flag header

Tin tứcNhàn Đàm

Thủ đoạn “vơ đũa cả nắm” của RFA

Ngày đăng: 22-11-2021 Lượt xem: 779

Mới đây, Đài Á châu Tự do (RFA) có bài viết Thói đạo đức giả của quan chức có nguyên nhân thể chế và trích đăng một phần trên Fanpage của Đài này. Bài viết “lý giải” về cái mà họ gọi là “thói đạo đức giả” và hiện tượng suy thoái, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Về hình thức, thoạt đầu, người đọc dễ nhận thấy sự “hợp lý” khi bài viết cho rằng “thói đạo đức giả của quan chức có hai nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết, cá nhân các quan chức không “tự giác” tu dưỡng, rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng, theo lời răn hay tấm gương của lãnh tụ, nên đã dần suy thoái đạo đức, lối sống”. Tuy nhiên, đó chỉ là một dẫn dắt để đưa đến một kết luận khác, đây mới thực sự là dụng ý của bài viết. Bởi, theo tác giả, “nguyên nhân sâu xa là do thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực cần thiết như đối trọng chính trị, cơ chế công khai minh bạch, giải trình trách nhiệm trước nhân dân”. Đồng thời, tác giả đã nhận định một cách sai lệch về bản chất của chế độ và thực tiễn những gì đang xảy ra ở nước ta, khi cho rằng “chế độ toàn trị đã tách biệt hệ thống chính trị, trong đó chế độ đặc quyền đặc lợi riêng, công tác cán bộ là khép kín, nội bộ, xa rời cuộc sống thực đang chịu sự tác động bởi thị trường, đòi hỏi sự phân quyền và các giá trị dân chủ”. Từ đó, bài viết đã “vơ đũa cả nắm” để quy một trường hợp cụ thể thành một vấn đề mang tính phổ biến, “chụp” một hiện tượng cá biệt thành bản chất với ý đồ sai trái.

Trước hết phải nói rằng, “thói đạo đức giả” hay các hiện tượng suy thoái, tiêu cực hiện nay trong Đảng nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung ở Việt Nam là có thật. Điều này không phải bây giờ mới có mà từ thời kỳ đầu giành chính quyền đã tồn tại và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ, đấu tranh không khoan nhượng. Trước giờ, Đảng ta vẫn luôn thừa nhận hiện tượng đó và tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp khắc phục, trong đó có việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, càng về sau càng được đẩy mạnh hơn với nhiều giải pháp quyết liệt hơn. Nhưng liệu có phải chỉ ở Việt Nam mới có vấn đề đó? Thực tế thì ở bất kỳ xã hội nào, thể chế nào, những vấn đề tiêu cực, suy thoái vẫn diễn ra, với rất nhiều trạng thái và không ngừng biến tướng.

Hồi tháng 10-2021, Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Áo Sebastian Kurz phải tuyên bố từ chức sau khi các công tố viên nước này mở cuộc điều tra hình sự chống lại ông liên quan đến hành vi tham nhũng trong giai đoạn 2016 đến 2018. Trước đó, vào tháng 7, cựu Phó Thủ tướng, đồng thời là lãnh đạo Đảng Tự do (FPO) cực hữu của Áo Heinz-Christian Strache bị đưa ra xét xử với cáo buộc tham nhũng, sau khi đã buộc phải từ chức Phó Thủ tướng từ năm 2019.

Tháng 7-2021, cựu Bộ trưởng Syed Saddiq Syed Abdul Rahman, thành viên nội các trẻ nhất trong lịch sử Malaysia, đã bị buộc tội tham nhũng vì biển thủ một triệu RM (khoảng 236.000 USD) từ Đảng Đoàn kết bản địa Malaysia (Bersatu) của Thủ tướng Muhyiddin Yassin. Hành vi phạm tội được cho là diễn ra khi ông đang giữ chức Chủ nhiệm Hội Thanh niên của Đảng Bersatu. Trước đó 1 năm, Tòa án thượng thẩm ở Kuala Lumpur đã tuyên phạt cựu Thủ tướng Najib Razak 12 năm tù giam và phải nộp phạt 210 triệu ringgit (tương đương 49,4 triệu USD) vì tội lạm dụng chức vụ liên quan đến Quỹ Đầu tư nhà nước Malaysia (1MDB).

Từ năm 2017, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần bị cáo buộc có hành vi tham nhũng, sử dụng quyền lực bất hợp và lần nào ông cũng cho rằng mình bị công kích bởi các âm mưu chính trị của các đối thủ.

