flag header

Tin tứcChống DBHB

Thực hiện tập trung dân chủ để làm tốt công tác cán bộ trong đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội XIII của Đảng

Ngày đăng: 16-04-2020 Lượt xem: 2547

Trong hơn 90 năm xây dựng và phát triển, kiên định nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ tháng 10/1930 Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã khẳng định: “Tổ chức theo lối dân chủ tập trung”[1] và nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định trong các kỳ Đại hội của Đảng. Trong công tác cán bộ, việc quán triệt, thực hiện đúng  nguyên tắc này là yêu cầu quan trọng để bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, khách quan, công tâm, lựa chọn đúng người có đủ phẩm chất, năng lực theo tiêu chuẩn quy định.

1. Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng

Về tập trung dân chủ, V.I. Lênin từng khẳng định: “Chế độ tập trung tuyệt đối và kỷ luật hết sức nghiêm minh của giai cấp vô sản là một trong những điều kiện căn bản để chiến thắng giai cấp tư sản”[2] và "đảng cộng sản chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình nếu đảng được tổ chức một cách tập trung nhất, nếu trong đảng có một kỷ luật sắt, gần giống như kỷ luật quân sự, và nếu Trung ương đảng là một cơ quan có uy tín mạnh mẽ, có quyền lực rộng rãi, được toàn thể đảng viên tin cậy”[3]. Còn Hồ Chí Minh thì chỉ rõ: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”[4] và “về lãnh đạo - Từ tỉnh, huyện đến chi bộ, phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách. Nội bộ phải thật đoàn kết. Mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể”[5], tức là tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung và sự kết hợp giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, đó là dân chủ tập trung.

Nguyên tắc tập trung dân chủ bao gồm 6 nội dung, được quy định tại Điều 9 Điều lệ Đảng: "1) Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. 2) Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy). 3) Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình. 4) Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. 5) Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số. 6) Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên”.

Tập trung dân chủ là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời, không có sự đối lập giữa tập trung và dân chủ; trong đó, dân chủ không đối lập với tập trung mà chỉ đối lập với quan liêu, chuyên chế, độc tài và tập trung cũng không đối lập với dân chủ mà chỉ đối lập với phân tán, cục bộ, bè phái, tự do vô chính phủ. Tập trung đúng đắn sẽ làm tăng sức mạnh của dân chủ và dân chủ đúng đắn phải dựa trên cơ sở tập trung. Tập trung không trên cơ sở dân chủ sẽ trở thành tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, còn dân chủ mà không đi tới tập trung sẽ rơi vào tình trạng dân chủ vô tổ chức, hỗn loạn. Tập trung dân chủ chỉ được thực hiện đúng khi có dân chủ thực chất và đề cao tính kỷ luật, tăng cường chế độ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thực tế cho thấy, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ là vấn đề trọng yếu, góp phần để mỗi tổ chức cơ Đảng chặt chẽ về tổ chức, đoàn kết thống nhất trong nội bộ, đảm bảo năng lực và sức chiến đấu. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cấp ủy và tổ chức đảng các cấp phải làm tốt công tác tư tưởng, giáo dục để thống nhất nhận thức và xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ trong Đảng. Cụ thể, tại mỗi tổ chức Đảng, quyền dân chủ của đảng viên cần phải được thực hiện đầy đủ và đi liền cùng đó là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đảng viên, của cấp dưới, nhất là trong công tác cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy khóa mới trước mỗi kỳ đại hội. Bên cạnh đó, để xây dựng từng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, phải chủ động phòng, chống và đấu tranh với những hiện tượng dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan của những kẻ cơ hội muốn lợi dụng dân chủ để mị dân, theo đuôi quần chúng nhằm tranh thủ sự ủng hộ và lấy phiếu trong bầu cử, trong quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, dẫn đến chia rẽ, bè phái, phá vỡ khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.

Là đảng mácxít cách mạng và chân chính, từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động; luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng; đồng thời khẳng định: “Sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”[6]. Vì thế, việc thực hiện nghiêm nguyên tắc này từ Trung ương đến địa phương là yêu cầu khách quan trong công tác tổ chức, sinh hoạt, hoạt động của Đảng; đồng thời, đảm bảo cho Đảng luôn là một tổ chức thống nhất, đoàn kết, trong sạch vững mạnh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào và vì lý do gì thì việc xem nhẹ, hạ thấp cũng như nhận thức không thấu đáo, thực hiện không đúng, không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là trong công tác cán bộ đều làm tổn hại đến vị thế, sức mạnh của Đảng và đó chính là một trong những căn nguyên dẫn đến sự thoái hóa, biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

