Ngày đăng: 19-07-2021 Lượt xem: 1173
Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, TP.HCM và nhiều địa phương trong cả nước bị “sốt” khẩu trang, thậm chí một số nơi trở nên khan hiếm, làm giá khẩu trang bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Theo nhận định chung, lúc đó, nhu cầu sử dụng khẩu trang có tăng cao nhưng so với năng lực sản xuất thì không đến nỗi thiếu. Tuy nhiên, hiện tượng khan hiếm xảy ra chủ yếu do cùng lúc có quá nhiều người mua mà mỗi người lại mua với số lượng lớn, bởi tâm lý lo sợ thiếu khẩu trang để dùng trong khi chưa biết tình hình dịch sẽ diễn biến thế nào. Đó là hiện tượng thiếu cục bộ, thiếu hàng hóa trên thị trường trong một thời điểm nhất định, ở một số địa phương nhất định, nhưng lại thừa trong một số gia đình, trong một số người. Quá trình đó có một số người tranh thủ đầu cơ tích trữ, càng đẩy giá lên cao và tạo ra sự khan hiếm giả tạo.
Ngay lúc đó, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương vừa tăng cường sản xuất vừa quản lý chặt thị trường, tránh hiện tượng găm hàng đẩy giá, đồng thời có chế độ phân phối hợp lý (khống chế số lượng mua một lần, tặng miễn phí cho người nghèo và một số đối tượng đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ trục lợi bất chính…) thì chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình đã được kiểm soát. Từ đó đến nay, khẩu trang được dùng rất nhiều nhưng hoàn toàn không xảy ra hiện tượng sốt hay thiếu nữa.
Thời gian qua, nhất là từ đầu tháng 7-2021 đến nay, TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời nhiều địa phương lân cận thành phố cũng thực hiện giải pháp tương tự nên việc lưu thông hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh thành khác có trở ngại. Trong tình hình đó, một số bộ phận người dân có tâm lý lo lắng về việc thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm, nên đã đổ xô đi mua dự trữ. Thỉnh thoảng, trên mạng xã hội lại xuất hiện tin đồn thành phố đang thiếu nhu yếu phẩm trẩm trọng, hoặc sẽ phong tỏa dài ngày, hay các hình ảnh những hàng dài chờ vào siêu thị mua đồ, các kệ hàng trống trơn… càng làm người dân hoang mang. Từ đó, nhiều người lại càng lo lắng và càng thúc đẩy họ tranh thủ mua dự trữ.
Thực tế cho thấy, nhu cầu về các nhu yếu phẩm, nhất là lương thực, thực phẩm, của thành phố cơ bản không tăng, dựa trên nhu cầu mỗi người bình thường và số dân thành phố hiện có. Thậm chí, có một số mặt hàng nhu cầu có phần giảm đi do người từ thành phố trở về các địa phương, do sự cắt giảm một số hoạt động hay sự tiết kiệm của người dân. Nhu cầu không tăng nhưng hàng hóa thiếu chủ yếu là do nhiều người mua một số mặt hàng cùng lúc. Thí dụ: giả sử mỗi ngày thành phố tiêu thụ 1 triệu gói mì ăn liền, với điều kiện sản xuất hiện tại thì lượng mì mới được cung cấp sẽ cơ bản cân bằng với lượng tiêu dùng. Tuy nhiên, vì tin đồn sẽ thiếu hụt thực phẩm hoặc thành phố sẽ phải phong tỏa dài ngày, nên cùng lúc có rất đông người mua mì nên số lượng tiêu thụ (số mua, chứ không phải sử dụng) vượt nhiều lần so với điều kiện phân phối mặt hàng đó, kể cả so năng lực sản xuất trong ngắn hạn. Do đó, tất yếu sẽ dẫn đến thiếu cục bộ ở các kệ hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở nhiều mặt hàng khác, như thịt cá, thực phẩm khô, rau củ quả, gạo, dầu ăn…
Sự lây lan thông tin thiếu hàng hóa lại càng thúc đẩy nhiều người tranh thủ mua, càng làm tình trạng thiếu cục bộ xảy ra nghiêm trọng hơn. Chứ thực ra, về cơ bản, người dân không thiếu hàng tiêu dùng, nhất là với các nhu yếu phẩm, bởi phần nhiều đã mua để sẵn trong nhà. Tuy nhiên, hiện tượng đó đã làm một số bộ phận người dân thực sự bị thiếu hụt hàng hóa, do không kịp đi mua hoặc không có nhiều tiền để mua sẵn. Tức là, nếu chia tất cả số gói mì cho tất cả dân thành phố theo nhu cầu thực tế thì không thiếu nhưng vì đã có một nửa hoặc 2/3 số dân đã mua hết số mì hiện có, dẫn đến số dân còn lại không còn gói mì nào để mua.