Năm 2013, chính khách kỳ cựu F. Steinmeier, cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, khi đó là thủ lĩnh phe đối lập tại Quốc hội Đức vừa được bầu, đã bị tố cáo là đạo văn. Theo đó, trong luận án tiến sĩ  khoa học chính trị dày 452 trang, do ông Steinmeier bảo vệ tại Trường Đại học Giessen năm 1991, có gần 500 chỗ trích dẫn từ hơn 100 tác giả khác mà người viết không ghi rõ nguồn cụ thể theo quy định…

Điểm qua một số vụ việc để thấy, hiện tượng tiêu cực, đặc biệt là tham nhũng, trong hệ thống chính trị ở nước nào cũng có. Ở một số quốc gia có thể chế ổn định nhiều năm, pháp luật được quy định khá chặt chẽ nhưng cũng không thể ngăn chặn được mọi hành vi vi phạm pháp luật của giới cầm quyền chóp bu. Như vậy, những hiện tượng tiêu cực hoặc “thói đạo đức giả” ở Việt Nam cũng là điều bình thường và không phản ánh được nguyên nhân của việc đó là từ thể chế bởi dù ở thể chế nào cũng có thể xuất hiện những điều đó.

Cụ thể hơn, “thói đạo đức giả” cũng không phải là cá biệt ở nhiều lãnh đạo của một số nước. Chẳng hạn, ở Mỹ, dù luôn có những tuyên bố về dân chủ, tự do… nhưng chính lãnh đạo nước này lại đi áp đặt những việc làm mất dân chủ, tước đoạt tự do ở các nước khác. Một loạt tổng thống Mỹ đã lừa dối cử tri nước này khi rêu rao những điều sai trái nhằm có cớ can thiệp và xâm lược Việt Nam suốt hơn 20 năm. Đến khi luận điệu giả trá đó không thể che đậy được cử tri thì chính quyền mới chịu tuyên bố rút quân, thậm chí chỉ thực sự rút quân khi đã thất bại thảm hại về mặt quân sự, dù đã liên tục rải bom vào các căn cứ dân sự ở miền Bắc Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.

Sự giả dối của nhà cầm quyền Mỹ còn lặp lại nhiều lần, ở nhiều nơi, mà hậu quả là gây nên những thảm cảnh cho nhân dân ở nhiều nước, nhất là ở Afghanistan từ năm 2001, Iraq từ năm 2003, Libya từ năm 2011, Syria từ năm 2011… Chính quyền Mỹ không hài lòng với vị lãnh đạo nước nào đó hoặc thấy có ảnh hưởng đến quyền lợi của nước Mỹ thì vu cho họ bao nhiêu là thứ tội để xâm lược hoặc kích động dân chúng và các thế lực chống đối nổi dậy lật đổ chính phủ. Đó mới thực sự là những kẻ đạo đức giả và sự giả trá đó khiến một số nước bị kéo lùi lịch sử.

Cho nên, những điều mà RFA cho là “đạo đức giả” của quan chức Việt Nam thực ra tuy đáng chê trách nhưng cũng có thể không là gì so với các biểu hiện tương tự của một số lãnh đạo quốc gia khác.

Bài viết có nhắc đến “chiến dịch ‘đốt lò’” của Đảng ta đang thực hiện, nhưng cũng cố “gỡ gạc” bằng cách cho là “chỉ là giải pháp cho ‘phần nổi của tảng băng trôi’”. Thực ra, công tác phòng chống tham nhũng chỉ là một trong rất nhiều hoạt động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta ra sức thực hiện trong thời gian qua, nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đến nay. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng đã có 87.210 đảng viên bị thi hành kỷ luật (tăng 18% so với nhiệm kỳ XI, khoảng 71.500 trường hợp). Trong đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý (tăng hơn 10 lần so với nhiệm kỳ trước); trong số này, 27 là Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang… Con số đó không khẳng định mức độ vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước tăng lên mà chủ yếu xuất phát từ việc siết chặt kỷ cương, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm, qua đó phát hiện nhiều trường hợp vi phạm hơn. Đi cùng với quyết tâm chính trị rất cao là hàng loạt nghị quyết, quy định, chỉ thị của Đảng về vấn đề kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật, nêu gương, những điều đảng viên không được làm…

Việc vi phạm kỷ luật (kể cả “thói đạo đức giả”), tiêu cực, tham nhũng… như bài viết của RFA nêu có thể chỉ đúng về mặt hình thức; nhưng các lý giải về nguyên nhân và đánh giá tính chất của hiện tượng đó thực tế hoàn toàn sai lệch, thể hiện sự “vơ đũa cả nắm” với dụng ý xấu. Thủ đoạn này thực ra không mới, bởi nó được lặp đi lặp lại nhiều lần theo “công thức”: một hiện tượng tiêu cực cá biệt (trên bất kỳ lĩnh vực gì) vốn có nguyên nhân từ thể chế (?!), từ sự lãnh đạo của Đảng, do đó, muốn khắc phục hiện tượng đó thì phải xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng! Cách chống phá đó được nói ra rả, coi như sự lãnh đạo của Đảng là rất tệ hại (?!), nhưng cứ nhìn vào những gì Đảng đã làm được cho đất nước này, cho nhân dân, nhất là trong 35 năm đổi mới vừa qua, chúng ta không khó nhận ra đâu mới là điều đúng đắn cần tin tưởng!

NGŨ YÊN