2. Thực hiện tập trung dân chủ để đảm bảo đại hội thành công

Cán bộ và công tác cán bộ là "công việc gốc của Đảng" và "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu". Luôn chú trọng cán bộ và công tác cán bộ, văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng thống nhất khẳng định đó là công tác trọng yếu của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị”. Theo đó, công tác cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị là công tác của Đảng; được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cụ thể là mọi vấn đề liên quan đến công tác cán bộ (tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, giám sát, quản lý, quy hoạch, luân chuyển, bố trí, sử dụng, chế độ, chính sách, khen thưởng, kỷ luật,v.v.. đối với cán bộ) đều phải được tập thể thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng và quyết định theo đa số; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ nhìn chung được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, công khai, minh bạch và dân chủ. Trong đó, công tác tuyển chọn, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ được các cấp ủy, tổ chức đảng bàn bạc dân chủ và quyết định theo đa số. Vai trò của các tổ chức và nhân dân trong giám sát và tham gia vào công tác quản lý, đánh giá, tuyển chọn cán bộ được phát huy, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng được tiến hành định kỳ, hiệu quả, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vừa hồng vừa chuyên đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức cơ sở Đảng tại các địa phương, cơ quan, đơn vị không nghiêm túc, hiệu quả thấp, thậm chí có nơi nguyên tắc này còn bị bóp méo, vô hiệu hóa, bị lạm dụng thông qua việc lấy ý kiến đa số, quyết định của tập thể cấp ủy để thực thi ý chí của thiểu số, do lợi ích nhóm chi phối. Ở những nơi đó, cán bộ lãnh đạo gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, không những chưa phát huy quyền của đảng viên mà còn  thiếu tôn trọng và ít lắng nghe ý kiến cấp dưới. Thậm chí, đã có không ít trường hợp người đứng đầu tổ chức đảng lợi dụng, lạm dụng và thâu tóm quyền lực phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ trong công tác cán bộ bằng nhiều thủ đoạn. Trong khi đó, người đứng đầu cấp ủy - bí thư cấp ủy có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuẩn bị để tập thể cấp ủy quyết định các vấn đề quan trọng, nhất là công tác nhân sự, cho nên đã có không ít những tiêu cực phát sinh từ đây, biểu hiện cụ thể là tình trạng chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy chức, chạy quyền gây bức xúc trong Đảng và trong xã hội.

Việc phải thi hành kỷ luật cán bộ, đảng viên do những sai phạm trong công tác cán bộ: để xảy ra một số vụ việc cán bộ trẻ thăng tiến thần tốc, luân chuyển chui, bổ nhiệm người nhà "đúng quy trình" ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã có kết luận của các cơ quan chức năng vừa qua cho thấy, việc quyết định liên quan đến cán bộ tuy được thông qua tập thể cấp ủy, tổ chức đảng rất đúng “quy trình”, song thực chất tập thể đã mất sức chiến đấu, bị vô hiệu hóa, là bình phong để hợp thức hóa quyết định của người có chức, quyền. Ở những nơi để xảy ra các hiện tượng đó, tình trạng mất dân chủ hoặc dân chủ chỉ là hình thức và đoàn kết, thống nhất nội bộ chỉ là đoàn kết xuôi chiều (thực chất là mất đoàn kết) đã trở thành bình phong che chắn cho những hành vi tham nhũng của cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Để đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức mỗi cấp ủy, mỗi của cán bộ, đảng viên về công tác cán bộ của Đảng; chú trọng tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu nhận thức đúng và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng, bảo đảm mọi vấn đề liên quan đến cán bộ, công tác cán bộ đều được dân chủ bàn bạc, công khai, quyết định theo đa số trên cơ sở phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn. Mở rộng và phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên tham gia công tác này.

Hai là, cùng với “xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; loại trừ khả năng để cán bộ và người thân của cán bộ lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi” và “hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp; quy định lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, các ngành định kỳ hoặc đột xuất” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là việc mỗi cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải xác định rõ phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình trong thực hiện công tác cán bộ, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Ba là, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, đảm bảo lựa chọn đúng người, đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực, xứng đáng với trọng trách được giao một cách công tâm, khách quan, góp phần cổ vũ, thúc đẩy cán bộ, đảng viên phấn đấu vươn lên về mọi mặt. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức và nhân dân đối với cán bộ,  công tác cán bộ. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, tránh dân chủ hình thức, khắc phục cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng - trục lợi quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân trong công tác cán bộ.

Bốn là, phát huy vai trò bí thư cấp uỷ trong công tác cán bộ nói chung, chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới nói riêng. Cụ thể, để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, mỗi đồng chí bí thư bên cạnh việc nỗ lực học tập, rèn luyện phong cách, phương pháp làm việc dân chủ, khoa học, chấp hành nghiêm các quy chế, quy định về công tác cán bộ còn cần phải lắng nghe, tạo bầu không khí dân chủ trong cấp ủy, tổ chức đảng ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị khi thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác nhân sự, tổ chức để đi đến thống nhất và  kết luận chính xác vấn đề quan trọng này./.

                                                                     TS. Văn Thị Thanh Mai

Ban Tuyên giáo Trung ương

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t. 2, tr. 119

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 41, tr. 7

[3] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, t. 41, tr. 253

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.275

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.438

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 830