flag header

Tin tứcĐiểm nóng

Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế như thế nào khi đưa tàu Hải Dương 8 đến bãi Tư Chính của Việt Nam?

Ngày đăng: 29-08-2019 Lượt xem: 2227

Từ ngày 03 đến 12/7/2019, Trung Quốc đưa tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 cùng tàu bảo vệ bờ biển vũ trang hạng nặng và máy bay trực thăng hộ tống vào khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Ngày 7/8/2019 tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 rời khỏi khu vực và chưa đầy 1 tuần, vào ngày 13/8/2019, tàu Hải Dương Chất 8 lại quay trở lại với sự hộ tống của ít nhất 2 tàu Hải giám Trung Quốc.

 

Nực cười: dựa vào UNCLOS mà lại làm trái UNCLOS  !?!

Những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Để biện minh cho hành động phi pháp của mình, Trung Quốc cho rằng bãi Tư Chính là một phần của "quần đảo Nam Sa" (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc "chủ quyền bất khả xâm phạm" của họ. Trung Quốc cũng dựa vào UNCLOS để đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa mở rộng tính từ các quần đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc là một trong các bên yêu sách chủ quyền. Trung Quốc cho rằng, khu vực biển mà tàu Hải Dương 8 và các tàu khác của Trung Quốc đang hoạt động là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Điều này hoàn toàn phi lý.

Lập luận của ngụy biện trên đây hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt đã bị phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016 (được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982) bác bỏ.

 

Chiến thuật Vùng xám  của Trung Quốc.

Thực chất, những hành động trên là sự tiếp nối các hoạt động có tính toán lộ trình, bước đi để từng bước thay đổi hiện trạng và tiến tới độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc trong 10 năm qua, cụ thể:

Ngày 7/5/2009, Trung Quốc đưa ra Tuyên bố về Đường yêu sách 9 đoạn chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Năm 2011 là  các  hoạt động quấy nhiễu và cắt cáp ngầm tàu Bình Minh 2; bắt đầu xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên các bãi cạn thuộc quần đảo Trường sa. Năm 2012, Trung Quốc qua mặt Philippines chiếm Bãi cạn Scarborough; Mời thầu quốc tế khai thác 09 lô dầu khí nằm trong đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Thành lập thành phố Tam Sa bao gồm quần đảo Hoàng sa, Trường sa. Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 vào khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; Thường xuyên thực hiện các hành vi cản trở, phá hoại hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của các nước trên Biển Đông.

Tàu HD8 của Trung Quốc

 Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp các bãi đá họ chiếm đóng của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13 km2 (chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa) khẩn trương biến các đảo nhân tạo này thành các “chiến hạm” phục vụ cho tham vọng và âm mưu thôn tính toàn bộ Biển Đông và khống chế toàn bộ khu vực này.

Sự kiện bãi Tư Chính mới đây đánh dấu một bước leo thang mới của Trung Quốc trong chiến lược “tằm thực” mà nước này áp dụng suốt thập niên qua. Trung Quốc đang tìm cách thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi bằng cách sử dụng Chiến thuật vùng xám. Nghĩa là không phải sử dụng lực lượng quân sự chính quy mà liên tục dùng đội tàu cá, dân binh và hải cảnh để thách thức sự hiện diện hợp pháp của ngư dân và cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của các quốc gia duyên hải. Trung Quốc đang cố làm suy yếu chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia duyên hải ngay chính trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của những nước này, đe dọa các nước và khiến họ phải lùi bước hay nhượng bộ Trung Quốc.

Chiến lược của Trung Quốc rất rõ ràng: Họ muốn dùng các chiêu bài bắt nạt, đe dọa để từng bước đẩy tất cả quốc gia láng giềng ra khỏi biển Đông, từ đó thiết lập sự thống trị với vùng trời và vùng biển tại khu vực này. Các hành vi này được Bắc Kinh thực hiện một cách bài bản, có hệ thống nhằm từng bước thay đổi hiện trạng ở biển Đông, cụ thể hóa âm mưu và tham vọng độc chiếm biển Đông. Thiết lập vành đai liên hoàn với ba điểm tiền tiêu chiến lược từ Bắc xuống Nam gồm: Đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để từ đó kiểm soát, khống chế toàn bộ tuyến đường hàng hải, hàng không và mọi hoạt động trên biển Đông, biến biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.

 

Việt Nam cần làm gì để giải quyết vấn đề?

Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn trên của Trung Quốc, Việt Nam cần:

- Giương cao ngọn cờ bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước để tập hợp và phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, khơi gơi tinh thần yêu nước chân chính và chủ nghĩa anh hùng cách mạng để toàn dân đoàn kết một lòng trong công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc.

- Trên cơ sở tư liệu lịch sử và luật pháp quốc tế đấu tranh mạnh mẽ với Trung Quốc bằng các biện pháp hòa bình, đối thoại. Thông qua các diễn đàn quốc tế đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu chứng cứ, tư liệu lịch sử, cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông.

- Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam.

- Thông qua con đường ngoại giao và truyền thông làm cho bạn bè quốc tế thấy được âm mưu, thủ đoan và hành động của Trung Quốc đã xâm phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

- Không ngừng củng cố khả năng phòng thủ đất nước, nhất là phòng thủ bờ biển và phòng thủ trên biển. Hết sức tỉnh táo không mắc mưu trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc, không để xảy ra xung đột vũ trang. 

-  Xây dựng mối quan hệ chiến lược tin cậy với các quốc gia, nhất là với các quốc gia cùng có lợi ích trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, để tạo nên sự thống nhất và sức mạnh chống lại mọi hành động vi phạm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

TS. Lê Thị Bình        

Học  viện Chính trị Khu vực II