flag header

Tin tứcTin tức

TP.HCM sẵn sàng đón 17.000 người Việt Nam trở về từ vùng dịch.

Ngày đăng: 20-03-2020 Lượt xem: 2686

Chiều 19/3, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong 10 ngày tới, dự kiến, Thành phố sẽ tiếp nhận khoảng 17.000 người Việt Nam trở về nước và có mong muốn được cách ly tại TPHCM.

Thông tin chính thức này đã tạo nên một sự xôn xao khi mạng xã hội lan nhanh thông tin này. Đa phần người dân bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát dữ dội trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang căng ra từng giờ để đối phó với thử thách khắc nghiệt của đại dịch.  

Chủ động có những phương án đối phó

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đối với nhiều sở ban ngành trong lộ trình 10 ngày tới. Những yêu cầu được đặt ra, cần triển khai cấp thiết, đồng bộ và triệt để, như: thống kê chính xác các chuyến bay, tổng số người nhập cảnh vào TPHCM, tính toán kỹ số giường tại các khu cách ly, chuẩn bị nguồn nhân lực bác sĩ, y tá, điều dưỡng, đội ngũ phục vụ; thống kê số lượng xe cứu thương, thiết bị y tế thiết yếu, các loại xe vận chuyển người từ sân bay về các khu cách ly tập trung trong thành phố và các tỉnh lân cận; chuẩn bị kế hoạch chi tiết, điều chỉnh các khu vực tiếp nhận trước, tiếp nhận sau; huy động lực lượng sinh viên y khoa, các y bác sĩ về hưu, y bác sĩ của Bộ Tư lệnh quân khu, ngành công an và lực lượng TNXP sẵn sàng tham gia chống dịch; chuẩn bị cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly và cho người dân trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng;...

Thông tin từ Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho thấy nỗ lực rất lớn của toàn ngành y tế TPHCM khi chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó cách ly từng cấp độ, trong trường hợp có 500 đến 1.000 và trên 2.000 người bị nhiễm; triển khai tổ chức các khu cách ly tập trung của thành phố tại các cơ sở quân đội, khách sạn, khu ký túc xá đại học, với tổng quy mô đạt được 23.698 giường; còn ở 24 quận, huyện cơ sở cách ly tập trung là 798 giường. Hiện đã triển khai 1.000 giường cách ly tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, mỗi ngày, TPHCM tiếp tục triển khai 2.000 giường, đảm bảo đến ngày 27/3 triển khai xong 20.000 giường. Ngoài ra, TPHCM vẫn tiếp tục mở rộng các khu cách ly để có đủ diện tích bố trí giường cách ly riêng biệt, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly nếu có người bị nhiễm. Về thiết bị y tế, Thành phố đã trang bị 3.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng những trường hợp nghi ngờ, trường hợp tiếp xúc gần và trong tháng 3/2020 tiếp tục trang bị thêm 10.000 bộ xét nghiệm để tăng cường khả năng tầm soát người nghi ngờ ở các cơ sở, chẩn đoán người bệnh trong cộng đồng và xét nghiệm tầm soát rộng những người nghi nhiễm sau tiếp xúc gần với người bệnh, các trường hợp cách ly từ các chuyến bay từ vùng dịch,... Ngoài ra, TPHCM đã chuẩn bị 2.000 giường trong khu điều trị riêng ở một số bệnh viện để tiếp nhận điều trị chuyên cho bệnh nhân Covid-19. Điều này một lần nữa khẳng định, TPHCM hoàn toàn chủ động, sẵn sàng đón nhận những người con xa xứ trở về Việt Nam sau khi đã lường trước hết mọi khả năng, đảm không không bị lúng túng trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, thể hiện tính nhất văn cao cả, tính ưu việt của chế độ ta đối với đồng bào mình trước những khó khăn, hoạn nạn.

Sức đề kháng trong hoàn cảnh khắc nghiệt của đại dịch.

Có một thực tế không thể phủ nhận, đó là việc đối mặt với nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ các cơ sở tập trung - nơi đang cách ly những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao về từ vùng dịch; nhất là mới đây, câu chuyện đón 17.000 người Việt Nam trở về từ vùng dịch  đang đè nặng nề tâm lý người dân. Do đó, trong thời gian tới  các phương tiện thông tin truyền thông của Thành phố và cả nước cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, bám sát những biện pháp triển khai hữu hiệu và triệt của lãnh đạo Thành phố, làm cho người dân hiểu rõ, tránh tâm lý sợ hãi hoang mang. Đặc biệt là thông tin về những kịch bản, kế hoạch cách ly cụ thể, những khu vực đủ lớn để cách ly; các phương tiện vận chuyển; các trang thiết bị y tế,...và nguồn nhân lực đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó. Khi tạo được niềm tin trong nhân dân về quy trình, kế hoạch và năng lực ứng phó của Thành phố thì chúng ta sẽ tạo ra tới 90% sức mạnh nội lực - sức đề kháng mạnh mẽ trước đại dịch.

Mặc dù thời gian qua, bên cạnh nhiều bài viết tích cực, ca ngợi tấm lòng, sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, đội ngũ phục vụ ngày đêm ở các khu vực nguy hiểm; ca ngợi nhiều tấm lòng, bàn tay chung nhau đóng góp tiền của cung ứng các trang thiết bị y tế chống dịch, hầu giảm nhẹ phần nào ngân sách nhà nước đang gánh chịu, thì cũng xuất hiện tình trạng thông tin thất thiệt, tin giả, sai sự thật xung quanh dịch bệnh Covid-19 bị phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Hành vi trên góp phần làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Mong rằng mỗi người dân chúng ta cần nhận thức về trách nhiệm công dân, ý thức về truyền thống nhân đạo của người Việt Nam để tỉnh táo, tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, người thân, họ hàng,... cùng cả nước kiên cường vượt qua thử thách khắc nghiệt này. Việt Nam có có một lợi thế về môi trường là nhiệt độ khá cao, hệ miễn dịch của người Việt Nam tương đối tốt nên việc bị nhiễm bệnh thường là nhẹ, bên cạnh việc thông tin truyền thông về các cách phòng dịch, vệ sinh cá nhân được triển khai rất tốt, đặc biệt tài năng của các y bác sĩ Việt Nam với những phác đồ điều trị thích hợp là ưu điểm nổi trội khiến cả thế giới phải tìm hiểu.  Cho đến nay, Việt Nam chưa có ca nào tử vong do nhiệm virus Corona, niềm tin về sự chủ động của toàn hệ thống chính trị đang từng giờ tiến hành nhiều biện pháp đối phó một cách triệt để và toàn diện; niềm tin về năng lực, nhiệt huyết của đội ngũ y bác sĩ; về lòng nhân ái bao đời của người Việt Nam; về hệ thống thông tin truyền thông hữu hiệu... Đó chính là sức đề kháng giúp chúng ta mạnh mẽ hơn, vững tin hơn trước những thử thách còn ở phía trước...

MINH NGHI