Ngày đăng: 05-01-2018 Lượt xem: 2061
Chỉ cần thay đổi từ gửi thư mời họp bằng giấy sang thư điện tử, mỗi năm Văn phòng UBND TPHCM tiết kiệm được 20 tỉ đồng. Đó là thông tin do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến trao đổi với Lao Động.
Cải cách hành chính thì không nói nhiều mà phải đi vào công việc cụ thể
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, từ cuối tháng 7.2016, Văn phòng UBND TPHCM đã ngưng gửi thư mời họp, tài liệu bằng giấy in như trước kia và chuyển sang hình thức gửi bằng thư điện tử (Email), tin nhắn SMS. Số tiền 20 tỉ đồng tiết kiệm được gồm tiền giấy, bao bì, in ấn, chuyển phát nhanh và lương cho những nhân viên ghi, đánh máy, dán phong bì... Không chỉ tiết kiệm chi phí, việc gửi thư mời họp qua email còn nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả hơn, nhất là trong các trường hợp họp đột xuất, và tiết kiệm chi phí cho cả người dân và cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, khi thực hiện thư mời điện tử thì giảm được phần nào áp lực giao thông, ùn tắc giao thông do phải đi giao thư bằng giấy, văn bản. Ngoài ra, khi tiết kiệm được chi phí hành chính thì thu nhập của cán bộ công chức cũng tăng lên khi thực hiện theo cơ chế khoán. Hiện thành phố đang khuyến khích các đơn vị hành chính trên địa bàn nhanh chóng triển khai mô hình trên để giảm chi phí mà nâng cao hiệu quả công việc.
Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng cho rằng, cải cách hành chính thì không nói nhiều mà phải đi vào công việc cụ thể để phục vụ lợi ích người dân, doanh nghiệp. Trong tương lai, TP hướng tới giảm dần lượng người dân giao dịch thủ công, toàn bộ các đơn vị liên thông thực hiện qua điện tử. “Chúng ta chấm dứt chạy văn bản bằng văn thư. Bây giờ, 1 văn bản từ sở này sang sở kia mà mất 2 tuần. Đó là nguyên nhân trễ hẹn. Sử dụng văn bản điện tử vừa phù hợp với loại hình dịch vụ công trực tuyến và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm nhũng nhiễu, phiền hà…”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh: M.Q
Nên nhân rộng ra cả nước
Đánh giá rất cao việc thực hiện tiết kiệm của UBND TP. Hồ Chí Minh, Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng, từ những kết mà UBND TP.Hồ Chí Minh đạt được thì cần nhân rộng hành vi tiết kiệm này hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Pha nhận định, tình trạng có quá nhiều thủ tục, giấy tờ trong các giao dịch hành chính của nước ta thành “vấn nạn” gây tốn kém về thời gian và tiền bạc mà hiệu quả không cao. “So với giao dịch điện tử, điểm nhìn thấy rõ nhất là thủ tục qua giấy tờ sẽ mất nhiều thời gian hơn mà thực ra cũng không có tác dụng lớn hơn với giao dịch điện tử. Một ngày, các cơ quan, đơn vị phải xử lý bao nhiêu công văn giấy tờ quá tốn kém”, ông Pha nhận xét.
Trừ những văn bản được đánh dấu “mật”, “tối mật” sử dụng bằng giấy, còn lại nên tối đa hóa hình thức điện tử. Việc làm này không chỉ ở UBND các cấp mà cần thực hiện cả ở cơ quan Đảng, cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, UBND các cấp, HĐND các cấp, MTTQ và các đoàn thể, chính trị, xã hội.
Về vấn đề họp trực tuyến, theo ông Pha đánh giá, đây là chủ trương tốt. Đi đầu cho hoạt động này phải kể đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã từng cho lắp đặt hơn 700 hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cho các cấp. Hầu hết các cuộc họp, sơ kết, tổng kết, tập huấn chuyên môn đều thực hiện thông qua hình thức này. Gần đây, kể cả họp Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã chú trọng việc tổ chức họp trực tuyến. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, xảy ra hiện tượng tại các điểm cầu trực tuyến địa phương, thành phần dự họp chỉ đông lúc khai mạc, sau đó giảm dần, người dự trực tuyến cũng không tập trung, tranh thủ làm việc cá nhân do không bị chủ tọa đầu cầu trung tâm kiểm soát. Vì vậy, cần tăng cường ý thức tham gia của người dự trực tuyến; đồng thời, đẩy mạnh việc nội dung trực tuyến cần được thu hút, sinh động hơn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành
Ông Trần Du Lịch - Nguyên phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ - cho biết, việc áp dụng thư điện tử vào trong việc quản lý, điều hành nhà nước là rất cần thiết và hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, nhu cầu xã hội vẫn tồn tại những văn bản, giấy tờ mà thư điện tử không thể thay thế được. Việc các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trao đổi, kết nối thông tin với nhau mà không cần sử dụng văn bản truyền thống sẽ tiết kiệm rất lớn cả về thời gian, tiền của nhà nước, lại có độ chính xác rất cao.
Ngay trong 1 cơ quan, các phòng, ban chuyên môn cũng phải gửi hàng đống giấy tờ cho nhau, mất công đi lại, photo copy, lại tốn kém. Vấn đề ở đây không chỉ là tiết kiệm ngân sách, thời gian, mà còn hạn chế được những phiền phức gặp phải khi gửi thư tay truyền thống. Ví dụ như, người dân có công việc phải đến nhiều cơ quan khác nhau, cơ quan nào cũng cần giấy tờ như nhau thì khi liên thông với nhau qua thư điện tử, người dân sẽ không tốn kém thời gian đến từng cơ quan một, giản lược giấy tờ, không tạo thêm áp lực về giao thông, lại rất tiện ích. “Chúng ta đừng nên nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, chuyện đó rộng quá, cái trước mắt chúng ta có thể làm được ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, mà việc thay thế thư tay truyền thống bằng thư điện tử là một trong những nội dung đó. Nếu làm tốt được việc này thì chẳng những năng xuất tăng mà việc quản lý điều hành cũng rất tiện ích” - Ông Lịch nói.
Theo LDO