flag header

Tin tứcHồ sơ tư liệu

Tìm hiểu câu nói “chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại”

Ngày đăng: 02-02-2020 Lượt xem: 2521

Nhiều người hay nhắc đến câu “chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại” và thường ít nhắc đến xuất xứ, tên tác giả. Thực ra, đó là câu dịch thoát ý từ câu “le communisme est la jeunesse du monde" (chủ nghĩa cộng sản là tuổi trẻ/tương lai của thế giới). Tác giả của câu nói nổi tiếng đó là Paul Vaillant Couturier (1892 – 1937), nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động phong trào cộng sản Pháp và quốc tế. Ông cũng là người tiên đoán một tương lai xán lạn của nhân loại qua thành ngữ “ngày mai hát ca”.

         Paul Vaillant-Couturier (8 January 1892, Paris – 10 October 1937, Paris)

          Couturier là chiến sĩ chống chiến tranh và chủ nghĩa phát xít. Sinh ở Paris trong một gia đình nghệ sĩ, các hoạt động đầu tiên của ông liên quan đến lĩnh vực văn học và nghệ thuật. Trong Thế chiến I, ông tham gia từ tháng 10-1914, với lòng tin rằng cuộc chiến này sẽ mang lại nền hòa bình và xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận ra mình ảo tưởng và quyết định từ bỏ vũ khí vào năm 1916. Tận mắt chứng kiến chiến tranh tàn khốc, ông đã ghi lại trong các bức thư, được xuất bản vào năm 1919 với tựa đề Lettres à mes amis (Những bức thư gửi bạn bè tôi). Với tư tưởng hòa bình, ông viết nhiều bài báo đăng trên báo của Đảng Xã hội Pháp. Ông cũng sáng tác một số bài hát phản chiến.

Tháng 12-1916, sau khi được một người bạn là Raymond Lefebvre (1891 – 1920) giới thiệu, ông gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 1-1917, ông tham gia tuần báo Canard enchaîné (Con vịt buộc), trở thành bạn bè của Henri Béraud (1885 – 1958) và Roland Dorgelès (1885 – 1973). Ông mạnh mẽ lên án chủ nghĩa đế quốc, ủng hộ xây dựng hòa bình, kêu gọi các dân tộc thuộc địa và giai cấp vô sản đoàn kết với nhau để chống lại bọn thực dân, đế quốc. Sau chiến tranh, ông rời nhóm Canard và viết cho các tờ La Vérité (Sự thật) của Paul Meunier, Journal du Peuple (Dân chúng) và Populaire de Paris (Phổ thông Paris), đều của Jean Longuet (1876 – 1938, cháu ngoại của Karl Marx), L'Humanité (Nhân đạo). Ông cũng nhiệt thành ủng hộ Quốc tế III và Đảng Cộng sản Pháp.

          Tại Đại hội Tours năm 1920, ông chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, ông là đại biểu của Đảng tại Đại hội III Quốc tế Cộng sản. Những năm 1928 – 1929, ông bị bắt giam vì những bài viết chống chủ nghĩa phát xít. Sau khi ra tù, ông được Đảng Cộng sản giới thiệu ra tranh cử chức thị trưởng Villejuif và đắc cử 2 lần vào những năm 1929, 1935. Trong thời gian này, ông đã có nhiều hoạt động hạn chế sự ảnh hưởng của cuộc đại khủng hoảng kinh tế (1929 – 1933) và thành lập trường Karl Marx (năm 1933).

          Couturier giữ chức Tổng Biên tập L'Humanité 3 lần (từ năm 1923 đến 1937), ông tham gia vào việc xây dựng nội dung, thường chú ý đến các phong trào công nhân; hay mời gọi cộng tác viên, nhất là những trí thức có khuynh hướng cộng sản. Trong thời gian phụ trách tờ này, ông đã đăng nhiều bài về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Trung Quốc (vùng do Đảng Cộng sản kiểm soát), Tây Ban Nha… Đây là những bài báo nước ngoài đầu tiên nói về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới. Năm 1935, ông công bố kết quả các cuộc điều tra gây choáng váng dư luận về văn hóa và xã hội, như tác động của khủng hoảng kinh tế đối với thanh thiếu niên, vấn đề trẻ em, gia đình trong xã hội tư sản…

          Các tác phẩm chính của ông là: Vũ hội những người mù (1927), phê phán xã hội tư sản; Vì trí tuệ (1937), nêu lên những quan điểm của Đảng Cộng sản Pháp về lĩnh vực văn hóa; Chúng ta hãy bảo vệ Liên Xô (1929), Trẻ bất hạnh (1935), Thời thơ ấu (1938), tiểu sử tự thuật (xuất bản sau khi qua đời). Bên cạnh đó, là một người bạn thân thiết của Liên Xô, Couturier đã viết cuốn Một tháng ở Mạc Tư Khoa đỏ (1925) và Những người xây dựng cuộc sống mới (1932).