Dĩ nhiên, do thực hiện việc giãn cách, phong tỏa nên quá trình lưu thông hàng hóa có khó khăn hơn, như mất nhiều thời gian hơn, tốn nhân công hơn, các chi phí khác cũng tăng lên, dẫn đến giá thành một số hàng hóa có cao hơn bình thường. Điều đó cần được hiểu đúng và chia sẻ. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, thương mại của thành phố như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn… đẩy mạnh việc cung ứng hàng hóa với giá bình ổn, để bảo đảm không thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu. Với năng lực hiện tại của các đơn vị thuộc thành phố quản lý cùng sự tạo điều kiện của thành phố đối với các doanh nghiệp tư nhân thì thành phố hoàn toàn có thể cung ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu bình thường của người dân thành phố.
Thực tiễn việc xử lý vấn đề thiếu khẩu trang năm 2020 cũng như cách thức ứng phó nhu cầu thị trường nói chung thời gian qua cho thấy thành phố sẽ không thiếu lương thực, thực phẩm, dù có những kịch bản diễn biến dịch như thế nào đi nữa. Chính Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã khẳng định thành phố bảo đảm không để thiếu thực phẩm, hàng hóa cung cấp cho người dân. Đây không phải là tuyên bố để yên lòng dân mà thực sự là một cam kết, không chỉ của lãnh đạo thành phố mà còn của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, bởi ở một đô thị lớn như TP.HCM, nếu có bất ổn từ nguyên nhân thiếu lương thực, thực phẩm thì chắc chắn hậu quả sẽ khó lường.
Do đó, thời gian qua, người dân thành phố đã chia sẻ và đồng hành với lãnh đạo thành phố trong các giải pháp phòng chống dịch thì nên tiếp tục ủng hộ các biện pháp ứng phó về vấn đề thị trường. Trong đó, mọi người không nên đổ xô đi mua một số mặt hàng để tích trữ, đồng thời cũng không nên chia sẻ những hình ảnh hay thông tin về hiện tượng khan hiếm hàng hóa hay tình trạng hàng dài người chờ mua hàng ở các siêu thị, bởi điều đó không giúp ích cho ai mà còn làm gia tăng sự lo lắng, hoang mang trong một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, đây là khó khăn chung của thành phố và nhiều địa phương trong cả nước, nên cần có sự đồng lòng, đoàn kết, cảm thông nhau, giúp đỡ nhau trên tinh thần đồng cam cộng khổ chứ không nên quan tâm quá nhiều vào việc chăm lo cho bản thân mình, gia đình mình. Trong khi nhiều địa phương trong cả nước đã tích cực giúp đỡ TP.HCM bằng nhiều hình thức, và ngay ở thành phố, người dân cũng đang đùm bọc, giúp đỡ nhau bằng những suất ăn, những món quà, thì việc nhường nhau các món hàng trong siêu thị cũng là cách thể hiện sự cộng đồng trách nhiệm, đồng hành với nhau, với chính quyền thành phố để cùng nhau vượt qua khó khăn này. Và khi mỗi người dân thể hiện tinh thần san sẻ trong mua sắm và tiêu dùng thì sẽ góp phần tránh gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ ở thành phố!
TRÚC GIANG