flag header

Tin tứcTin tức

Tinh thần tự chỉ trích của Đảng ta

Ngày đăng: 09-07-2022 Lượt xem: 1020

Nhắc đến 3 chữ “tự chỉ trích” hẳn nhiều người nhớ đến tác phẩm nổi tiếng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết năm 1939. Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “Tự chỉ trích có ý nghĩa và tác dụng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng; tác phẩm chỉ rõ những nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình. Đây thực sự là một công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng thống nhất về tư tưởng và hành động, quần chúng nhân dân càng tin tưởng vào đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng”.

Không riêng gì tác phẩm đó, không riêng gì thời điểm đó, không riêng gì Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, suốt hơn 9 thập niên qua, Đảng ta vẫn luôn thể hiện rõ tinh thần tự chỉ trích, tức là luôn có tinh thần tự phê bình, tự nhận khuyết điểm và ra sức khắc phục.

Thế nhưng, đây đó, những người có thành kiến với chế độ vẫn lu loa rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “bảo thủ”, “không dám nhìn thẳng vào sự thật”, “không thừa nhận khuyết điểm”, “không dám đối mặt với các sai lầm”… Họ lại quy tất cả các sai lầm, khuyết điểm cá nhân thành sai lầm, khuyết điểm của tổ chức, của Đảng, từ đó đòi Đảng từ bỏ quyền lãnh đạo đất nước và xã hội. Nhưng khi Đảng thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, hạn chế của mình thì họ lại rêu rao rằng “vì Đảng không thể giấu được nữa nên mới thừa nhận”… Những luận điệu ấy suy cho cùng là thiên kiến, sai lệch nhưng không phải không có tác động nhất định đến những người nhẹ dạ, những người thiếu thông tin, các thành phần đã có sẵn thành kiến.

Trong tác phẩm Tự chỉ trích, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đặt ra vấn đề phải công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng thỏa hiệp... Đồng chí nhấn mạnh: “Làm như thế không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không sợ "nối giáo cho giặc". Trái lại, nếu "đóng kín cửa bảo nhau", giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”. Như vậy, từ rất sớm, Đảng ta đã nhìn nhận yêu cầu và vai trò của tự phê bình, tự điều chỉnh và rất kiên quyết với điều đó, nhằm thể hiện rõ tính chất của “một đảng tiền phong cách mạng”.

Một trong những hoạt động mang tính tự phê bình và khắc phục sai lầm rõ nét của Đảng là việc sửa sai trong cải cách ruộng đất. Chúng ta đều biết cuộc vận động cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ sau hòa bình lập lại, đến tháng 6-1955 được tiến hành ở 735 xã, với hơn 1,6 triệu nhân khẩu. Đến tháng 12-1955, cải cách ruộng đất đợt 5 được triển khai ở 1.720 xã, có trên 6 triệu người trong 20 tỉnh và 2 thành phố. Tháng 7-1956, cải cách ruộng đất đợt 5 kết thúc ở toàn bộ vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi. Cải cách ruộng đất năm 1956 đã chia 334.100 ha ruộng cho nông dân; hoàn thành xóa bỏ giai cấp địa chủ, xóa bỏ tàn dư chế độ phong kiến ở miền Bắc; nâng cao quyền làm chủ của nông dân trong nông thôn…

Trong quá trình đó, Đảng đã phát hiện sai lầm, đến tháng 4-1956 đã có chỉ thị sửa chữa. Ngày 18-8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ nói rõ thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Người khẳng định cải cách ruộng đất là thắng lợi to lớn, nhưng đã mắc những khuyết điểm, sai lầm và “chúng ta cần phát huy những thắng lợi đã thu được, đồng thời chúng ta phải kiên quyết sửa chữa những sai lầm”. Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (tháng 9-1956), Đảng đã đề ra phương hướng và chủ trương sửa sai 10 điểm. Cuối tháng 10-1956, Hội đồng Chính phủ họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiểm điểm việc thi hành Luật Cải cách ruộng đất và công tác chỉnh đốn tổ chức, quyết định những chính sách cụ thể để sửa chữa sai lầm. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I, từ ngày 29-12-1956 đến 25-1-1957, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã báo cáo việc kiểm điểm về công tác cải cách ruộng đất và nêu rõ những sai lầm nghiêm trọng, những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những sai lầm ấy. Chính phủ đã đề ra một kế hoạch sửa chữa sai lầm gồm 3 bước cụ thể, với tinh thần kiên quyết, khẩn trương, thận trọng, từng bước có trọng điểm, có kế hoạch chu đáo, có lãnh đạo chặt chẽ và cảnh giác trước sự phá hoại của địch...