          Ông qua đời đột ngột vào tháng 10-1937 sau một cơn đau tim. Tang lễ của ông là một sự kiện đặc biệt của Mặt trận Bình dân, thúc đẩy các phong trào cánh tả phát triển mạnh mẽ. Một đài tưởng niệm Couturier được dựng lên ở Villejuif vào năm 1967, trong khi có nhiều con đường mang tên ông được đặt từ năm 1937.

          Điều thú vị là Paul Vaillant Couturier có liên hệ gần gũi với cách mạng Việt Nam thông qua sự hợp tác mật thiết với Nguyễn Ái Quốc. Với sự đồng cảm sâu sắc với chàng trai giàu nhiệt huyết đến từ một thuộc địa của Pháp, Couturier đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Tại Đại hội Tours, cả hai đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, trở thành những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

          Couturier nổi tiếng vì thành ngữ Những ngày mai ca hát (Les Lendemains qui chantent). Thực ra, Les lendemains qui chantent là tiêu đề của cuốn tự truyện của Gabriel Péri, cựu nghị sĩ cộng sản bị phát xít Đức giết chết năm 1941. Trong tự truyện này, được xuất bản năm 1947, có bức thư từ biệt nổi tiếng, được viết vào đêm trước khi ông bị hành quyết, có câu: “Tôi vẫn nghĩ rằng, (đêm đó) người bạn thân yêu của tôi Paul Vaillant Couturier đã đúng khi nói rằng chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của thế giới và để chuẩn bị vào ngày mai ca hát”, vì thế “ngày mai hát ca” trở thành là tiêu đề của bức thư đó. Những ngày mai ca hát chính là một bài hát được Paul Vaillant Couturier viết vào năm 1937.

          Gabriel Péri (1902 – 1941) là nhà báo cộng sản nổi tiếng người Pháp, là chính trị gia và từng tham gia kháng chiến chống phát xít Đức. Péri sinh tại Toulon, từ trẻ ông đã đắm mình trong các hoạt động chính trị, từng viết cho những tờ báo ở Aix-en-Provence và Marseille. Năm 22 tuổi, Péri phụ trách phần quốc tế của tờ L'Humanité. Tham gia Quốc hội Pháp, ông sớm nổi lên là một chuyên gia về đối ngoại và là người chống chủ nghĩa phát xít mạnh mẽ. Ông lên án Mussolini xâm chiếm Ethiopia và chỉ trích Pháp không can thiệp vào cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Do liên tục công kích với chủ nghĩa phát xít, Péri trở thành một cái gai của Đức quốc xã. Mùa thu 1939, Pháp bị Đức đánh bại và lập nên chính quyền Pétain thân Đức. Ngày 18-5-1941, Péri bị quân Đức bắt và xử tử vào ngày 15-12-1941 tại Fort Mont-Valérien. Nhiều trường học và đường phố được đặt theo tên Gabriel Péri, cả ở Lyon và Paris.

          “Ngày mai hát ca” giới thiệu một tương lai sáng sủa hơn, một niềm hi vọng thoát khỏi thách thức hiện tại. “Ngày mai hát ca” trở thành một biểu thức phổ biến trước và sau Thế chiến II. Trong hồi ký về những năm chiến tranh (xuất bản năm 1949), tướng De Gaulle cũng nhắc lại biểu thức này. Từ đó, “ngày mai ca hát” trở thành một thành ngữ chỉ về một ngày mai tốt đẹp, tươi sáng hơn.

          Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết bài thơ Bản giao hưởng một ngày đang tới đã nhiều lần nhắc đến ý “ngày mai ca hát”: Tôi nghe từ trong lửa đỏ hôm nay/ Đang trỗi dậy những ngày mai ca hát/ Tôi sẽ đến với bạn bè trong đêm hòa nhạc/ Tâm hồn tôi thành giọt nước trong ngần/ Giữa quê hương tràn ngập biển thanh âm/ Dào dạt vỗ cuộc đời tìm thấy lại/ Bản giao hưởng của một ngày đang tới... Những ngày mai cất tiếng hát trong tôi/ Trên đất nóng của chiến hào đánh Mỹ/ Là sức mạnh bàn tay tôi hôm nay cầm vũ khí...

TRÚC GIANG