flag header

Tin tứcTin tức

Thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 rất cần ý thức người dân

Ngày đăng: 13-10-2021 Lượt xem: 2441

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa thay mặt Chính phủ ký Nghị quyết 128 ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 này, cùng với rất nhiều các giải pháp đồng bộ, ý thức phòng chống dịch của mỗi người sẽ là chìa khoá để phòng chống dịch hiệu quả.

 

Chúng ta đã nghe rất nhiều về trách nhiệm công dân, song có lẽ trong bối cảnh mới này thì ý thức, trách nhiệm công dân càng quan trọng. Thực tiễn mấy tháng căng mình chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã chứng minh rằng ý thức và hành động của mỗi người dân trước đại dịch góp phần quan trọng trong khống chế dịch bệnh.

 

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình công bố chỉ thị mới của TP

Trước đó, trong buổi họp báo ngày 30-9 để thông tin về những nội dung mới trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định rằng không phải sau 30-9, Thành phố sẽ mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động, mà mở cửa từng bước và có lộ trình. Thế nhưng, chỉ ít ngày sau lộ trình mở cửa từng bước đã có những quán coffee ở TP. Thủ Đức vô tư bán cho người tại chỗ. Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, việc quyết định mở cửa có lộ trình của TP. Hồ Chí Minh trước đó và việc ban hành “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” mà Chính phủ vừa ban hành là phù hợp. Virus đã biến đổi nhanh thành nhiều biến chủng phức tạp khác nhau, và việc chống dịch như thời kỳ đầu của dịch bệnh đã được nhiều chuyên gia chỉ ra là không còn phù hợp. Bởi vậy, Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng đã nêu rõ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, với việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

Chắc chắn việc ban hành quy định về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ và quyết định mở cửa có lộ trình trước đó của TP. Hồ Chí Minh đã được tính toán, cân nhắc kỹ càng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca nhiễm vẫn không phải là ít. Chẳng hạn ngày 12-10 được xem là ngày có số ca nhiễm mới thấp nhất kể từ đầu tháng 8 nhưng cả nước vẫn có tới 2.949 ca nhiễm và riêng TP. Hồ Chí Minh là 1.018 ca (số liệu công bố tối 12-10 của Bộ y tế). Rõ ràng, với số người nhiễm vẫn cao như vậy không thể không gây lo lắng cho mỗi người và xã hội…

Đọc trên các phương tiện truyền thông chúng ta thấy ở nhiều nước trên thế giớ, dù tỉ lệ tiêm chủng cao và đã từng thành công trong chống đại dịch Covid-19 hai năm qua như Singapore, Australia, Israel v.v…sau khi nới lỏng hạn chế đã ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt. Chẳng hạn, Singapore đã có hơn 80% dân số được tiêm vaccine phòng Covid-19, song chỉ qua thời gian ngắn nới lỏng giãn cách ngày 28-9 con số người mắc đã lên đến 2.236 người - cao nhất trước đến giờ - nên lại phải siết. Cũng vậy, Israel hiện đã có tới 28% người dân đã được tiêm vaccine mũi 3 song gần đây mỗi ngày nước này cũng ghi nhận khoảng 10 nghìn ca nhiễm v.v…

NÓNG: TP HCM chính thức ban hành Chỉ thị nới lỏng, mở cửa từ sau ngày 30-9 - Ảnh 2.

Đường phố TP HCM những ngày thực hiện giãn cách xã hội Ảnh: Hoàng Triều

Dù số người được tiêm vaccine trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã khá cao, thế nhưng các chuyên gia y tế đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng không một loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%. Ngoài ra, hiện chúng ta mới đang bắt đầu khởi động để tiến tới tiêm vaccine cho trẻ, điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ vẫn còn rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cũng vậy, dù các tỉnh, thành Đông Nam Bộ đã có tỉ lệ phủ vaccine khá cao, song các tỉnh thành khác trên cả nước, con số này vẫn còn khiêm tốn và cần thêm thời gian.

Vì vậy, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh thì trách nhiệm của mỗi người dân càng phải được thể hiện rõ hơn lúc nào hết. Ý thức phòng chống dịch phải thường trực trong mỗi người. Trong bối cảnh mới của công cuộc phòng chống dịch bệnh, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình với người dân và cộng đồng. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải là những người tiên phong, gương mẫu không chỉ bản thân mà còn phải tích cực vận động người thân, cộng đồng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Cùng với đó, cần lên án và đấu tranh với những biểu hiện coi thường, vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cửa hàng, cửa hiệu, các công sở v.v…cần luôn thực hiện các biện pháp phòng dịch như 5K, sát khuẩn, giãn cách v.v...Các đoàn thể, chính quyền địa phương, nhất là ấp, khu phố, xã, phường cần tích cực tuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, gạt bỏ các suy nghĩ và hành động lơ là, chủ quan…

Mấy tháng căng mình chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh cũng là ngần ấy thời gian các lực lượng tuyến đầu đã vất vả, hi sinh rất nhiều để nỗ lực cứu người và khống chế dịch bệnh. Dịch bệnh đã gây ra tác hại rất lớn và hầu như tất cả mọi người dân Thành phố đều phải gánh chịu, song có lẽ các lực lượng tuyến đầu là những người chịu nhiều thiệt thòi, vất vả nhất. Khi dịch bệnh được khống chế ở Thành phố, chúng ta đã lưu luyến tiễn đưa họ trở về đoàn tụ với gia đình và thực hiện công việc của họ…

Để có được quyết định thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là công sức của rất nhiều người. Vậy nên, đừng vì sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận nào đó mà làm ảnh hưởng đến thành quả chống dịch vừa qua. Ý thức cao và trách nhiệm trong phòng chống dịch của chính mỗi người dân sẽ là “chìa khoá” để giữ vững những thành quả đã đạt được./.

                                                                                          Viễn Trung