Về nhân sự, một số lãnh đạo cao nhất trong Ban Chỉ đạo Cải cách ruộng đất nhận trách nhiệm về mình và chịu kỷ luật nghiêm. Tổng Bí thư Trường Chinh xin từ chức; ông Hoàng Quốc Việt thôi Ủy viên Bộ Chính trị; ông Lê Văn Lương rút khỏi Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ông Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng… 

Tiếp đó, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác sửa sai. Chỉ riêng trong năm 1957, đã có ít nhất 32 chỉ thị, thông tri của Ban Bí thư chỉ đạo trực tiếp công tác này, bình quân mỗi tháng có khoảng 3 văn bản, đủ thấy sự quyết liệt trong nhìn nhận và khắc phục hậu quả của các sai lầm trong cải cách ruộng đất. Trong đó, có một số văn bản rất quan trọng, như Chỉ thị 02-CT/TW ngày 17-1-1957 “về việc tiếp tục trả lại tự do cho những người bị xử trí oan trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức”; Thông tri 27-TT/TW ngày 13-3-1957 “về việc săn sóc gia đình của cán bộ bị xử oan trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức”; Chỉ thị 12-CT/TW ngày 21-3-1957 “giải thích và bổ sung về chính sách sửa thành phần và đền bù tài sản, tiếp theo Chỉ thị số 51-CT/TW”; Chỉ thị 19-CT/TW ngày 27-4-1957 “quy định về một số chính sách cụ thể sửa chữa sai lầm ở miền biển”; Chỉ thị 21-CT/TW ngày 27-4-1957 “bổ sung về việc đền bù tài sản”; Chỉ thị 25-CT/TW ngày 9-5-1957 “về việc trả lại đảng tịch cho đảng viên thuộc thành phần địa chủ, phú nông đã bị xử trí trong giảm tô và cải cách ruộng đất”; Thông tri 55-TT/TW ngày 28-5-1957 “giải thích về việc chấp hành chính sách đoàn kết chặt chẽ với trung nông trên cơ sở dựa hẳn vào bần cố nông”; Thông tri 64-TT/TW ngày 20-6-1957 “về việc giải thích một số điểm về chính sách sửa thành phần”; Thông tri 62-TT/TW ngày 22-6-1957 “giải thích về tiêu chuẩn địa chủ cường hào gian ác”; Thông tri 77-TT/TW ngày 31-7-1957 “về việc giải quyết đơn từ khiếu nại trong sửa sai”…

Hay những sai lầm trong tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước cũng được Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận. Trong báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày tại Đại hội VI, ngày 15-12-1986, từ “sai lầm” có ít nhất 30 lần được lặp lại; trong đó, có những nhận định rất mạnh dạn, như: “bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự giảm sút của sản xuất vào cuối những năm 70 cùng với những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế, nhất là bố trí đầu tư và xây dựng cơ bản của 5 năm 1976 - 1980, đã để lại hậu quả nặng nề”; “trong 10 năm qua, đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế”; “đó là những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế và trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, là tác hại của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp tồn tại nhiều năm trong quản lý kinh tế, dẫn tới sản xuất chậm phát triển, mâu thuẫn giữa cung và cầu ngày càng gay gắt”; “sai lầm trong lĩnh vực phân phối, lưu thông là sai lầm rất nghiêm trọng trong lãnh đạo và quản lý kinh tế 5 năm qua”; “những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”; “khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí”…

Cũng ở báo cáo này, có ít nhất 17 lần từ “khuyết điểm” được nhắc đến; từ “hạn chế” được đề cập 9 lần; từ “nóng vội” cũng có 9 lần; từ “yếu kém” được nêu 7 lần; từ “bảo thủ” được lặp lại 5 lần; từ “trì trệ” được nhắc 4 lần… Và trên tinh thần đó, báo cáo có ít nhất 36 lần nêu từ “khắc phục” như là một đòi hỏi tất yếu để giải quyết các sai lầm, khuyết điểm ở trên.

Ngay tại Đại hội XIII, dù Đảng ta đã nhìn nhận “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. … Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, nhưng văn kiện Đại hội vẫn không né tránh các mặt tồn tại, trong đó nhấn mạnh: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn chưa ngang tầm nhiệm vụ. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước chưa thật đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”.

Gần đây hơn, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", ‘tự chuyển hóa’" cũng đã nêu nhiều các hạn chế, khuyết điểm, như: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế”; “Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp”; “Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả”… Và Đảng ta cũng khẳng định nguyên nhân của các tồn tại trên phần nhiều mang tính chủ quan.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, cho rằng, trong đấu tranh cách mạng, trong công tác hàng ngày, Đảng ta cũng như cán bộ, đảng viên của Đảng không tránh khỏi mắc khuyết điểm, sai lầm; điều quan trọng là thấy rõ khuyết điểm, sai lầm, không giấu giếm và quyết tâm sửa chữa. Nói chuyện tại hội nghị chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp trong quân đội ngày 16-5-1957, Người chỉ rõ: “Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng, sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai, mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”. Trong Sửa đổi lối làm việc, viết năm 1947, Người khẳng định: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. 

Do đó, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9-7-1912 – 9-7-2022), người đã để lại những tư tưởng rất tiến bộ về tinh thần tự phê bình và phê bình qua tác phẩm nổi tiếng Tự chỉ trích, nhìn lại chặng đường suốt hơn 90 năm qua, chúng ta đều nhận rõ sự tự phê bình, tự chỉ trích của Đảng. Nhờ đó, Đảng ta đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi liên tục các nhiệm vụ cách mạng và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Tất cả những điều đó đủ sức bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, lệch lạc về tinh thần “tự soi, tự sửa” của Đảng ta, trong quá khứ cũng như ở giai đoạn hiện nay.

Trúc Giang