chứng cứ để lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq để rồi đất nước này tan đàn xẻ nghé, chìm ngập trong bạo lực suốt 17 năm qua, đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có lúc lên ngôi. Tuy là vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden dẫn tới hàng loạt cuộc đánh bom khủng bố nhằm vào Mỹ và nhiều nước phương Tây trong thời gian qua.
Ta thấy rõ, bạo lực không bao giờ là giải pháp để chấm dứt bạo lực, huống hồ gì là các hành động bạo lực mang tính áp đặt, “cả vú lấp miệng em”, sen đầm quốc tế. Do đó, thay vì lên án bạo lực, những kẻ ủng hộ hành động của Mỹ chẳng khác nào hoan nghênh bạo lực. Phải chăng, họ sẽ thấy vui mừng khi Mỹ đi gieo rắc chiến tranh, xung đột ở các nước khác dưới các mỹ từ như “ủng hộ dân chủ”, “chống độc tài”? Phải chăng, thế giới có thêm các vụ bạo lực nhân danh bất cứ lý do gì làm nhiều thường dân vô tội bị giết hại, thế họ mới thấy thỏa mãn?
Có nhà nghiên cứu đã dùng cụm từ “căn tính nô lệ” để nói về những kẻ luôn bào chữa cho các thế lực thực dân, đế quốc trong hành trình đàn áp, áp bức các quốc gia yếu hơn. Hình như ở Việt Nam ta hiện nay, những kẻ có “căn tính nô lệ” ấy có rất nhiều! Xấu hổ thay! Đau lòng thay!
Ngũ Yên